Năm Thân biểu tượng là con Khỉ, đứng hạng thứ 9 của 12 con giáp. Loài Khỉ có những cử chỉ, đặc tính giống con người, thích bắt chước điệu bộ, hành động của con người. Khỉ ở trong rừng thường sống từng bầy, thông minh hơn các thú vật khác, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cành này sang cành khác. Một trong những con vật có mối quan hệ gần gũi với con người. Có giả thuyết cho rằng ông tổ của loài người là khỉ. Tuy là ông tổ, nhưng hình ảnh con khỉ phần nhiều là biểu tượng của sự nghịch ngợm, tinh nghịch, láu lĩnh, trộm cắp, bắt chước, cơ hàn, khổ cực, u sầu…

- Khi nhắc đến nơi hoang dã, vắng vẻ hoang liêu, xa xôi hẻo lánh, không ai lui tới ra vào, hay những vùng khô cằn sỏi đá, đèo heo hút gió, thời tiết khắc nghiệt không có đủ điều kiện để con người sinh sống người ta hay dùng từ “Khỉ ho cò gáy”.

- Ngày xưa, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nhiều khi vì tham của, tham giàu, quyền cao chức trọng hay vì lời hứa nào đó mà cha mẹ đành lòng gả con đi đến nơi xa xôi cách trở, hẻo lánh. Khi đưa con lên kiệu hoa rồi thì xem như biền biệt không có ngày trở về

“Má ơi, đừng gả con xa,
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu!"

nỗi lòng người con gái không muốn cha mẹ gả chồng về một nơi xa xôi diều vợi như vậy; đồng thời, phê phán hiện tượng ép gả của cha mẹ. Ngày nay quốc tế hóa rồi có khác, nhiều người muốn lấy chồng xa còn không được:
“Má ơi đừng gả con xa,
Gả qua Hàn Quốc, Singapo được rồi”.

- Khi nhìn thấy ai đang đau buồn, khổ tâm, cau có, nhăn nhúm khó chịu, mọi người hay nói “Nhăn nhó như khỉ ăn gừng”, hay “Mặt nhăn như khỉ ăn ớt”. Bình thường mặt khỉ đã nhăn nheo rồi, huống chi ăn nhằm phải thứ cay như ớt, như gừng thì mặt khỉ càng nhăn nhó rất khổ sở.

- “Khỉ lại là khỉ, mèo vẫn hoàn mèo”, bản chất như thế nào thì thể hiện thế ấy, không thể che giấu được dù có thay đổi hình dạng, tô son trát phấn phủ đầy tơ lụa.

- “Nuôi khỉ dòm nhà”: Loài khỉ hay phá phách, ăn vụng, ăn trộm, kẻ thiếu trí tuệ, chỉ biết làm theo, bắt chước… vậy nên nuôi khỉ trong nhà chẳng khác nào nuôi kẻ xấu, kẻ gian, lợi không thấy mà chỉ thấy hại. Ngụ ý khuyên ta thận trọng trong việc dùng người.

- “Rung cây nhát khỉ”: Khỉ rất sợ người, hễ gặp là chúng tót lên cây cao để trốn, con người không làm được gì nên thường rung cây để hù dọa khỉ, càng rung thì khỉ càng bám chặt vào ngọn cây không rớt xuống được. Ngụ ý nói về sự hăm dọa, hù nhát một ai đó nhưng không có tác dụng, không hiệu quả, sự việc chẳng đi đến đâu.

- "Dạy khỉ leo cây": Dạy dỗ, chỉ bảo những điều mà người ta vốn rất quen thuộc, thông thạo; đây là một việc làm vô nghĩa, không cần thiết… Khỉ cũng không phải dạng vừa!

- “Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời: "Cả họ mày thơm?”
Chuột chù vốn rất hôi, vậy mà dám mở miệng chê khỉ hôi, để khỉ trả miếng lại một câu phải cứng họng. Phàm ở đời, khi mở miệng chê bai ai thì ta hãy tự phán xét mình trước đã, xem thử mình có bằng người ta không. Nhưng tốt nhất đừng nên chê bai dè bỉu, khinh khi người khác, mà chỉ nên góp ý với lòng chân thành xây dựng.

- “Khỉ chê khỉ đỏ đít”: Không biết điều, mình cũng xấu xa chẳng ra gì lại còn chê người khác. Cuộc sống con người hình ảnh con khỉ có một vị trí nhất định.

- Ở nông thôn có những chiếc cầu treo lắc lẻo, gập ghềnh, người ta gọi đó là “cầu khỉ”.

- Mắng nhau thân mật khi gặp trắc trở, hoặc không vừa lòng "đồ khỉ", "khỉ gió", “khỉ mốc”, “khỉ đột”, “khỉ khô”.

- Có những việc làm không đứng đắn, người ta gọi là “trò khỉ”

Trong "nền kinh tế thị trường" hiện nay, có biết bao nhiêu là "trò khỉ", chỉ nhắm đến lợi nhuận mà không nghĩ đến người tiêu dùng. Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở các đô thị lớn là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại còn tồi tệ hơn rất nhiều, đến mức “không ăn cũng chết mà ăn… cũng chết”, không biết đâu mà lần. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại không nhỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, tính mạng của con người "tiền mất tật mang". Đó là "trò khỉ" của con người.

Khác với bản tính không mấy tích cực của con khỉ, năm Bính Thân, con khỉ được xem là năm may mắn. Do, khỉ (hầu) với ngụ ý được phong vương tước quan hầu. Do đó, mọi người hãy sống với nhau bằng nghĩa cử cao đẹp của người quân tử; loại bỏ những trò “khỉ đột”, “khỉ mốc”, “khỉ khô”;ngăn chặn, loại trừ những “trò khỉ” không tốt đẹp đó đi, hãy cùng nhau sống chan hòa tình yêu thương.

Năm Bính Thân, con Khỉ, kính chúc mọi người luôn hoan hỉ, có sức khỏe bền bĩ, minh mẫn lí trí, công danh hết ý, bạn bè hoan hỉ, tiền vào bạc tỉ, tiền ra ri rỉ, tình yêu thỏa chí, vạn sự như ý, luôn cười hi hi… khỉ" thật!