Aug 24, 2014

Tại sao người ta thích mềm mại, thích vuốt ve nhau?

Tại sao người ta thích mềm mại, thích vuốt ve nhau?

 
Xuân Dương/ GDVN
Những tưởng chuyện chống tham nhũng đã có một bước tiến (dù là nhỏ nhoi) từ lời nói đến quyết tâm của cán bộ, công chức, của các cơ quan công quyền và đoàn thể, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị này. Tuy nhiên nhìn vào cách thức xử lý những vụ việc vi phạm đạo đức, pháp luật vừa qua tại nhiều địa phương, cơ quan, có thể thấy còn lâu mong muốn này mới thành sự thực.

Có một chuyện ngoại lệ tưởng chẳng ăn nhập gì với chủ đề bài viết, ấy là khi biểu diễn các điệu múa ba lê cổ điển hay hiện đại, các buổi thi thể dục nhịp điệu của học sinh trung học… ở các nước Âu-Mỹ, người ta biễu diễn theo đúng nhạc, đều tăm tắp, còn các điệu múa của Việt Nam, từ chuyên nghiệp đến các buổi truyền hình trực tiếp xem mà thật buồn, may mà chưa có cảnh diễn viên va đến uỵch vào nhau, ngã bổ chửng trên sân khấu. 

Tại sao lại thế? Tại vì nhiều người trong chúng ta thích uyển chuyển, mềm mại như tà áo tân thời của phụ nữ, lại cũng rất thích “vuốt ve” nhau. Mà đã uyển chuyển, mềm mại, dễ vuốt ve như tóc, như khói, như áo dài, như … “quan chức” thì làm sao có thể đều nhau, làm sao có thể vào khuôn vào phép được! Câu chuyện rùm beng một thời về cái sự “cong mềm mại” của con đường mang tên cố Tổng Bí thư Trường Chinh chẳng phải là minh chứng cho chuyện người ta thích mềm mại đó sao? Phàm những thứ “mềm mại” thì người ta mới thích “vuốt ve”, ai lại đi vuốt ve khúc củi bao giờ! 

Nói thế nhưng lại có khối ngoại lệ, chẳng hạn những “cây”, những “cọc”, những “ghế”…cũng được không ít người vuốt ve, nâng niu bảo vệ đó sao!

Chuyện lộ đề thi ở Bộ Công Thương, nghe nói đã xử lý bằng cách phê bình cảnh cáo và hạ bậc lương mấy cán bộ và tước danh hiệu thi đua trước đó! 

Còn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa thì vị lãnh đạo nọ bảo phải xử lý nghiêm, kết cục thì hình thức kỷ luật cũng chỉ là miễn nhiệm lãnh đạo cấp phòng, cấp cao hơn thì còn phải chờ cơ quan điều tra. 

Ở Hà Nội, nhân viên “tự ý” đi thi hộ Phó giám đốc Sở, bị phát hiện mỗi người chịu một tí kỷ luật, gần đây vị phó nọ được lên giám đốc, đương nhiên người “tự ý” thi hộ cũng được thơm lây.  

Quả thật khó mà có thể tìm thấy ở những đất nước phát triển cách thức xử lý nào “nhân văn” hơn, “mềm mại” hơn như cách xử lý ở Bộ Công Thương, ở  Thanh Hóa, ở Hà Nội và ở…
  
Nói là nhân văn vì hai nhân vật sai phạm chính ở Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương (Nguyễn Đăng Khoa - trưởng phòng, Nguyễn Đức Lê - phó phòng Pháp chế) đều có tình tiết giảm nhẹ (là thương binh, sắp nghỉ hưu, có nhiều đóng góp và đã thành khẩn nhận sai phạm...). Hai cán bộ cấp cao hơn, có lẽ thuộc diện “người cao tuổi” nên cũng được xử lý “thấu tình, đạt lý” là khiển trách và phê bình nghiêm khắc.

Sau quyết định của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương (hình như vẫn chưa có quyết định của Bộ trưởng), xin nêu tám câu hỏi về hậu quả của việc xử lý này:

1.      Có ảnh hưởng đến uy tín tổ chức Đảng cơ sở và cơ quan nhà nước không?
2.      Có ảnh hưởng đến chủ trương chống tham nhũng không?
3.      Có ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ không?
4.      Có trái với quy định về tội làm lộ bí mật cơ quan nhà nước không ?
5.      Hạ bậc lương có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của  lãnh đạo phòng Pháp chế không?
6.      Hình thức phê bình và khiển trách nghiêm khắc có trong luật hình sự không?
7.      Kỷ luật có ảnh hưởng đến chức vụ của bốn vị cấp cục và phòng không?
8.      Những ứng viên vi phạm có bị cấm thi công chức các năm tiếp theo không?

Câu trả lời cho bốn câu hỏi đầu là “có” và bốn câu sau là “không”.

Hình thức xử lý kỷ luật bên Đảng khác với bên chính quyền, phải chăng ở đây có hiện tượng “lách luật” bởi nếu xử lý theo luật thì phải căn cứ vào các điều 263, 264 Luật Hình sự. Cứ cho rằng các vị lãnh đạo tại Cục QLTT  Bộ Công Thương “vô ý” làm lộ đề thi tuyển công chức đi thì theo khoản 1 điều 264 Luật hình sự:

“Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Trong một xã hội dân sự, liệu xử lý của Đảng có thể thay thế xử lý bằng luật pháp không? Nếu không thì tại sao Bộ trưởng Bộ Công Thương và các cơ quan tố tụng không vào cuộc?  

Đối trượng vi phạm không chỉ là cán bộ, công chức mà còn có các thí sinh tham gia. Xin lưu ý rằng các thí sinh thi CĐ-ĐH vi phạm kỷ luật như sử dụng tài liệu, thi hộ… sẽ bị cấm không được tham dự thi hai năm tiếp theo. Thế nhưng cả mấy chục công chức, viên chức nộp tiền “chống trượt” ở Thanh Hóa và những người vừa dự thi ở Bộ Công Thương dường như vẫn vô can?

Mấy thanh niên ở Hải Phòng cướp giật tài sản là 2 chiếc mũ, nón của nữ sinh (tổng trị giá 60 nghìn đồng) bị xử tù từ 18-36 tháng. Hành động (phi pháp) đưa người nhà vào cơ quan qua thi tuyển thực chất cũng là cướp đi hy vọng mưu sinh của người khác thì lại được dân sự hóa qua quyết định kỷ luật chứ không phải qua tòa án.

Có thể thấy một xu hướng  ngược đang dần dần rõ nét, ấy là từ chỗ hình sự hóa các vụ án dân sự trong kinh tế thì nay lại là dân sự hóa những tội hình sự.

Thiết nghĩ, kỷ luật Đảng không thay thế luật pháp, sau kỷ luật Đảng phải là xử lý của chính quyền, của pháp luật.

Nếu tình trạng xử lý như ở Bộ Công Thương, ở Thanh Hóa… còn tiếp diễn thì có nên kêu gọi người dân “sống, làm việc theo pháp luật”?

Phải chăng lỗi không phải tại những người thực thi công vụ mà là do truyền thống “vuốt ve”, “mềm mại” đang được công khai vận dụng?

0 comments :

Post a Comment