Một cách hiểu các bài kệ Xuân
của ba thiền sư thời Lý
Tạ Quốc Tuấn
Lời dẫn: Thưa Ông Tạ Quốc Tuấn, xin cảm ơn Ông đã lại gửi bài cho chúng tôi. Chúng tôi đăng bài này lên, trước là dâng lên Tam Bảo chứng minh Bồ Đề tâm của Ông, sau là để chia sẻ cùng các Phật tử và khách văn khắp hoàn vũ thưởng thức bên ấm trà sen Tết cổ truyền.
Xin dâng lời cầu nguyện Đức Như Lai ban phúc lành cho Ông cùng bửu quyến và tất cả những ai ghé qua hiên trà này, đọc bài này đều được hồng ân của Phật.
Một điều đáng làm chúng ta chú ý là những bài thơ xuân đầu tiên trong văn học Việt-nam mà hiện nay vẫn còn tồn tại lại là những bài kệ xuân của ba thiền-sư thời nhà Lý (1009-1225) là Chân-không, Mãn-giác và Giác-hải. Hơn nữa, tuy nói đến xuân nhưng những bài kệ này thực sự không phải là những bài thơ sáng tác để tả cảnh xuân, ý xuân, ảnh hưởng của xuân đối với thiên nhiên, đối với con người, như những thi tác của các thế hệ sau, mà chỉ là những bài kệ (do đó chúng tôi tạm gọi là những bài “kệ xuân”) làm để trả lời một câu hỏi hoặc làm lúc tác giả sắp viên tịch. Tác giả mượn cảnh xuân hoặc ý xuân để diễn tả một vấn đề giáo lý Phật giáo nào đó, nhất là vấn đề liên quan đến sự sống chết của con người.
I.- Lời Kệ của Thiền-sư Chân-không
Bài thơ xuân đầu tiên là lời kệ của thiền-sư Chân-không (946-1001).
Người đời luôn luôn có nhiều thắc mắc mà khi không giải đáp được một cách thỏa đáng thì sinh ra đau khổ, buồn sầu. Một trong những thắc mắc đó, và có thể coi là thắc mắc lớn lao, quan trọng nhất, khiến nhiều người phải bận tâm nhất, là sự sống chết của con người.
Từ nghìn xưa, con người vẫn thắc mắc là mình từ đâu đến và khi chết sẽ đi đâu, cũng như thắc mắc là con người sinh ra ở trên đời để làm chi bởi vì trước sau, sớm muộn gì, con người cũng phải chết. Do đó mới có tình trạng con người tham sống sợ chết, và tìm đủ trăm phương nghìn kế để kéo dài cuộc sống của mình. Việc Tần Thủy-hoàng-đế Doanh-Chính 秦始皇帝 嬴政 (Tần-vương năm 246-221 TCN và Thủy-hoàng-đế năm 221-209 TCN) năm 219 TCN đã sai Từ-Phúc 徐福 dẫn hơn một nghìn đồng nam đồng nữ vượt biển đi tìm thuốc trường sinh bất tử, cũng như việc Hán Vũ-đế Lưu-Triệt 漢武帝 劉徹 (tại vị năm 140-86 TCN) cho luyện kim đan để mong được sống lâu, là những thí dụ điển hình.
Ngay cả các vị tu sĩ vốn không nên có những thắc mắc về vấn đề sống chết của con người, nhưng cũng có một vài vị vẫn cưa đạt được đến độ này. Chẳng hạn có một vị tăng một hôm đến hỏi thiền sư Chân-không là khi xác thân người ta bại hoại thì sẽ như thế nào. Thiền sư Chân-không bèn đáp bằng hai câu kệ:
春來春去疑春盡,
花落花開只是春.
Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận,
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.
Hai câu này đã được cố giáo sư Nguyễn-đăng-Thục (1909-1999) dịch sang Việt ngữ như sau:
Xuân qua xuân lại ngờ xuân tận,
Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân.
Thiền sư Thích Thanh-từ (s. 1924) cũng dịch tương tự:
Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.
Trong khi hai dịch giả trên khi dịch sang thơ Việt ngữ vẫn giữ nguyên thể thất ngôn của nguyên tác thì Phạm-tú-Châu lại dịch theo thể lục bát:
Xuân qua lại, ngỡ xuân tận,
Hoa dù rụng nở, vẫn hoàn tiết xuân.
Thiền sư Chân-không đã mượn trạng thái xuân đến và xuân đi, cũng như hình ảnh hoa nở hoa tàn, để nói lên một sự thực không ai phủ nhận, dị nghị được: đó là đừng nên nghĩ rằng sau khi xuân đến rồi đi thì cho rằng xuân đã hết, đã tận, và không bao giờ còn nữa, cũng như đừng cho rằng khi hoa nở thì xuân đến còn lúc hoa tàn thì xuân đã hết. Sự thực thì xuân chỉ có tuần hoàn, nghĩa là xuân đến rồi đi, rồi lại đến rồi lại đi, cứ tiếp tục như vậy từ thuở khai thiên lập địa cho đến hiện tại và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai cho đến vô cùng tận. Nói cách khác, xuân là một trạng thái thiên nhiên bất biến; còn sự đến và đi của xuân, cũng như sự nở và tàn của hoa, chỉ là một sự tuần hoàn thôi.
Con người cũng vậy. Tuy nhìn bề ngoài chúng ta thấy rõ ràng con người sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, nhưng cái mà chúng ta nhìn thấy đó chỉ là cái thân xác, cái sắc, cái tướng thôi. Nó chỉ là cái hình thể vật chất, nghĩa là cái vẻ bề ngoài, luôn luôn thay đổi, nên có tính cách phù du, tạm bợ. Đó là cái nhìn của người phàm. Trái lại, nếu suy ngẫm kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy cái mà chúng ta nhìn thấy và gọi là thân xác, thực ra chỉ là một tổng hợp của nhiều yếu tố, như: máu, thịt, da, xương, tủy, gân, v.v. Tất cả những thứ ấy là những yếu tố bất chắc, không bền vững, dễ bị hủy hoại, dễ hư nát. Đó không phải là con người thật. Giống như mùa xuân có đến có đi, nhưng xuân vẫn là xuân, bởi vì xuân bất biến, con người thể xác tuy trải qua các giai đoạn sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, thân xác tiêu tan hết, nhưng con người thật, nghĩa là cái hồn của con người, vẫn còn, bởi vì nó cũng bất biến.
Nếu con người đã như vậy thì còn thắc mắc đến cái còn, cái mất, cái bại hoại của thân xác mà làm chi? Chúng ta không nên chấp vào cái lý của mình để nhìn vào thế gian và sự đời, mà phải biết tự lọc lấy cái tâm mình, để có thể hòa mình vào với vũ trụ thiên nhiên. Hay như lời giáo sư Nguyễn-đăng-Thục,
"… thực tại nguồn sống thường nhiên tiềm tàng linh động đằng sau hiện tượng thiên hình vạn trạng, hiện tượng hủy diệt biến đổi, ẩn hiện, mà cái nguồn sống đại đồng sinh sinh tự nhiên luôn luôn tồn tại, không có sống chết bất di bất dịch."(1)
Tiện đây chúng tôi xin mở một dấu ngoặc để nói là câu thứ hai lời kệ của thiền sư Chân-không "Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân" nếu dịch đúng nguyên văn sẽ là "Hoa rụng hoa nở chỉ là xuân." Tuy nhiên, câu này đã được giáo sư Nguyễn-đăng-Thục dịch là "Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân", và Phạm-tú-Châu dịch là “Hoa dù rụng nở, vẫn hoàn tiết xuân” như vậy đã lột được hết ý của thiền sư Chân-không, hơn là câu dịch "Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân" của thiền sư Thích Thanh-từ.
Thực vậy, ý của thiền sư Chân-không là khi thấy xuân đi, cũng như thấy hoa tàn lúc xuân đi, thì không nên nghĩ rằng xuân đã hết, vì sau khi xuân đi rồi xuân sẽ lại đến, cũng như sau khi hoa tàn rồi hoa sẽ lại nở. Đó chỉ là những biến chuyển tuần hoàn, nghĩa là trạng thái dịch của xuân thôi, chứ xuân thì vĩnh viễn bất biến. Như vậy, từ “vẫn” trong câu dịch của giáo sư Nguyễn-đăng-Thục và của Phạm-tú-Châu dùng đúng hơn, vì từ “vẫn” diễn tả được cái bất biến của xuân. Từ “vẫn” có ý là "cứ như thế", nghĩa là nó ngụ ý chỉ sự không thay đổi, sự bất biến của một trạng thái (cũng như phẩm chất). Hơn nữa, từ “vẫn” nói lên ý niệm khẳng định, đề quyết, chắc chắn. Trái lại từ “chỉ ” mà thiền sư Thích Thanh-từ dùng cho thấy sự không chắc chắn, thiếu khẳng định, vì từ này diễn tả ý "có thế thôi" hay "không có gì khác", nghĩa là tuy nó nói lên một sự thực đơn độc, duy nhất, nhưng không mang ý bất biến, nên không lột được hết ý của thiền sư Chân-không.
II.- Lời Kệ của Thiền-sư Mãn-giác
Mặt khác, mỗi khi xuân sang, những người còn trẻ, còn sức lực, thì vui mừng đón xuân vì cho rằng xuân sẽ đem lại cho họ những cái hay, cái tốt, cái lạ, cái may mà năm qua họ không có, hay bị mất đi. Tuy nhiên, cũng có nhiều người, đại đa số là những người già, lại có thái độ bi quan, yếm thế hơn. Họ thấy rằng mỗi một mùa xuân tới thì họ lại già thêm một tuổi; hơn nữa, xuân lại đến quá nhanh khiến họ không sao trở tay kịp, vừa mới ngày nào "mang tiếng khóc bưng đầu mà ra" (Cung Oán Ngâm Khúc, câu 56), như lời Ôn-như-hầu Nguyễn-gia-Thiều (1741-1798), thế mà chưa chi đã lâm vào cảnh mà Tản-đà Nguyễn-khắc-Hiếu (1889-1939) mô tả là "cái già sồng sộc nó thì theo sau " (Chơi Xuân Kẻo Hết Xuân Đi, câu 84)
Thêm một mùa xuân là thêm một năm được thấy những đổi thay trong vũ trụ cũng như chung quanh họ. Tệ hơn nữa là tất cả những đổi thay này, họ không cách nào ngăn chặn được, không thể kìm hãm hay níu kéo lại được, vì họ quá bé nhỏ, chỉ là những hạt cát trong vũ trụ bao la bát ngát, vì họ thấy mình bị giam hãm trong một cái khung chật hẹp là quả đất nơi họ đang sinh sống và cái khung thời gian quá ngắn ngủi là cuộc đời trên dưới một trăm năm trong khi thiên nhiên lại vô hạn vô biên, vô thủy vô chung, vô cùng vô tận. Họ giống như Khổng-tử 孔子 (550-479 TCN) của Trung-quốc đã thốt lên lời "Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!" 逝者如斯夫, 不舍晝夜 (Luận Ngữ, q. 9, ch. 16), nghĩa là "Trôi mãi như thế kia, ngày đêm không thôi!", khi đứng bên giòng sông nhìn thấy nước cứ trôi đi mãi về phía chân trời xa tắp mù khơi không bao giờ cùng tận, giống như giòng đời biến hóa (thiên địa chi hóa 天地之 化) mãi mãi không lúc nào ngừng.
Hoặc như Nguyễn-Du (1766-1820), họ đã phải thở than:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. (Kiều, câu 3-4)
Đối với những người có thái độ này, thiền sư Mãn-giác (1051-1096) khuyên rằng tất cả mọi sự vật trong vũ trụ không có gì là vĩnh viễn cả, tất cả chỉ tại con người đã đem mình đối chiếu với vũ trụ và đem cái đoản sinh sánh với cái trường tồn, tất cả chỉ tại mình tự đặt mình đứng bên ngoài vũ trụ mà ngắm nhìn vũ trụ, không biết hội nhập vào vũ trụ thiên nhiên.
春去百花落,
春到百花開.
事逐眼前過,
老從頭上來.
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅.
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Sau đây là bản dịch bằng thơ Việt ngữ của Ngô-tất-Tố (1894-1954):
Xuân trỗi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi!
Đừng tưỏng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
Bài thơ dịch thứ hai, theo thể lục bát, là của Tản-đà Nguyễn-khắc-Hiếu:
Xuân đi muôn vạn hoa tàn
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
Việc đời thế sự đi qua
Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
Chờ cho xuân hết hoa tàn
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai
Người dịch thứ ba là Thiền sư Thích Thanh-từ:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.
Người dịch thứ tư là Lê-mạnh-Thát (s. 1944).
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi !
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.
Trong quan niệm của thiền sư Mãn-giác, chúng ta không nên quá bi quan trước sự tuần hoàn của vũ trụ thiên nhiên, không nên quan tâm tới cảnh xuân đến thì hoa nở, xuân đi thì hoa tàn, cũng như sự đời trôi qua trước mắt vô cùng tận và đem đến cái già trên đầu mình. Thực vậy, chúng ta đừng nên nghĩ là lúc xuân tàn tất cả mọi bông hoa đều rụng hết, cây cối trở nên trơ trụi, bởi vì vừa mới đêm qua thôi ở trước sân đã có một cành hoa mai nở rồi. Cành hoa mai ở đây tiêu biểu cái bất sinh bất diệt của vũ trụ thiên nhiên mà nếu con người cố gắng tu luyện thì sẽ có thể vượt ra khỏi sự tuần hoàn của thiên nhiên để hội nhập vào cái trường tồn của vũ trụ.
Chúng ta đừng nên có thái độ như con người mà thi nhân Trung-quốc Trần Tử-ngang 陳子昂 (659-700) diễn tả trong bài thơ Đăng U-châu Đài Ca 登幽州臺 歌:
前不見古人,
後不見來者.
念天地之悠悠,
獨愴然而涕下.
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi thế hạ.
Trần-trọng-San đã dịch bài thơ này sang thơ Việt ngữ, theo thể song thất lục bát, nhan đề Bài Ca Lên Đài U-châu.
Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ;
Trông về sau: quạnh quẽ người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.
Nói cách khác, con người phải biết gạt bỏ sự phân biệt ngoại giới với nội giới, cái ta và vũ trụ, phải biết cảm thông với vũ trụ thiên nhiên, nghĩa là đem cái đoản sinh của mình hòa với cái trường tồn của vũ trụ thiên nhiên, đem cái cục hạn của mình nhập vào cái bao la bát ngát, vô hạn vô biên của vũ trụ thiên nhiên. Được như vậy thì đâu còn sống chết, quá khứ, vị lai nữa mà phải đau buồn cho những gì đã qua đi, mất đi, cũng như phải lo âu cho sự gì sẽ tới, lo cho cái già đổ trên đầu mình, lo cho xuân tàn hoa rụng, bởi vì trong cái tiêu điều của xuân tàn hoa rụng đó đã có một cành mai hé nở làm vui lòng người rồi. Vì thế chúng ta chỉ nên quan tâm đến cái hiện diện của vũ trụ vĩnh cửu, thường hằng, vô thủy vô chung thôi. Được như vậy thì chúng ta sẽ thấy mọi sự ở trên thế gian này chỉ là huyễn ảo, mộng ảo, không đáng cho chúng ta phải quyến luyến nữa.
III.- Lời Kệ của Thiền Sư Giác-hải
Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa lại được đề cập tới trong bài kệ của thiền sư Giác-hải (sống khoảng cuối thế kỷ thứ 11, đầu thế kỷ thứ 12).
春來花蝶善知時,
花蝶應須共應期.
花蝶本來皆是幻,
莫須花蝶向心持.
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ứng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
Ngô Tất Tố đã dịch sang thơ Việt ngữ như sau:
Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo,
Thây hoa mặc bướm, để lòng chi.
Người dịch thứ hai là Lê-mạnh-Thát:
Xuân đến bướm hoa khéo biết thì,
Cần nhau hoa bướm biết nhau khi.
Bướm hoa vốn thảy đều hư huyễn,
Chớ đem hoa bướm giữ lòng chi.
Sự sống chết của con người đối với vũ trụ không khác gì hoa và bướm đối với mùa xuân. Hoa cũng như bướm vốn quen biết thời gian nên khi mùa xuân tới hoa sẽ nở và bướm sẽ lượn bay đúng kỳ hạn. Tuy nhiên, cái mà chúng ta gọi là hoa, là bướm lại chỉ là huyễn ảo mà thôi, chứ không là thực, cho nên chúng ta không nên bận tâm đến chúng làm chi. Sự sống chết của con người cũng vậy. Còn nghiệp duyên thì con người còn sống; nếu hết, con người sẽ chết. Sự sống chết của con người vì thế cũng chỉ là cảnh huyễn ảo, đâu phải là thực tướng của vũ trụ! Vì vậy chúng ta cũng chẳng nên quá lo lắng, bận tâm về cái sống hay cái chết của mình nữa.
Nói tóm lại, ba bài kệ của các thiền sư Chân-không, Mãn-giác và Giác-hải mượn cảnh xuân để hướng dẫn mọi người tìm được con đường tự giải thoát những đau khổ của mình do sự lầm tưởng cảnh và thực cũng như sự tách biệt mình và vũ trụ gây ra. Con đường tự giải thoát đó là phải coi mọi sự vật chung quanh mình và chính thân xác mình là huyễn ảo, để khỏi quá bận tâm đến sự sống chết, đến thân xác hủy hoại của mình, đến trạng thái phù du của cuộc đời tạm bợ và ngắn ngủi của con người, mà cho rằng đời người cô đơn, cô lập, bé nhỏ để rồi sinh ra bi quan yếm thế; trái lại phải biết tham dự vào cuộc tuần hoàn của vũ trụ, biết hội nhập vào sự vĩnh cửu của trình tự thiên nhiên.
T.Q.T
__________
Chú Thích:
(1) Nguyễn-đăng-Thục, Thiền Học Việt-nam, Lá Bối, Sài-gòn, 1967, Xuân Thu,
Los Alamitos, California, in lại (không ghi năm in lại), tr. 325.