Mar 23, 2015

Phong trào Tree Hugs Hà Nội- Bước chuyển cho Xã hội Dân sự ở Việt Nam


  Một nguyên nhân khác đã tạo nên phong trào Tree Hugs Hà Nội đó là tính chất hoàn toàn dân sự của phong trào này. Không bị dẫn lối bởi chính trị hay các luận điệu chính trị, phong trào Tree Hug giải quyết một vấn đề dân sự và xuất phát từ ý thức của mọi công dân. Cùng với đó, phong trào Tree Hugs Hà Nội không cố tạo nên các “nhân vật anh hùng cá nhân” của phong trào, mà mỗi người dân bảo vệ cây, dù là trực tiếp xuống đường ôm cây; hay chia sẻ ảnh, video, bài viết; hay lên tiếng trên báo chí; hay góp phần thống kê khảo sát, hay tham dự các buổi đàm phán, chất vấn với chính quyền… đều là những anh hùng vô danh bảo vệ cây. Bởi vậy, phong trào Tree Hugs Hà Nội không bị giới hạn bởi sự khác biệt của tư tưởng chính trị, tôn giáo hay tầng lớp xã hội…

Phong trào Tree Hugs Hà Nội – Bước chuyển cho Xã hội Dân sự ở Việt Nam

Phong trào Tree Hugs Hà Nội – Bước chuyển cho Xã hội Dân sự ở Việt Nam

Khi chiến dịch thay thế 6700 cây xanh trên tổng số 30.000 cây xanh tại Thành phố Hà Nội được sự cho phép của chính quyền Hà Nội ngang nhiên diễn ra trên khắp các con phố lớn, một cuộc vận động dân sự đã nhanh chóng diễn ra. Trong vài ngày, phong trào đã nhanh chóng lan rộng, nhiều người dân ở các vị trí xã hội khác nhau, cùng phản ứng và lên tiếng biểu thị sự phẫn nộ trước quyết định vô trách nhiệm, kém hiểu biết và nhiều động cơ trục lợi của một số quan chức Hà Nội (Đọc thêm bài báo: “Có nên coi việc chặt cây xanh ở Hà Nội là “phá hoại có tổ chức” hay không?”). Phong trào này có tên: “Tree Hugs Hà Nội”, với câu nói ngộ nghĩnh: “Anh sẽ ôm em để không ai cưa em được”
11053613_818910071522991_6153923142868563833_n
Hà Nội những ngày “ôm cây”
Ngay ngày đầu tiên các cây xanh bị đốn hạ, một Fanpage Facebook đã được thành lập có tên: “6700 người vì 6700 cây xanh” đã được thành lập. Ngay sau đó, một loạt các group khác nhau như “6700 cây xanh”, “Chiến dịch cứu 6700 cây xanh Hà Nội”, “Dự án phủ vàng 6700 cây xanh Hà Nội”… cũng góp phần lên tiếng, đưa ra các hoạt động vận động gìn giữ từng gốc cây ở Hà Nội.
Nhiều người dân vì quá yêu cây, đã trèo lên cây để ôm cây, giữ không cho các nhân viên cưa chặt cây xanh. Nhiều bạn trẻ tổ chức đeo ruy băng trên các gốc cây ở Hà Nội. Nhiều biểu ngữ rất xúc động được dán trên các gốc cây như: “Tôi là một cái cây khỏe mạnh, xin đừng chặt tôi”
11009342_818713511542647_4786268237000859281_n
Mặc dù các lực lượng như Công An, dân phòng đã đi gỡ tất cả các biểu ngữ và băng rôn nhưng ngay hôm sau, các ruy băng lại tiếp tục được treo lên.
Một bức thư ngỏ của các Tổ chức và công dân Thành phố Hà Nội về việc chặt và thay thế 6700 cây xanh đã được đăng tải trên Tử Tế Là. Tính đến ngày 22/3 năm 2015, khoảng 1 tuần sau những ngày đầu phát động phong trào, đã có 22.080 chữ ký. Sau cuộc họp báo tại UBND Thành phố Hà Nội vào ngày 20/3, mặc dù Chiến dịch đã được lệnh “tạm dừng”, nhưng người dân Hà Nội không vừa lòng với kết quả “nửa vời” ấy, cùng với một  loạt các câu hỏi vẫn chưa được giải trình như: Số gỗ bị chặt sẽ được đưa đi đâu? Kinh phí trong toàn bộ quá trình thay thế cây xanh này như thế nào?…
Cũng trong buổi sáng ngày 22/3, một cuộc picnic vì cây xanh Hà Nội đã được tổ chức quanh khu vực hồ Thiền Quang. Nhanh chóng cuộc picnic đã trở thành cuộc tuần hành ôn hòa khá lớn ở Hà Nội. Bầu không khí phẫn nộ không thua gì những cuộc Biểu tình chống Trung Quốc sau sự kiện Trung Quốc cắm dàn khoan ở Biển Đông, nhưng lần này ôn hòa và ít xô xát hơn.
11070996_833085226775578_6441410055016501805_n
Các luật sư có uy tín như Vũ Trần Hải, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân… cũng ký tên vào Thư ngỏ, ngoài ra các ông còn yêu cầu điều tra và xử lý các cán bộ đã tham mưu cho đề án đốn hạ cây xanh. Những người nổi tiếng như NSƯT Chiều Xuân, GS Ngô Bảo Châu, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn,  “Giáo sư Cù Trọng Xoay” , Ca sĩ Tuấn Hưng… cũng đều lên tiếng bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.
Chưa bao giờ người dân Hà Nội và các tổ chức dân sự lại đồng lòng với nhau để đưa ra một yêu sách, thể hiện tiếng nói và quyền làm chủ của mình đến vậy. Mặc dù mới bước đầu thành công, nhưng phong trào “Tree Hugs” ở Hà Nội đã đánh dấu một bước chuyển trong sự phát triển Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Điều gì đã tạo nên phong trào “Tree Hugs Hà Nội”
Quyết sách của chính quyền ở Hà Nội về việc chặt 6.700 cây xanh đã gây phẫn nộ quá lớn. Đã là người Hà Nội hoặc có thời gian gắn bó với Hà Nội, ai cũng yêu những hàng cây xanh cổ thụ thẳng tắp trên các con phố. Không phải chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường, cây xanh Hà Nội còn in đậm trong ký ức của mỗi người dân thành phố. Một mối liên hệ mang tính cảm xúc sâu sắc đã hình thành giữa cây Hà Nội và người Hà Nội. Việc đốn hạ dồn dập cây xanh đã vô tình gây nên cảm xúc đau đớn, thương cảm, dẫn đến giận dữ của người dân. Phẫn nộ – chính là trạng thái cảm xúc, là động lực để thúc đẩy người dân và các tổ chức cùng lên tiếng. Trong khi ấy, bao năm nay giá xăng tăng, giá điện tăng, bị dùng thuốc giả, bị đối xử bất công… người dân Hà Nội chỉ than vãn mà không phản ứng thực sự. Chỉ khi nào, một điều bất hợp lý đánh động vào cảm xúc của người dân Hà Nội thì lúc ấy, dân Hà Nội mới lên tiếng. (Trước đó, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2011, 2014 cũng đã chạm đến trạng thái cảm xúc này).
10420389_807452489334860_7552531848015644597_n
Cũng trong phong trào này, các tổ chức Xã hội dân sự (cả chính thống và không chính thống) đã có sự phối hợp nhịp nhàng và ôn hòa với nhau. Mặc dù chính quyền “nôn nóng” chặt cây, nhưng các tổ chức này đều gấp rút mà bình tĩnh. Dù rất bức xúc, nhưng các cuộc biểu tình đều không diễn ra trước cuộc họp báo tại UBND Hà Nội vào ngày 20/3. Phần đối thoại với chính quyền đã được các đại diện của NGOs trên địa bàn Hà Nội và các nhà báo thực hiện thành công, khiến các quan chức Hà Nội không còn có thể cố chấp lấp liếm sai lầm nghiêm trọng của mình và ký quyết định “tạm dừng”. Song song với hoạt động đối thoại, các tổ chức không chính thống cùng với người dân thành phố biểu thị một cách ôn hòa trên từng gốc cây và trên một loạt các facebook cá nhân. Sự tham gia lên tiếng của những người nổi tiếng cũng phần nào gia tăng sự cộng hưởng những tiếng nói bảo vệ cây.
Một nguyên nhân khác đã tạo nên phong trào Tree Hugs Hà Nội đó là tính chất hoàn toàn dân sự của phong trào này. Không bị dẫn  lối bởi chính trị hay các luận điệu chính trị, phong trào Tree Hug giải quyết một vấn đề dân sự và xuất phát từ ý thức của mọi công dân. Cùng với đó, phong trào Tree Hugs Hà Nội không cố tạo nên các “nhân vật anh hùng cá nhân” của phong trào, mà mỗi người dân bảo vệ cây, dù là trực tiếp xuống đường ôm cây; hay chia sẻ ảnh, video, bài viết; hay lên tiếng trên báo chí; hay góp phần thống kê khảo sát, hay tham dự các buổi đàm phán, chất vấn với chính quyền… đều là những anh hùng vô danh bảo vệ cây. Bởi vậy, phong trào Tree Hugs Hà Nội không bị giới hạn bởi sự khác biệt của tư tưởng chính trị, tôn giáo hay tầng lớp xã hội…
10544660_432881880211268_5624059005926146004_n
Không chỉ dừng ở  quyết định “tạm dừng”
Như đã nói ở trên, những người yêu cây Hà Nội không vừa lòng với quyết định “tạm dừng” của các quan chức Hà Nội. Qua sự kiện 6700 cây xanh này, một loạt các vấn đề đã được đặt ra.
1. Cần có cơ chế trưng cầu dân ý với các quyết định lớn của chính quyền, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
2. Cần có cơ chế minh bạch thông tin cho các quyết sách của chính quyền, để tránh tình trạng lạm quyền và tham nhũng.
3. Cần nghiêm túc truy vấn và xử phạt với các quan chức đưa ra quyết sách sai lầm và các chuyên gia tư vấn không đảm bảo độ chính xác và khoa học.
4. Cần có không gian cho Xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển. Chiến dịch đốn hạ cây xanh lần này thất bại là nhờ vào các hoạt động Xã hội dân sự ôn hòa, có văn hóa, nhưng vẫn thẳng thắn, kịp thời. Để tránh các sai lầm nghiêm trọng của chính quyền được thực thi, có thể gây ra các mối họa khôn lường trong tương lai, xã hội dân sự cần được cho phép hoạt động tại Việt Nam.
Hà Thủy Nguyên

0 comments :

Post a Comment