Jan 19, 2015

"đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng",

Tội phạm trên không gian ảo
Bịa đặt trắng trợn đến mức không còn liêm sỉ, đó là bản chất mà những thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam tự bộc lộ trong những năm qua. Và bản chất này phơi bày rõ nét hơn khi các thủ đoạn dựng chuyện để lừa dối dư luận, xuyên tạc và vu khống chính quyền ngày càng tăng.
Theo bài Pháp tuyên chiến với khủng bố trên trang tiếng Việt của RFI ngày 14-1, phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 13-1 "Thủ tướng M.Van (Manuel Valls) cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ có biện pháp để tăng cường kiểm soát trên internet và các mạng xã hội, mà nay được sử dụng ngày càng nhiều để chiêu dụ, liên lạc, huấn luyện những kẻ khủng bố", "ngành tư pháp của Pháp thẳng tay trừng trị những kẻ bị xem là "ca ngợi khủng bố" dưới bất kỳ hình thức nào, và đã tiến hành thủ tục tư pháp với hơn 50 người, trong đó có Dieudonné - diễn viên hài nổi tiếng". Cũng trên RFI ngày 12-1, bài Nước Pháp quật khởi chống khủng bố cho biết: trong cuộc tranh luận công khai tại ban biên tập tờ New York Times, "Ð.Ba-ki (Dean Baquet), trưởng ban biên tập... phải mất rất nhiều thì giờ tham vấn các đồng nghiệp và hai lần thay đổi ý kiến trước khi quyết định không công bố các bức họa để tránh xúc phạm các độc giả của tờ báo"; còn ở tờ The Guardian, sau cuộc tranh luận nội bộ "đã quyết định tặng 100.000 bảng cho Charlie Hebdo nhưng không cảm thấy bị bắt buộc phải đăng lại các bức biếm họa". Và ngày 15-1, trang english.yonhapnews.co.kr đăng tin cảnh sát Hàn Quốc triệu tập bà Lim Xu Ky-ung (Lim Su-kyung) - nghị sĩ đảng đối lập NPAD, để chất vấn do bị cáo buộc đã vi phạm Luật An ninh quốc gia. Với cáo buộc tương tự, một tòa án ở Xơ-un (Seoul) ra lệnh bắt giữ bà Hoang Xun (Hwang Sun); đáng chú ý là bà Sin Ôn-mi (Shin Eun-mi) - người Mỹ gốc Hàn đã cùng bà Hwang Sun tổ chức buổi nói chuyện tại đền Jogyesa, bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong 5 năm. Gần một tháng trước, ngày 19-12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cũng ra phán quyết cấm đảng đối lập UPP hoạt động, không chấp nhận bất cứ kháng án nào; phán quyết dựa trên đơn kiện của Bộ Tư pháp Hàn Quốc sau khi một số thành viên của UPP bị bắt vì bị cáo buộc có âm mưu chống chính phủ. Cũng vào tháng 12-2014, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 24 nhân viên nhật báo Zaman, kênh truyền hình Samanyolu, trong đó có một số nhà báo nổi tiếng, được coi là đã ủng hộ phong trào "Khizmat" của ông P.Gu-len (F.Gullen) hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, đồng thời chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng công bố tài liệu về một âm mưu đảo chính; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan (R.T Erdogan) coi đây là việc đương nhiên ở bất cứ quốc gia nào, hoàn toàn không vi phạm dân chủ. Trước sự chỉ trích của Liên hiệp châu Âu (EU), ông khẳng định: "Chúng tôi không quan tâm những gì EU nói, cho dù EU có chấp nhận chúng tôi là thành viên hay không. Hãy giữ lại sự khôn ngoan cho chính mình"...
Như vậy, chưa bàn về đúng - sai (vì phụ thuộc vào quan điểm, góc độ tiếp cận), riêng việc trong hơn một tháng thế giới liên tiếp được chứng kiến chính quyền ở một số quốc gia thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự xã hội cũng cho thấy nhiều điều. Như tự do báo chí chẳng hạn, sau sự kiện Charlie Hebdo, câu hỏi có tự do báo chí không giới hạn hay không (?) đang trực tiếp đặt ra và không phải ngẫu nhiên, hai tờ New York Times và The Guardian, dù ủng hộ nhưng không đăng lại các biếm họa của Charlie Hebdo. Tuy nhiên, điều thú vị là có thể tìm câu trả lời trong bài Yếu tố pháp lý trong kiện phỉ báng đăng trên nguoi-viet.com ngày 8-1, bàn về việc Tòa thượng thẩm bang Ca-li-pho-ni-a (California) (Mỹ) đã phán quyết tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo phải bồi thường cho công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, bà Vĩnh Hoàng 3 triệu USD để đền bù tổn hại danh dự, uy tín, tinh thần, phạt 1,5 triệu USD làm gương vì có hành xử ác ý, tác giả Hà Giang viết: "Quyền tự do ngôn luận thật ra không phải là quyền tuyệt đối trong mọi tình huống. Một tuyên bố sai sự thật, được loan truyền vô tội vạ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín của một người, làm cho đời sống của người đó trở nên khốn đốn. Vì thế, luật phỉ báng tại Mỹ nói chung, California nói riêng, có các điều khoản tỉ mỉ, nhằm cân bằng hai nguyên tắc pháp lý căn bản", đó là nguyên tắc về đạo đức và nguyên tắc về quyền được hiến pháp bảo vệ.
Nhưng với các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam thì khác. Một mặt họ ra rả ca ngợi và yêu cầu Việt Nam phải noi theo tự do báo chí ở phương Tây (!), mặt khác, họ lại bất chấp đạo đức, coi thường pháp luật. Nhân danh "tự do ngôn luận", trên internet xuất hiện đủ loại trò hề "tuyên bố, thư ngỏ, thư mở, kháng nghị, thỉnh nguyện thư"; tin tức về cái gọi là "điều trần" do họ tự tổ chức nhằm xuyên tạc, vu khống, vu cáo Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Rồi hoạt động của mấy cái gọi là "tổ chức xã hội dân sự" tổ chức theo cách thức một người ghi tên vào mấy nơi khác nhau tạo ấn tượng số đông, kết hợp một số bức ảnh quanh đi quẩn lại một nhóm người nay giơ khẩu hiệu này, mai giơ khẩu hiệu khác (hình thức được dư luận trên internet coi là nhằm báo cáo với quan thầy họ có hoạt động, để quyết toán các dự án chống phá?). Gần đây, các hoạt động như vậy có xu hướng ráo riết, trắng trợn, nham hiểm hơn để tạo ra một "ma trận thông tin" trên internet với đủ loại tin tức giật gân, thực giả lẫn lộn, trắng đen nhập nhèm được bình luận qua đủ loại giả thuyết.
Chỉ nhìn vào một blog lập năm 2011 mỗi năm lèo tèo có vài ba bài, đến năm 2014 tăng vọt lên 84 bài, nửa đầu tháng 1-2015 có 16 bài, là có thể thấy sự ráo riết đã đến mức nào. Trên blog này, kẻ xấu tập trung bịa đặt, dàn dựng chuyện ly kỳ, tạo ấn tượng "người này đánh người khác" để ly gián, gây nghi ngờ, hoang mang...
Nhận ra chân tướng của sự bịa đặt hay đề phòng để dễ bề phủi tay về sau (?), gần đây một trang mạng vốn thù địch với Ðảng, Nhà nước Việt Nam đăng bài của Nguyễn Ngôn. Sau khi đưa ra dẫn chứng cụ thể chứng minh sự bịa đặt về quan hệ giữa một lãnh đạo Việt Nam với một doanh nhân, tác giả viết: "có người xuyên tạc để nêu ý đồ này ý đồ kia là đã vu khống đặt điều người khác, một điều mà lương tâm không cho phép Chúa Trời cũng không ưa Phật Thánh cũng không cho". Và trong một bài viết công bố gần đây, sau khi tổng kết "trước mỗi kỳ Ðại hội hay hội nghị T.Ư Ðảng, các thế lực thù địch thường đưa ra những thông tin giật gân, dường như đó là những thông tin mật, được rò rỉ ra ngoài bởi những nhân vật trong hàng ngũ "chóp bu"...", tác giả Nguyễn An Ninh kết luận rằng: mỗi khi "thông tin động trời" trên blog này đã nhàm chán, lập tức trang khác ra đời thay thế, khi trang khác hết "hót" lại xuất hiện blog khác thế chân,... rồi nhận xét "Ðiểm chung của tất cả những blog này đều là trộn lẫn một số thông tin có thật với những điều xuyên tạc, bịa đặt để hướng tới mục tiêu cuối cùng là tung tin nhảm về việc dường như có cuộc đấu đá trong nội bộ bộ máy lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước"!
Trong bối cảnh đó, theo bản tin Anh, Mỹ quyết tâm mở rộng hợp tác an ninh mạng trên VOA ngày 17-1, Tổng thống Ô-ba-ma (Obama) cho biết quyết tâm mở rộng hợp tác vì "xét tới mối nguy cấp bách và lớn dần của những mối đe dọa trên mạng" để "bảo vệ cơ sở hạ tầng hệ trọng của chúng ta, các doanh nghiệp của chúng ta và sự riêng tư của người dân chúng ta"; thậm chí trước khi hội kiến, Thủ tướng Anh Cameron còn nói ông sẽ "yêu cầu Tổng thống Obama gây sức ép với các công ty công nghệ của Mỹ như Google và Facebook cho phép chính phủ theo dõi những trao đổi liên lạc được mã hóa". Rõ ràng internet không phải là tuyệt đối đáng tin. Nhưng với mấy kẻ có suy nghĩ, hành động xấu với Việt Nam thì tin tức từ internet lại "rất đáng tin". Mỗi khi blog kể trên đưa ra thông tin dối trá, họ thi nhau đăng lại và VOA, BBC, RFA, RFI,... cũng chộp lấy để biến thành tin chính thức. Ở đây cũng cần nhắc tới Kami - kẻ từng bị vạch trần về dối trá và bịa đặt, không thấy xấu hổ mà vẫn chường mặt ra bàn về "bước ngoặt của truyền thông"! Hoặc, từ khi không bói ra âm mưu nào từ hiện tượng giảm giá xăng dầu, blog kể trên cũng trở thành chiếc cọc mục để "cây bút bình luận chính trị sâu sắc, con phượng hoàng đảm lược" bám vào bình loạn theo lối lý luận nông cạn, thiển cận, huênh hoang vốn có! Bởi vậy, một câu hỏi lại cần đặt ra là: Quan tâm đến an ninh mạng, liệu Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron có quan tâm việc chính VOA, RFA của Mỹ, BBC của Anh,... đã và đang sử dụng internet làm phương tiện tuyên truyền chống phá, gây mất an ninh của Việt Nam?
Ðòi hỏi những kẻ dối trá trên internet phải biết thế nào là liêm sỉ có lẽ là bất khả, khi lựa chọn sự tồn tại như vậy, họ đã gạt sang một bên mọi tiêu chí đạo đức. Mà ở đâu đạo đức không được sử dụng nhằm tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động của con người thì ở đó pháp luật cần lên tiếng. Hành động kiên quyết duy trì kỷ cương xã hội của chính phủ một số nước như các thí dụ ở trên cho thấy mọi nhà nước đều có quyền thực thi pháp luật và bảo vệ xã hội. Do đó, trước sự hoành hành của kẻ xấu, chúng ta cần kết hợp "đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng", như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, với việc khuyến khích toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tăng cường khả năng chọn lọc thông tin, chống các vi-rút thông tin xấu độc trên internet,... Và nếu coi hoạt động của kẻ xấu trên internet là "tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật Việt Nam. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước" như ý kiến của một vị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, thì đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc, vừa để xử lý một loại tội phạm nguy hiểm, vừa bảo đảm sự lành mạnh của đời sống xã hội và con người.
LÊ VÕ HOÀI ÂN

NÓI THẬT VÀ NÓI SỰ THẬT

NÓI THẬT VÀ NÓI SỰ THẬT

Nguyễn Trọng Bình


1. Có thể thấy sau những phát ngôn của Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng về những vấn đề liên quan đến cơ chế kiểm soát và cung cấp thông tin trong thời đại công nghệ hiện nay thì gần như ngay lập tức nhiều cơ quan truyền thông, những người báo chuyên lẫn không chuyên đều tỏ ra vui mừng phấn chấn. Mới đây, báo Tuổi trẻ số ra ngày Chủ nhật, 18 tháng 1 cũng đã tổ chức một diễn đàn xung quanh vấn đề này [1]. Một lần nữa, hầu hết những người tham gia diễn đàn này đều đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó. Đặc biệt, mọi người đều nhất trí cho rằng việc kịp thời và công khai, minh bạch thông tin cho người dân về tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội là giải pháp quan trọng nhằm giành lại “trận địa thông tin” trong tình hình bùng phát thông tin trên các trang, mạng xã hội hiện nay.

Bây giờ chúng ta hãy thử đặt câu hỏi để xem đây có phải là một giải pháp tốt hay không? Câu hỏi là, giả sử trong trường hợp các cơ quan truyền thông chính thống đã chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời và minh bạch rồi nhưng nhân dân vẫn không tin thì sao? Hay người dân sau khi có thông tin từ các cơ quan truyền thông chính thống nhưng họ vẫn muốn tìm thông tin ở chỗ không chính thống như một cách để kiểm chứng mức độ chân thật của sự việc nào đó thì sao? Bởi nói cho cùng, việc hoài nghi hay không tin vào một thông tin liên quan đến một vấn đề, một sự kiện nào đó cũng là quyền của mỗi người dân và không ai hay một cơ chế nào có thể ngăn cấm họ.

2. Đặt câu hỏi mang tính phản biện như trên, người viết bài này muốn nhắc lại đây quan điểm của giáo sư Lê Ngọc Trà trong một bài viết cách đây gần 30 năm. Chính xác là năm 1988 - thời điểm được xem là lần “đổi mới tư duy thứ nhất” của Đảng những 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, sau khi đã được Đảng “cởi trói”, Giáo sư Lê Ngọc Trà có nêu quan điểm rằng:

“Mặt khác phải thấy rằng nói thật và nói sự thật không phải bao giờ cũng là một. Có khi anh chân thành đấy nhưng vì nói một chiều, định hướng của anh sai nên thành ra chỉ nói được một nửa sự thật. Chẳng phải mấy chục năm qua phần đông nhà văn chúng ta cũng tin mình nói thật đó sao? Mà có lẽ đúng như vậy. Nhưng bây giờ thì trừ những người “yêu quá khứ” vì yêu mình ra, mấy ai nghĩ rằng văn học ta đã nói hết được sự thật?” [2].

Từ quan điểm trên của Giáo sư Lê Ngọc Trà có thể nói, sắp tới đây việc chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch cho người dân của các cơ quan truyền thông chính thống nước nhà thật ra chỉ mới đáp ứng được một nửa sự thật về một vấn đề, một sự kiện nào đó mà thôi. Nói cách khác, việc chủ động kịp thời và minh bạch thông tin về sự kiện nào đó của đất nước mới là “điều kiện cần” trong vấn đề xây dựng niềm tin đối với nhân dân của các cấp chính quyền và lãnh đạo Nhà nước. Vậy thì nửa sự thật còn lại nằm ở đâu? Hay cái “điều kiện đủ” ở đây là gì? Xin thưa đó là tâm thế và thái độ của người cung cấp thông tin hay chính xác hơn là tâm thế và thái độ của lãnh đạo Nhà nước và chính quyền đối với nhân dân trong việc cung cấp thông tin về những sự kiện liên quan đến hiện tình đất nước là như thế nào? Vấn đề này có thể nhìn nhận ở 3 phương diện quan trọng sau:

Một, thông tin được cung cấp có mang tính chia sẻ và sẵn sàng đối thoại với nhân dân để tìm sự đồng thuận hay chỉ nhằm mục ban phát trong sự áp đặt suy nghĩ và tư tưởng người dân; như một mệnh lệnh để thi hành và không cho phép người dân được quyền phản biện lại hay có cách nhìn khác, góc nhìn khác?

Hai, thông tin được cung cấp có thực sự nhằm phục vụ lợi ích của đại bộ phận công chúng và nhân dân hay chỉ phục vụ lợi ích cho một người hay nhóm người nào đó?

Ba, chỉ số và mức độ công khai, minh bạch của những sự kiện được cung cấp như thế nào, độ tin cậy của những vấn đề ra sao; đâu là những sự kiện mà người dân đương nhiên phải được chính quyền cung cấp (ngoài những vấn đề, những thông tin liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia) để mà “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...?

3. Thời gian qua, có một thực tế mà ai cũng nhìn thấy là, trước một vấn đề nào đó (nhất là vấn đề liên quan đến đời tư của các lãnh đạo cấp cao hay thông tin về những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia về biển đảo...) thì về phía các cơ quan truyền thông chính thống, đa phần chỉ cung cấp cho người dân ở mức độ “vừa phải” hay chủ yếu là “nói tránh”, “nói giảm” đi cái bản chất thật của những sự việc (ví như đồng chí X, Y, Z hay ngư dân của ta bị “tàu lạ” đâm chìm...). Ở chiều ngược lại, các cơ quan truyền thông phi chính thống lại có khuynh hướng đưa tin theo kiểu nói quá, nói phóng đại hay thổi phồng lên. Đây là gì nếu không phải là thái độ và tâm thế của những bên cung cấp thông tin đến với người dân?

Nghiêm túc mà nói thì cả hai cách cung cấp thông tin đến người dân như trên đều là cố tình bóp méo và xuyên tạc bản chất thật của những sự việc. Thế nhưng, phía nào cũng khư khư cho rằng mình đang nói thật về một sự việc, sự kiện ấy. Và như thế tất cả người dân vô tình trở thành nạn nhân của những thông tin trái chiều ấy. Hay nói cách khác, mọi sự phân tâm và hoang mang của người dân đều bắt nguồn từ chỗ này. Vì một bên chỉ nói một nửa sự thật còn một bên có khi lại nói quá, nói vượt ra ngoài những sự thật ấy.

Rõ ràng, trong chuyện này cả hai phía chính thống và phi chính thống đều có lỗi trong cách cung cấp thông tin đến người dân, tuy nhiên công tâm mà nói thì lỗi của phía cơ quan truyền thông chính thống có phần nặng và đáng trách hơn. Bởi lẽ:

Thứ nhất, phía các cơ quan truyền thông chính thống được sự bảo hộ về cơ chế tiếp cận và khai thác thông tin thuận lợi hơn.

Thứ hai, những người đưa tin từ phía các cơ quan truyền thông chính thống được nuôi dưỡng bằng tiền thuế của người dân góp vào vậy mà họ chỉ cung cấp thông tin cho người dân không kịp thời và không đầy đủ.

Như vậy, nói theo ngôn ngữ bóng đá là với lợi thế “sân nhà” và “trọng tài nhà” nhưng nhìn chung đa phần các cơ quan truyền thông chính thống vì lsy do nào đó có khi chỉ im lặng không hề cung cấp thông tin cho người dân hoặc có cung cấp nhưng thông tin đến người dân vừa chậm lại thêm “nói giảm”, “nói tránh” hay chỉ nói có 50% sự thật xung quanh những những sự kiện mà họ biết rất rõ 100% thì khó mà trách sự xuyên tạc hay bóp méo của bên cung cấp thông tin không chính thống bằng cách nói quá nó lên. (Ở đây cũng mở ngoặc nói thêm là nếu xét trong từng trường hợp cụ thể thì không phải người làm báo nào trong cơ quan truyền thông chính thống cũng đáng trách, vẫn có không ít người rất có ý thức về chuyện này nhưng có khi vì cuộc sống nên trong từng vấn đề cũng nên thông cảm cho họ - những người chưa đến mức phải “bẻ cong ngòi bút” để tồn tại).

***

4. Dù sao cũng phải thừa nhận quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi yêu cầu xây dựng cơ chế hợp lý nhằm giúp các cơ quan truyền thông chính thống “đưa thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch” đến mọi người dân là một cái nhìn đúng đắn, kịp thời của người đứng đầu chính phủ trong hoàn cảnh bát nháo và nhiễu loạn thông tin hiện nay ở Việt Nam; là dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy và nhận thức của những người lãnh đạo trong vấn đề minh bạch thông tin trước nhân dân. Tuy vậy, có lẽ các cấp lãnh đạo cùng những người làm báo chính thống cũng không nên ảo tưởng rằng, nhân dân sẽ tin tưởng chính quyền khi họ được cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch. Vì như người xưa đã nói: “một lần bất tín vạn lần bất tin”.

Ngoài ra, trong tình hình xã hội và đất nước Việt Nam hiện nay, muốn có được hay lấy lại niềm tin của nhân dân thì như đã nói, tâm thế và thái độ của những người cung cấp thông tin mới là nhân tố quan trọng và quyết định nhất. Trước một sự kiện nào đó, người dân tuy được cung cấp một cách kịp thời và minh bạch nhưng nếu thông tin về những sự kiện ấy đã được “định hướng” và “dàn xếp” trước sao cho chỉ có lợi cho một số người, một nhóm người nào đó thì có khi chỉ làm nhân dân thêm mất niềm tin hơn mà thôi. Bởi lẽ, những thông tin như vậy thật ra chỉ mới đáp ứng được một nửa của sự thật. Mà một nửa sự thật thì như mọi người đã biết đó không phải là sự thật. Vậy nên, sắp tới đây, muốn người dân thật sự tin tưởng thì nhất định phải tuân thủ một nguyên tắc mà Giáo sư Lê Ngọc Trà đã nói cách đây gần 30 năm: “nói thật và nói sự thật bao giờ cũng kèm theo một điều kiện: quyền được nói thật và nói sự thật”[3] của mỗi người dân.

Nói cách khác, muốn người dân thật sự tin tưởng thì trước hết, Nhà nước và chính quyền phải tuyệt đối tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tư tưởng, tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận của người dân trước mọi sự kiện, mọi vấn đề của xã hội và đất nước mà họ được những cơ quan truyền thông cung cấp. Nhà nước và chính quyền phải dũng cảm để sẵn sàng đón nhận và lắng nghe những những lời nói thật cho dù đó là những lời chỉ trích, “quở mắng” của người dân về những quyết sách sai lầm hay những vấn đề có màu sắc tiêu cực khác. Lắng nghe là để nhận lỗi và sửa đổi chứ không phải lắng nghe để trù dập hay thậm chí trấn áp, đàn áp tinh thần họ. Có vậy may ra mới lấy lại niềm tin của nhân dân; mới thực sự là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”; thực sự là một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh.

Cần Thơ, 18/1/2015

-----------------

Chú thích nguồn:

[1]: “Minh bạch để giành “trận địa thông tin” - Báo Tuổi trẻ - Số ra ngày 18/1/2015.

[2], [3]: Lê Ngọc Trà – “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực” (in trong sách “Lý luận và văn học”, nhà xuất bản Trẻ, 2005).

Jan 10, 2015

ĐIỀU GÌ ĐÃ LÀM BỌN TẤN CÔNG KHỦNG BỐ Ở PARIS TỨC GIẬN?


Xã luận tờ The Globe and Mail (Canada) 
ngày 7 tháng 1 năm 2015

ĐIỀU GÌ ĐÃ LÀM BỌN TẤN CÔNG KHỦNG BỐ 
Ở PARIS TỨC GIẬN? CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ

Phạm Nguyên Trường dịch

Ngôn luận tự do sẽ chẳng có nhiều tác dụng nếu nó có nghĩa là chỉ nói những điều mọi người đều đồng ý. Ngôn luận tự do cũng sẽ chẳng có nhiều tác dụng nếu nó bị giới hạn nhằm tránh làm cho người ta tức giận. Ngôn luận tự do là quyền tự do dân chủ căn bản của xã hội vì xã hội có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng là xã hội được cai trị bởi lí trí chứ không phải là bị cai trị bời đức tin, bất đồng được giải quyết bằng lí lẽ chứ không phải bằng bạo lực. Đấy là xã hội, nơi tư tưởng có thể thay đổi và thái độ có thể tiến hóa một cách tự nguyện. Còn xã hội không có tự do ngôn luận thì ngược lại, đấy là xã hội, nơi tư tưởng của bạn đã được người ta quyết định thay cho bạn từ trước rồi. 

Dòng chữ "Paris là Charlie" xuất hiện trên Khải hoàn môn Arc de Triomphe ở Paris để tưởng niệm các nạn nhân của vụ tất công đẫm máu vào trụ sở tạp chí Charlie Hebdo hôm 7.1.2015

Cuộc tấn công hôm thứ tư, 7 tháng 1, vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, ở Paris, là cuộc tấn công trực tiếp vào chế độ dân chủ và tư tưởng về ngôn luận tự do. Những kẻ tấn công muốn rằng xã hội phải hiểu rõ điều đó. Nói cho cùng, đấy chính là lí do tồn tại của họ.

Nền tảng của tờ tạp chí này là châm biếm chính trị. Các tác giả của nó chế giễu các chính khách, các nhân vật nổi tiếng và các nhà lãnh đạo chính phủ, họ biến những tính toán và những bước đi sai lầm thành trò cười. Họ cũng thường xuyên chế nhạo các tôn giáo lớn trên thế giới. Bất kì khán giả nào của chương trình The Daily Show hay Colbert Report cũng đều có thể khẳng định rằng châm biếm có thể là một trong những hình thức có sức thuyết phục nhất của ngôn luận. Nói cho cùng, một lời nhạo báng chính xác có thể phơi bày ra hết gan ruột của một tư tưởng nhảm nhí. Bạn cười khi nghe một câu chuyện khôi hài, nhưng đấy có thể không phải là bạn công nhận cái khôi hài của nó mà là công nhận tính chân thực của nó.

Xã hội phương Tây hiện đại, sản phẩm của thời đại Khai sáng, được xây dựng trên ý tưởng cho rằng trong khi mỗi người chúng ta đều có thể tự chọn lấy tôn giáo cho riêng mình, thì trong lĩnh vực công cộng, mọi tư tưởng và đức tin đều có thể được đem ra thảo luận và tranh luận. Nhưng những kẻ được vũ trang bằng súng Kalashnikov chứ không phải bằng lí lẽ và tấn công các họa sĩ biếm họa, những người cầm bút và biên tập viên của Charlie Hebdo tin vào một mô hình xã hội khác: xã hội với những quy tắc mà lí trí của con người không thể thách thức. Họ có trong đầu cái thế giới với một loạt những niềm tin cơ bản đơn giản là không thể được đem ra thảo luận, nếu không muốn chết.

Đáp lại, người dân trên toàn thế giới đã cùng nhau hô vang mấy từ: “Je Suis Charlie” - Tôi là Charlie. Và theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là Charlie. Xã hội nào cũng cần những người như các họa sĩ trào phúng ở tạp chí Charlie Hebdo.

Không, không có nhiều người muốn dùng hết ngày này sang tháng khác để chế giễu các nhân vật chính trị và tôn giáo, tìm những lời dối trá trong những tuyên bố của họ, chế nhạo những người có quyền lực và những người thèm khát quyền lực. Rất ít người trong chúng ta muốn sống trong thế giới mà ai và lúc nào cũng tìm cách trở thành Charlie. Nhưng nếu một số người đôi khi không muốn đóng vai của Charlie và không có quyền tự do lựa chọn khi nào, tại sao và họ sẽ làm việc đó như thế nào thì nền văn minh của chúng ta và tất cả các quyền tự do của nó sẽ trở thành bất khả thi. Họ có thể thể hiện tư tưởng của mình trên sách báo, trên các phương tiện truyền thông xã hội, tại nơi thờ phượng hay thậm chí là chỉ là giữa những bạn bè với nhau, nhưng nếu không được quyền thách thức hiện trạng thì cũng không có chế độ dân chủ. 

Cần phải nói rằng những kẻ thực hiện cuộc tấn công hôm thứ tư không phải là đại diện của đa số trong cộng đồng Hồi giáo. Chúng là những mẩu thịt thừa, mặc dù chúng hy vọng rằng thông qua sức mạnh của chủ nghĩa khủng bố chúng sẽ để trở thành dòng chủ lưu. Hình ảnh ghi được cho thấy rằng vừa tấn công chúng vừa hô: “Allahu Akbar”, nhưng chúng sử dụng sai cụm từ. Thật khó có thể chấp nhận được rằng một người nào đó nói rằng Chúa là vĩ đại lại có thể coi cuộc sống con người, được làm ra theo hình ảnh của Ngài, rẻ như vậy.

Nhà văn Salman Rushdie, người đã phải trốn tránh suốt nhiều năm ròng, hôm qua đã nói: “Tôi ủng hộ Charlie Hebdo, tất cả chúng ta đều phải làm như thế, để bảo vệ nghệ thuật châm biếm, châm biếm luôn luôn là một động lực của tự do và chống lại chế độ độc tài, gian dối và ngu dốt. ‘Tôn trọng tôn giáo’ đã trở thành một cụm từ có nghĩa là ‘sợ hãi của tôn giáo’. Tôn giáo, tương tự như tất cả những ý tưởng khác, xứng đáng bị chỉ trích, châm biếm, và, vâng, không cần tôn trọng mà chẳng việc gì phải sợ”. 

Đối với một số người, dường như ông Rushdie đã đi quá xa. Dân chủ không đòi hỏi coi thường tôn giáo; trên thực tế, ý tưởng về các quyền tự do dân sự có nghĩa là phải tôn trọng sự lựa chọn tôn giáo của mỗi người. Nhưng lĩnh vực công cộng lại là chuyện khác. Nếu không được phép phê phán tất cả các loại tư tưởng, trong đó có tư tưởng tôn giáo thì cũng không thể có xã hội dân chủ, duy lí, hiện đại, như ta đang thấy hiện nay. Đấy là nguyên lí quan trọng nhất của nó. 

Tờ bìa số ra gần đây nhất của Charlie Hebdo là hình nhà văn Michel Houellebecq. Cuốn tiểu thuyết mới ra gần đây của ông, Submission (Khuất phục), là văn châm biếm phản-không-tưởng về nước Pháp trong tương lai, lúc đó đã trở thành nền chính trị thần quyền. Trong cuộc phỏng vấn được công bố trong tuần này, ông Houellebecq nói rằng những tư tưởng “đạt đến chiều cao của thời kỳ Khai sáng, và dẫn đến cuộc Cách mạng Pháp, đang chết dần. Sẽ chẳng còn gì, chỉ là một chú thích trong lịch sử nhân loại mà thôi”. Ông nói xã hội hiện đại, thế tục là đã “chết”.

Nỗi sợ của ông phản ánh hi vọng của những kẻ đã tấn công Paris, tấn công nước Pháp, tấn công chế độ dân chủ và thời hiện đại vào hôm thứ Tư. Nhưng cả ông Michel Houellebecq lẫn những kẻ tấn công đều đã lầm. Ước muốn tự do của con người mạnh hơn điều đó.

Dịch từ nguồn: http://www.theglobeandmail.com/globe-debate/editorials/what-really-offended-the-paris-attackers-democracy/article22354687/

Một số chuyên án lớn khác sẻ được tung ra.

Một số chuyên án lớn khác sẻ được tung ra.
Cầu Nhật Tân
Mới đây, Hà Nội tăng ghế Phó Chủ tịch lên số 7, địa phương có ghế Phó đông nhất trong cả nước. Sau đó, đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội được giao làm Phó Chủ tịch thường trực. Chuẩn bị cho ĐH 12 của Đảng, Đảng bộ Hà Nội có lực lượng hậu bị hùng hậu hơn bao giờ hết. Trong 7 Phó Chủ tịch, có ít nhất 3 Phó có cơ rất mạnh để cơ cấu vào Trung ương khóa tới, trong đó có 1 đồng chí cùng quê với Bí thư Thành ủy, do Bộ Chính trị luân chuyển về Hà Nội. Ngoài ra, một đồng chí thường vụ thành ủy, tuổi còn trẻ, cũng được xếp vào diện cơ cấu Trung ương khóa tới.
Cách đây ít hôm, Bộ Công an đã đột ngột bắt giam Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt gần 400 tỉ.
Vấn đề ở chỗ, góp phần vào thành công của thương vụ lừa đảo mà Đại biểu QH đoàn Hà Nội đã thực hiện là hàng chục quyết định “tạo điều kiện” của UBND TP Hà Nội, của các cơ quan liên quan. Việc lừa đảo này diễn ra không phải một chốc một lát mà trong thời gian dài gần chục năm trời thuộc nhiệm kỳ của đồng chí Bí thư Thành ủy đương chức. Đơn tố cáo vị ĐB Quốc hội lừa đảo đã được gửi tới nhiều cơ quan chức năng của Hà Nội từ nhiều năm qua nhưng tại sao vẫn án binh bất động, đặc biệt là Công an Hà Nội. Hiện, Hà Nội đã nhanh tay quy trách nhiệm cho các cơ quan cấp sở. Tuy nhiên, công luận đang đặt ra câu hỏi rất lớn về vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội.
Quá trình điều tra, khám xét cho thấy tài sản thu được từ ĐB Quốc hội Châu Thị Thu Nga là không đáng kể. Vậy số tiền gần 400 tỉ đã bốc hơi đi đâu, chui vào túi quan chức nào, chắc chắn sẽ là chủ đề thu hút sự quan tâm của công luận.
Mới đây, Bộ Công an đã sắp xếp lại theo hướng tập trung quyền lực. Trước đây, chức năng an ninh điều tra và cảnh sát điều tra bị xé lẻ theo hướng tản quyền và giao về một số tổng cục. Nay, các chức năng trên được tập trung lại ở hai tổng cục vừa thành lập là Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát. Mức độ tập quyền càng cao với chế độ chính ủy công an mới được thiết lập như trong quân đội
Cơ cấu theo hướng tản quyền, một bàn tay vô hình nào đó khó có thể thâu tóm hết quyền lực. Chính vì điều này mà dù Bầu Kiên tự tin là đã chơi với hết các sếp cỡ tổng cục trở lên nhưng vẫn bị một cơ quan nhỏ cấp dưới có chức năng điều tra tóm gọn. Với cơ chế tập quyền cao và chế độ chính ủy công an, khả năng đánh kiểu “dùi nhỏ chọc sâu”  như vậy là không thể. Vấn đề là bàn tay nào sẽ thâu tóm quyền lực tập trung cao độ kiểu này.
Người ta đồn đoán, ngoài chuyên án trên liên quan tới Hà Nội, thời gian tới sẽ có một số chuyên án lớn khác được tung ra.
Cầu Nhật Tân

Xỏ xâu gái Việt!

Xỏ xâu gái Việt!

FB Bổn Đình Nguyễn
Từ tháng trước tôi đã được xem 1 clip lan truyền trên internet cảnh cảnh sát Maylaysia bắt "gái hư", tuyệt đại đa số là gái Việt Nam (trong clip có tiếng... chửi thề của một cô gái giọng miền tây), họ dùng 1 sợi xích như xích chó, xỏ xâu qua những chiếc còng tay và dắt ra đường, tống lên xe trước con mắt thờ ơ của người dân tại một thành phố tráng lệ nào đó.

Hôm nay tôi mới đọc một phóng sự trên báo, tường trình vụ việc này. Tất cả điều này là thật, xảy ra tại bar "Karaoke Fun K" ở thành phố Sitiawan thuộc vùng Perak (tây bắc Kuala Lumpur).

Theo bài báo Fun K là một trong hàng chục động mại dâm trá hình nổi tiếng khu China Town ở Sitiwan. Ở đó hoàn toàn không có "tiếp viên sạch". Hầu hết khách du lịch sextour từ Trung Quốc, Hongkong, Macau khi đến Malaysia đều được ngầm giới thiệu về địa điểm này như một điểm sex an toàn. An toàn là do ông chủ - một ta cơ người Mã gốc Hoa biết cách chia chác lợi nhuận với cảnh sát xấu để tồn tại.

Và cũng theo bài báo, việc truy quét này được biết trước, nhưng các ông chủ và đào vẫn để nó xảy ra "như tự nhiên", và chỉ sau một đêm, các đào sẽ được bảo lãnh ra bằng "tiền đen" của các ông chủ (thay vì ngồi tù), và như vậy các quan chức cảnh sát vẫn được khen thưởng, các ông chủ vẫn duy trì kinh doanh thân xác, các cô gái Việt vẫn chấp nhận bán thân kiếm tiền, và lâu lâu cho người ta xích mình như xích chó, dẫn về đồn!

Nhục cho người Việt thì nhục nhiều rồi, và Malaysia dù là nước tiến bộ nó vẫn đầy dẫy quan chức hối lộ và vi phạm nhân quyền (đối xử với con người như con vật), nhưng bài báo có một chi tiết đáng chú ý: anh phóng viên muốn tìm một cô gái tên T. theo sự nhờ vả của một bà mẹ tại Đồng Tháp. Bà này có 2 cô con gái đều cho đi làm điếm xứ người, ở nhà 2 vợ chồng bài bạc, lúc nào cũng khảo tiền con. Người cha thiếu nợ 500 triệu bên sòng bài Campuchia và đã tự tử. Cô con gái nhắn rằng có về VN cũng không về nhà, và hoàn toàn cắt đứt với mẹ!

Một phần hiện thực xã hội đương đại VN là vậy. Nó tương tự truyện dài Mút mùa lệ thủy của tôi sắp phát hành, có lẽ tôi sẽ viết tiếp một truyện dài nữa về đề tài này?!

Nếu thịnh vượng thì thiên hạ ai đi ăn mày?

Nếu thịnh vượng thì thiên hạ ai đi ăn mày?


 
 - Công cuộc an dân, đảm bảo tốt các phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho mọi thành phần trong xã hội, nâng cao dân trí… mới là điều kiện cơ bản cần thiết để thực hiện được các tiêu chí về văn minh, hiện đại. Và đó mới là trách nhiệm cao nhất của nhà chức trách.

Dân gian có câu “nước chảy chỗ trũng”, vì vậy không ngạc nhiên khi TP Hồ Chí Minh, một đô thị, một trung tâm kinh tế thương mại du lịch lớn nhất cả nước nhưng đồng thời cũng có lượng người ăn xin và chuyên nghề đi ăn xin… đông nhất nước.

Và chính vì là một đô thị, một trung tâm kinh tế thương mại du lịch lớn nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh cần phải nhất quán, liên tục, thường xuyên chỉnh trang, làm mới, làm đẹp bộ mặt, cải thiện không gian sống, nâng cao dân trí… là một điều không cần bàn cãi. Chủ trương dẹp vấn nạn ăn xin là một trong các đòi hỏi đó.

Chủ trương hoàn toàn đúng

Văn hóa người Việt đa cảm trọng tình, nên đặc điểm của những người ăn xin và chuyên nghề ăn xin  thường là khoác lên mình bộ dạng khắc khổ, rách rưới, bi thảm, đeo bám… gây phản cảm, nhếch nhác, mất thẩm mĩ chốn phồn hoa đô hội. Hình ảnh như vậy thì làm sao thành phố có thể đẹp được, có thể văn minh và hiện đại được.

Đi một số nước phát triển, bên lề đường đôi khi thấy một chú hề đứng yên bất động, thấy một người ngồi đọc sách với chiếc mũ được đặt dưới chân, thấy một người nghệ sĩ chơi đàn giữa phố... cũng là ăn xin đấy, nhưng họ ăn mặc sạch sẽ, lịch sự và không bao giờ làm phiền người khác như bộ dạng ở ta. Để đạt  tầm “cái bang” như vậy thì “ăn xin” ở Việt Nam còn phải phấn đấu dài dài…

Có bàn lui bàn tới thì việc UBND T/P.HCM ra quyết định đưa người ăn xin, người sống nơi công cộng, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội là một chủ trương đúng.

Chủ trương này không ảnh hưởng đến lòng từ bi bác ái của mọi người, nhưng với trách nhiệm công dân cao nhất thì người dân nên cùng hợp tác, đồng thuận với chính quyền để công việc khó khăn, có chiều sâu nhân bản này đạt kết quả tốt nhất. Chỉ khi nào những người sa cơ lỡ vận, lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa “đúng nghĩa” được nương tựa ở các mái nhà tình thương, các trung tâm bảo trợ xã hội thì khi đó cái nghĩa nhân văn, sự từ bi bác ái mới trọn vẹn, bền lâu được.

Nhưng cách làm?

Điều cần nhất của chủ trương tốt đẹp này là làm như thế nào, đào tạo và lựa chọn nhân sự ra sao cho thích hợp nhất, hiệu quả nhất.

Việc dẹp người bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè đã được các cơ quan công quyền triển khai mấy chục năm nay nhưng kết quả cuối cùng vẫn là bức tranh nham nhở... Là vì, chủ trương hoàn toàn đúng, mục đích không sai, nhưng do cách thức làm và nhân sự chưa chu toàn, hợp lý nên đến bây giờ buôn bán vỉa hè vẫn là một vấn nạn nan giải.

Vì thế, muốn chủ trương dẹp ăn xin đạt hiệu quả mong muốn, ngoài việc giúp đỡ nhiệt tình của người dân, cái chính vẫn là nhà chức trách phải chuẩn bị, tính toán thật kỹ cách làm cũng như bố trí người thực hiện.

Trước tiên, nhà chức trách cần điều tra, phân biệt và tách bạch cho được đâu là những người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa thật sự với những kẻ ăn xin chuyên nghiệp, có tổ chức, có ma cô chăn dắt… Và tìm mọi cách đưa những kẻ tội phạm kia ra trừng trị.

T/p HCM vốn là một đô thị hình thành bởi đa số dân nhập cư, người tứ xứ đổ về, người ăn xin cũng vậy, đa số là dân ngoại thành, đến từ khắp nơi trong cả nước. Đối với người lang thang cơ nhỡ thường trú trong thành phố thì đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội là đúng, nhưng nếu như những người ấy ở miền Trung, miền Bắc vào thì sao? Đưa họ vào hết các trung tâm thì biết bao nhiêu cho đủ. Vì vậy, thành phố cần chủ động liên hệ với các tỉnh bạn để có cách giải quyết chu đáo và triệt để hơn.

Còn có những dạng người ăn xin sáng ngồi xe đò, xe khách vào thành phố ăn xin, kiếm cơm, tối đánh xe đò, xe khách về nhà đếm tiền, ngủ… Chuyện đó cũng đặt ra bài toán khó?

Có người đưa ý kiến về việc học tập cách làm của Đà Nẵng. Đây là ý tưởng hay vì Đà Nẵng là địa phương làm rất tốt việc này, thế nhưng, chỉ dừng ở mức độ tham khảo có chọn lọc vì đặc thù vùng miền, sự phức tạp và quy mô dân số ở t/p HCM lớn hơn gấp nhiều lần.

Người sa cơ thường thiếu tự tin, mặc cảm và tâm lý thất thường. Vì thế, vấn đề nhân sự ở các trung tâm xã hội cũng cần phải tính toán kỹ. Phải là những người từng trải, coi công việc chung là trên hết, biết yêu thương đồng loại và có những kỹ năng nhất định trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng những số phận bất hạnh kia, hướng họ về được trạng thái cân bằng vui tươi của đời thường mà vẫn đảm bảo, tôn trọng được các giá trị về quyền con người.

Để làm được những điều như trên là không đơn giản, nhưng phải làm được thì bài toán về “vấn nạn ăn xin” mới có lời giải và không bị mang tiếng là “đánh trống bỏ dùi”…

Trách nhiệm cao nhất

Công cuộc an dân, đảm bảo tốt các phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho mọi thành phần trong xã hội, nâng cao dân trí… mới là điều kiện cơ bản cần thiết để thực hiện được các tiêu chí về văn minh, hiện đại. Và đó mới là trách nhiệm cao nhất của những nhà chức trách.

Trong bộ phim “Vua ăn mày” do Châu Tinh Trì thủ vai chính có đoạn kết rất hay. Đó là cuộc đối đáp giữa hoàng đế và bang chủ cái bang về giải quyết vấn nạn số người ăn xin tăng lên.

Bang chủ cái bang “hiến kế”:  Chỉ cần xã tắc sơn hà thái bình thịnh vượng thì thiên hạ ai còn đi ăn mày làm chi?

MP

Jan 8, 2015

PHẢN BIỆN THEO CÁCH VỖ TAY BẰNG MỘT BÀN TAY

ĐỪNG PHẢN BIỆN THEO CÁCH VỖ TAY BẰNG MỘT BÀN TAY
Tô Văn Trường 

Sự kiện Quốc hội khóa trước bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, và mới đây là Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế quyết định cho dừng việc triển khai dự án du lịch ở đèo Hải Vân, Đà Nẵng tạm dừng dự án hải đăng sông Hàn là những ví dụ điển hình đáng mừng khi những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước biết lắng nghe ý kiến phản biện của người dân. Hay nói cách khác, ý kiến của người dân, những người đóng thuế đã có tác dụng để ngăn chặn, khắc phục kịp thời một số quyết định sai lầm của chính quyền địa phương và kể cả ở cấp quốc gia!

Phản biện xã hội và phản biện khoa học có đặc tính riêng nhưng về bản chất không khác nhau. Chất lượng phản biện, trước hết phụ thuộc vào quan điểm, ý thức và khả năng chuyên môn của người phản biện. Nền tảng tự nhiên của sự cần thiết cho hoạt động phản biện đó là đặc tính vô minh, không thể nắm bắt và nhìn thấu hết cả hiện tượng lẫn bản chất nhiều sự việc trong cuộc sống. Vì lẽ đó, người ra quyết định khôn ngoan bao giờ cũng cần nghe ý kiến phản biện nhiều chiều và để có phản biện chất lượng, trung thực, khách quan thì phải có môi trường thông thoáng, dân chủ cho tư duy độc lập, sáng tạo và truyền thông trách nhiệm.

Thực tiễn cuộc sống là bức tranh rất sinh động của phản biện xã hội. Các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, dân chủ dân sinh, công bằng xã hội, kỷ cương phép nước minh bạch của những người quản lý điều hành đất nước trong quá trình thực thi luôn cần có quá trình điều chỉnh và hoàn thiện thông qua tiếng nói chính trực của đông đảo quần chúng nhân dân.

Nhân dân chính là tác nhân sản sinh ra những luận điểm có tính chân lý. Mặt khác, chúng ta đều biết sức mạnh và tác động to lớn của các phương tiện truyền thông, báo chí đến với xã hội và người dân. Vì vậy, thông tin càng đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan và khoa học thì giá trị và hiệu quả của định hướng dư luận càng có giá trị lớn. Quan trọng hơn ở thời đại kỹ thuật số và tốc độ truyền tin nhanh như tốc độ ánh sáng hiện nay thì bưng bít thông tin hay có suy nghĩ là không cho biết thì người dân sẽ cũng không biết, càng nguy hiểm và phản tác dụng.

Đối với tình hình thực tế ở nước ta, muốn ổn định và phát triển bền vững, nhà cầm quyền đừng bao giờ thực hiện phản biện bằng cách cho phép “vỗ tay bằng một bàn tay”. Thật là sáng suốt cho người lãnh đạo vào lúc khó khăn, nguy nan biết đặt câu hỏi ta nên làm gì. Và lắng nghe các lời tham mưu của các bậc trí giả. Ngày xưa, các bậc vua chúa cũng nhờ biết nghe lời can gián, dùng người tài để được đời sau gọi là minh quân.

Nên đặt trọng tâm vào các giải pháp của công tác phản biện xã hội, hoàn toàn có thể thực hiện triển khai ngay bằng thu thập thông tin rộng rãi từ các thành phần xã hội, sau đó tập hợp phân loại các nhóm ý kiến chủ yếu, bức xúc để đưa ra giải pháp thiết thực bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh các chủ trương chính sách hay quá trình thực hiện. Với trình độ công nghệ thông tin hiện đại, ý kiến phản biện ngày nay hoàn toàn có thể thu thập nhanh chóng từ mọi tầng lớp nhân dân đến các chuyên gia trong và ngoài biên chế hành chính ở mọi lĩnh vực, không tốn kém. Sau đó, chỉ cần thuê một số chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực cụ thể (có thể dễ dàng lập một thư viện chuyên gia trong các lĩnh vực) để tổng hợp, phân tích thông tin, sẽ chọn được những ý kiến, giải pháp đúng đắn, đồng thời loại bỏ được những ý kiến thiếu thiện chí, chỉ vì lợi ích cục bộ.

Người chuyên gia tư vấn không nhận lệnh, không báo cáo, không kiến nghị, không đệ trình. Người chuyên gia tư vấn cho lời khuyên và lời can. Khuyên làm việc tốt cho dân, cho nước. Can làm việc hại cho dân, cho nước. Còn việc quyết định phụ thuộc vào thẩm quyền, tư chất của lãnh đạo và quy định của pháp luật.

Ông Võ Văn Kiệt đã làm việc đó từ lâu. Ông chỉ mới sử dụng một nhóm chuyên gia nhỏ, nhưng qua thời gian kiểm nghiệm cho thấy vẫn có giá trị cao được ghi nhận. Những giây phút cảm động nhất, kính trọng nhất, khâm phục nhất là khi được nghe ông Kiệt tâm sự rất chân thành về một vài quyết định của mình “chưa được trúng”! Trong bối cảnh ra quyết định đó, ông là nhà chính trị trong hệ thống tổ chức, khó làm khác đi được, nhưng thật sáng suốt và dũng cảm là qua kiểm nghiệm thực tế, biết lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều, ông tự nhìn ra những khiếm khuyết, biết sửa và biết rút ra bài học cho chính mình và các thế hệ đi sau.

Chúng ta đều biết trên thế giới này không có nhà nước nào tránh được mọi sai lầm khi đưa ra các chủ trương, chính sách. Nếu lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến của người dân, phân tích, sàng lọc các ý kiến tư vấn của các tổ chức độc lập thì chắc chắn mức độ sai lầm và hậu quả của nó sẽ giảm đi đáng kể!

Một ví dụ điển hình của lối "vỗ tay bằng một bàn tay" là việc lấy ý kiến đóng góp vào sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Khi có kiến nghị sửa một số điều cơ bản về thể chế chính trị thì lập tức người có vị trí lãnh đạo cao nhất liền phê phán nặng nề những người kiến nghị là "thoái hóa, biến chất", nhưng không cho công bố những ý kiến phản biện để có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của nhiều người.

Nhiều thư của trí thức, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà hoạt động tôn giáo... gửi các nhà lãnh đạo dưới hình thức ý kiến đóng góp của tập thể một số người hoặc của từng cá nhân đều không nhận được trả lời, thậm chí còn bị nhiều cách đối phó bằng quyền lực, kể cả biện pháp thô bạo, phi đạo lý.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhân dân, trước hết là các kẻ sĩ, đang có nhiều suy nghĩ, trăn trở về vận mệnh đất nước, sẵn sàng đóng góp ý kiến với lãnh đạo, phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại. Chỉ cần lãnh đạo thật tâm lắng nghe, tôn trọng các ý kiến đóng góp; nếu không đồng tình với ý kiến nào mà mình cho là không đúng hoặc có dụng ý không lành mạnh thì đưa ra tranh luận công khai, phản bác một cách minh bạch, bỏ lối quy kết tùy tiện một chiều và nhất là không dùng bạo lực vô văn hóa để đối phó. Như vậy, chắc chắn tinh thần phản biện xã hội sẽ được phát huy, lòng tin của dân đối với chế độ sẽ được khôi phục, dân và lãnh đạo như hai bàn tay cùng vỗ, cùng kéo để đưa đất nước vượt qua thách thức đang uy hiếp độc lập, chủ quyền và kìm hãm sự phát triển.

Cuộc sống là quá trình vận động và luôn đòi hỏi có sự đóng góp của phản biện xã hội. Đất nước ta đang bước vào đầu xuân mới, nhiều thời cơ và thách thức, nguồn trí tuệ đang dâng lên, dòng nhân ái đang chảy mạnh, nhiều tấm gương biết làm, biết viết, biết nói, để thúc giục nhân tâm, kiên nhẫn từng giờ, từng phút “vắt óc” nghĩ suy tạo ra năng lượng tích cực trong nhân gian. Đó cũng là nguồn lực sâu xa đang âm vang, cộng hưởng, sẽ tác động tới những nơi cần lắng nghe, nếu được tiếp thu sẽ là hồng phúc cho đất nước.

T.V.T.

10 xu hướng của thế giới năm 2015

10 xu hướng của thế giới năm 2015

WEF

 
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (the World Economic Forum-WEF) gần đây đã công bố báo Outlook on Global Agenda 2015, trong đó nêu bật 10 xu hướng ảnh hưởng nhiều nhất đến kinh tế và xã hội trên thế giới năm 2015. Theo những chuyên gia của WEF, trong năm tới, thế giới phải đối mặt với một số thách thức quan trọng như: bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng, tình trạng thất nghiệp, gia tăng căng thẳng về địa-chiến lược, việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh của chúng ta và biến đổi khí hậu… baoleduong. xin giới thiệu cùng bạn đọc tóm lược nội dung chính của 10 xu hướng nêu ra trong báo cáo của WEF. 

--------------------

1.Sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng sâu sắc


Bất bình đẳng là một trong những thách thức quan trọng của thời đại chúng ta. Đặc biệt, bất bình đẳng về thu nhập là một trong những khía cạnh nổi bật nhất của một vấn đề rộng lớn hơn và phức tạp hơn, bao gồm sự bất bình đẳng về cơ hội và mở rộng đến giới tính, dân tộc, người khuyết tật, tuổi tác và nhiều vấn đề khác. Điều này ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở các nước phát triển và đang phát triển, những người nghèo nhất chiếm tới ½ dân số và thường chỉ kiểm soát dưới 10% tài sản. Đây là một thách thức chung mà cả thế giới phải giải quyết.

Trong khi sự thật là tăng trưởng của kinh tế có nhích lên, nhưng thế giới vẫn tồn tại những vấn đề trầm trọng như sự nghèo đói, suy thoái môi trường, tình trạng thất nghiệp dai dẳng, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột. Những vấn đề này thường liên quan chặt chẽ đến sự bất bình đẳng.

Sự nguy hiểm vốn có của vấn đề bất bình đẳng đang bị xem nhẹ và bỏ qua là rất rõ ràng. Những người, nhất là giới trẻ, bị loại trừ ra khỏi trào lưu xã hội đi đến cảm giác bị tước đoạt quyền lợi và dễ dàng tham gia vào các cuộc xung đột. Điều này, đến lượt nó, làm giảm tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu sự gắn kết và an ninh của xã hội, giảm sự khuyến khích việc tiếp cận công bằng và sử dụng tài sản chung trên toàn cầu, làm suy yếu nền dân chủ và phá vỡ hy vọng về sự phát triển xã hội bền vững và hòa bình.

Theo báo cáo điều tra 2014 Pew Global Attitudes Survey, trong bảy quốc gia vùng Cận Sahara được thăm dò ý kiến có trên 90% số người được hỏi cho rằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một vấn đề lớn; tại Mỹ, gần 80% có cùng quan điểm. Các nhà lãnh đạo chính trị cũng ngày càng chia sẻ những mối quan tâm này. Chúng ta đã nhìn thấy những chính sách tốt hơn tại một số nước, chẳng hạn như Rwanda, Brazil và Mexico với quyền tiếp cận đến các nguồn tài nguyên đang được chia sẻ đồng đều hơn và đã có những thay đổi trong xã hội, ủng hộ sự tiến bộ trong đời sống của các nhóm bị thiệt thòi. Nhưng để làm được điều này trên một quy mô lớn hơn đòi hỏi các thể chế quốc gia mạnh hơn ở nhiều nước, có nguồn lực thích hợp, lãnh đạo có trách nhiệm hơn và việc hoạch định chính sách tốt hơn. Một số quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các nguyên nhân về cơ cấu của sự bất bình đẳng thông qua một loạt các chính sách chú trọng tới công bằng và dựa trên quyền lợi.

Để giải quyết bất bình đẳng một cách có hiệu quả, các nước cần phải có một chương trình tích hợp, xem xét vấn đề này về xã hội, kinh tế và môi trường, trong đó có sự tiếp cận với giáo dục, y tế và các nguồn lực xã hội. Trung tâm của các giải pháp này là một nhóm các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy sự tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực và dịch vụ, cùng với tăng trưởng kinh tế toàn diện, tạo việc làm phù hợp và sinh kế cho tất cả mọi người trong xã hội. Để tăng cường tác động, cần có các số liệu tách bạch, chất lượng cao và minh bạch nhằm hướng đối tượng đầu tư và các nguồn tài nguyên vào những lĩnh vực cần thiết nhất.

Không thể quá đề cao vai trò của các doanh nghiệp như là nhân tố để hướng tới bình đẳng hơn về thu nhập. Số liệu từ 2014 Pew Global Attitudes Survey cho thấy rằng mọi người có xu hướng cho rằng các chính phủ phải chịu trách nhiệm về khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, chỉ riêng các chính phủ cũng không thể giải quyết được vấn đề này. Giải quyết sự bất bình đẳng không chỉ là trách nhiệm mà còn là một cơ hội. Giải quyết sự bất bình đẳng tốt cho doanh nghiệp vì nó tạo ra cơ cấu tiêu dùng mới, do đó mở rộng thị trường và dich vụ, tăng cơ hội thu được lợi nhuận, đặc biệt là đối với phụ nữ. Những nỗ lực giảm sự bất bình đẳng là một trách nhiệm của nhiều bên liên, đòi hỏi sự phối hợp hành động ở tất cả các cấp độ, từ địa phương tới quốc gia, từ khu vực tới toàn cầu.

Chúng ta đều biết những rủi ro và điểm yếu trong cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới. Chúng ta biết những gì chúng ta cần đó là: những nền kinh tế bao trùm, trong đó cả nam giới và phụ nữ được tiếp cận với việc làm bền vững, chứng nhận pháp lý, dịch vụ tài chính, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, cũng như những xã hội mà tất cả mọi người có thể đóng góp và tham gia vào quản trị ở cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu. Đã đến lúc phải hành động, để không bỏ sót một ai và đưa tất cả mọi người tiến lên phía trước với một cuộc sống đàng hoàng.

2. Tăng trưởng thất nghiệp dai dẳng

Thuật ngữ ‘tăng trưởng thất nghiệp dai dẳng’ đề cập đến hiện tượng trong đó các nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và thể hiện sự tăng trưởng nhưng lại khi chỉ duy trì – hoặc, trong một số trường hợp, giảm mức độ việc làm. Chuyển đổi và dịch chuyển việc làm gắn liền với tiến bộ công nghệ đang diễn ra nhanh hơn và thậm chí có thể cho thấy tác động mạnh hơn so với thời gian trước đây và các nhiệm vụ mang lại vai trò quan trọng và có ý nghĩa cho tất cả mọi người trở nên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên điều này cũng tạo ra một cơ hội rất lớn để tận dụng lợi thế về chi phí vay vốn thấp hiện nay cũng như nguồn lao động dồi dào chưa được sử dụng và tiến hành các dự án quy mô lớn về xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các nền kinh tế phát triển và các nước mới nổi lên.

Số liệu về người lao động trong độ tuổi từ 25 đến 54 – nhóm chủ chốt của lực lượng lao động –
cho thấy tỷ lệ phần trăm của những người không có việc làm đã tăng gấp hơn ba trong vài chục năm qua và đang có xu hướng không ngừng tăng lên. Nếu xu hướng này tiếp tục, thì có thể một thế hệ bắt đầu từ thời điểm hiện nay, một phần tư số lượng những người trung niên sẽ bị mất việc vào bất kỳ thời điểm nào. Ngay cả Trung Quốc, nước đã từng đạt mức tăng trưởng chưa từng có về xuất khẩu và khả năng cạnh tranh cũng cho thấy việc  làm đã bị suy giảm trong vòng 20 năm qua do công nghiệp hóa nhanh đồng thời với việc áp dụng công nghệ và tự động hóa. Đây là một xu hướng dài hạn có thể quan sát thấy trên toàn thế giới, ngay cả trong số các nền kinh tế mới nổi khi các nước này đi vào con đường công nghiệp hóa thông thường. Các robot và các cuộc cách mạng in ấn 3D có thể thúc đẩy xu hướng này đi xa hơn, nhờ chi phí đầu vào khá thấp của những công nghệ đột phá làm cho chúng có thể dễ dàng thâm nhập đến tất cả các nước, bao gồm cả các nền kinh tế đang phát triển.

Tự động hóa chắc chắn là yếu tố góp phần lớn nhất. Tất nhiên công nghệ có thể giúp tạo ra công ăn việc làm – nhưng quá trình này không phải là tự động. Trong lịch sử Mỹ, hai Tổng thống Roosevelt và Wilson đã nhận ra sự thách thức này và đem lại sự thay đổi về vai trò của chính phủ liên bang trong việc giải quyết các nhu cầu của người lao động có thu nhập trung bình và dưới mức trung bình. Các yếu tố có vai trò ảnh hưởng thời đó gồm có việc thành lập Tập đoàn Tennessee Valley Authority để cung cấp điện, hay việc xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang hoặc xây dựng các mạng cáp quang. Tất cả những công trình đó đều góp phần đưa lại sự tiến bộ.

Xét về tổng thể, con người có cuộc sống khá hơn nhờ tiến bộ công nghệ. Nhưng nếu không hành động, chúng ta có nguy cơ không cải thiện thêm được mức sống và nhiều người sẽ bị bỏ lại đằng sau.
Chúng ta hoàn không thể biết rõ các chính sách mà các chính phủ cần phải thực hiện để giải quyết trình trạng thất nghiệp. Thời đại này nay chưa xuất hiện nhưng nhân vật kiểu như Bismark hay Gladstone, những người có thể đứng ra để giải quyết thách thức này và đưa chính sách của các chính phủ đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Tuy nhiên một trong những lĩnh vực chủ yếu cần được thay đổi đó là giáo dục. Vì vậy, các loại hình trường học từ phổ thông đến cao đẳng hay đại học cần ưu tiên vào thực hiện các nhiệm vụ mà máy móc không thể làm, đó là: hợp tác, sáng tạo và dẫn đường, đồng thời ít chú trọng hơn đến những công việc mà máy móc đã có thể làm như là giám sát, tính toán và thực hiện.

Mặt tích cực của xu hướng này là những người mất việc làm do năng suất lao động tăng sẽ được giải phóng để làm những công việc trong các lĩnh vực khác. Ví dụ như đang có một cơ hội rất lớn để sử dụng thời kỳ này chuyển sang khắc phục sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng về  viễn thông đang bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, lãi suất vay vốn đang ở mức thấp kỷ lục trong khi các tài nguyên chưa sử dụng và nhân công thất nghiệp trong lĩnh vực xây dựng lại cũng đang ở mức cao.

3. Thiếu hụt vai trò lãnh đạo

Một con số đáng ngạc nhiên đó là 86% những người trả lời Khảo sát về Chương trình nghị sự toàn cầu (the Survey on the Global Agenda) đồng ý rằng hiện nay trên thế giới đang có một cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo. Điều này có thể do cộng đồng quốc tế phần lớn đã thất bại trong việc giải quyết bất những vấn đề lớn trên toàn cầu của những năm gần đây. Đó là sự thất bại trong việc đối phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu, tiếp đó là hầu như không giải quyết được tình trạng suy giảm của nền kinh tế thế giới, vốn đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ở Bắc Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, thế giới lại để cho tình trạng bạo lực tiếp tục dai dẳng Trung Đông, một khu vực đang gây ra nhiều mối lo lo ngại. Một câu hỏi đặt ra là tại sao thế giới lại đang thiếu đi vai trò lãnh đạo?

Đó là do trong quá trình phát triển của mình, bộ máy của các chính phủ trên thế giới đã bị yếu đi từ nhiều thập kỷ qua bởi sự cấu kết của các phe phái, sự chuyên chế và tình trạng tham nhũng tràn lan. Ví dụ như ở Trung Quốc, 90% số người được khảo sát nói rằng tham nhũng là một vấn đề; một số công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng có tới 78% số người trả lời ở Brazil và 83% ở Ấn Độ coi lãnh đạo không trung thực là một vấn đề nghiêm trọng.

Càng tìm hiểu sâu về vấn đề này, người ta càng thấy khó khăn hơn để tìm thấy những nhân vật có thể nổi lên như làm một nhà lãnh đạo mạnh mẽ; người ta bị buộc phải chơi trò chơi theo cách nó được tạo ra – đó là phải vì lợi ích của hệ thống và hiếm khi vì lợi ích của nhân dân. Ở nhiều nước, những người có quyền lực thể chế để đột phá chỉ là các nhà lãnh đạo quân sự mạnh mẽ hay những nhân vật cấp tiếp như Narendra Modi ở Ấn Độ. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các phương tiện truyền thông xã hội độc lập, những cộng đồng có đời sống dân chủ nhanh chóng bị vỡ mộng với sự thái quá của các nhà cầm quyền quân sự.

Đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo, 58% số người được hỏi có quan ngại rằng những người này có thể dễ sa vào tình trạng lạm dụng địa vị của họ, và  56% cho rằng họ sẽ không không giúp được gì trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Điều này có thể là do sự bùng phát của bạo lực tôn giáo gần đây cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố nên mọi người đang trở nên thận trọng với các nhà lãnh đạo tôn giáo và cho tôn giáo là một vấn đề cá nhân.

Câu hỏi đặt ra là vậy các nhà lãnh đạo cần kỹ năng gì để giành lại niềm tin từ người dân của mình? Những người trả lời khảo sát xác định một số đức tính cần thiết của một nhà lãnh đạo như: có quan điểm toàn cầu; có kế hoạch và kinh nghiệm; kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ; ưu tiên hơn cho công bằng và hạnh phúc của xã hội so với tốc độ tăng trưởng tài chính; có sự đồng cảm; can đảm; đạo đức; và tinh thần hợp tác. Bên cạnh những yếu tố này, những nhà lãnh đạo tốt nhất biết rằng họ phải là người trung gian, lắng nghe và tính đến những ý kiến của những người khác trước khi đưa ra quyết định.

Điều quan trọng là chúng ta cần nuôi dưỡng một nền trong văn hóa mà mọi người nhìn thấy sự liêm chính và đồng cảm là những tính cách quan trọng để nhân tài có thể nẩy sinh. Tiếp đó, quyền lực của người dân bình thường sẽ phát triển, những điều tuyệt vời sẽ xảy ra và các nhà lãnh đạo lớn sẽ nổi lên.

4. Sự cạnh tranh về địa chiến lược tăng lên

Trong những năm sau chiến tranh lạnh, có quan điểm phổ biến là thế giới đã chuyển hướng tới sự đồng thuận về tự do và dân chủ. Sự tan vỡ của khối Xô Viết, sự hội nhập của Nga và Trung Quốc vào hệ thống kinh tế toàn cầu cùng làn sóng mới của quá trình chuyển đổi dân chủ, từ Mỹ Latinh đến Đông Âu, khiến nhiều người tin rằng cuộc tranh đua siêu cường đã được hoàn tất. Toàn cầu hóa, thị trường tự do và “sự phụ thuộc lẫn nhau ‘của nước sẽ làm cho cuộc các chiến tranh ít có khả năng xảy ra hơn, trong khi vai trò lớn hơn đã được dự báo cho các thể chế đa phương như Liên hợp quốc để đối phó với những vấn đề mang lại nguy cơ cho con người.

Thế nhưng điều này đã không giảm nhẹ mối quan ngại về  vấn đề an ninh mà ngược lại từ năm 1990 trở đi đã xuất hiện những thách thức mới được nói đến như là sự bất đối xứng. Đó là, thay vì lo sợ các quốc gia hùng mạnh và đối đầu lẫn nhau, thế giới lo lắng về sự yếu kém của nhà nước, sự tan vỡ của các quốc gia, hoặc sự tiếp cận toàn cầu của mạng lưới khủng bố, phi nhà nước.
Tuy nhiên, ngày nay sự cạnh tranh mới giữa các quốc gia chính là một mối quan tâm. Theo kết quả của Khảo sát về Chương trình nghị sự toàn cầu, những người trả lời ở cả Châu Á và Châu Âu xếp sự gia tăng về cạnh tranh địa chiến lược là xu hướng toàn cầu quan trọng thứ hai. Trong khi chiến tranh lạnh kiểu cũ có ít khả năng tái xuất hiện,thì tình hình gần đây cho thấy có sự thay đổi về hình thức và tính chất của sự tác động lẫn nhau giữa các nước. Địa chính trị – và chính sách thực dụng – một lần nữa chiếm vị trí trung tâm, với tiềm năng tác động rất rộng lớn đối với kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu.

Minh họa rõ ràng cho những thay đổi này là quan hệ căng thẳng và ngày càng xấu đi giữa Nga và phương Tây. Những nỗ lực của chính quyền Obama để cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga đã mất đi khi mà sự sụp đổ của chính phủ Ukraina và sự trỗi dậy của phong trào ly khai làm nẩy ra lên cuộc đụng độ của thế giới quan cơ bản đối lập. Viễn cảnh của “Châu Âu trọn vẹn và tự do va chạm với một thế giới của ‘trò chơi có tổng bằng không’ và khu vực ảnh hưởng” (Trò chơi có tổng bằng không là trò chơi mà người thắng được hưởng-ND). Với việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, và cố gắng của Nga để đứng đầu một Liên minh Á-Âu (a Eurasian Union) làm một đối trọng với Liên minh châu Âu, trong thập kỷ tiếp theo có thể được đánh dấu bởi sự phàn nàn của Nga về  ‘sự bao vây’ và cố gắng của nước này nhằm thay đổi các quá trình đã diễn ra những năm bị coi là yếu đuối và dễ bị tổn thương. Đồng thời, phương Tây có thể được rút ra khỏi sự phụ thuộc kinh tế với Nga, vốn đã từng được ca ngợi là sự đảm cho hòa bình và ổn định khu vực.

Những diễn biến có tiềm năng quan trọng hơn xảy  ra ở châu Á. Sự thay đổi trong trật tự chính trị toàn cầu là điều hiển nhiên cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và vai trò không chắc chắn của nước này trên sân khấu thế giới. Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, gần một nửa số người được hỏi ở tất cả các khu vực đều tin rằng Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành siêu cường hàng đầu thế giới, hay sẽ cuối cùng cũng sẽ vượt Mỹ.

Động lực của chính sách thực dụng giữa Nhật Bản và Trung Quốc – được thúc đẩy bởi sự mất mát đáng kể về niềm tin và chủ nghĩa dân tộc dâng cao, các thể chế yếu kém và những tranh chấp hàng hải – đang ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, và đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế lớn nhất là Mỹ. Đối phó với trỗi dậy của Trung Quốc bởi các nước láng giềng và bởi bản thân Trung Quốc là vấn đề rất quan trọng trong những thập kỷ tới.

Tình hình ở Trung Đông cũng tồi tệ hơn với sự sụp đổ của một hệ thống quốc gia được dựng nên một cách vội vàng bởi các nước chiến thắng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhóm nổi dậy xuyên biên giới, Nhà nước Hồi giáo, với mục đích thiết lập một Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) ở các phần của khu vực này – có nguy cơ làm cho các nỗ lực hòa bình hòa giải truyền thống không còn thích hợp. Tình hình càng trầm trọng hơn bởi các cường quốc khu vực khai thác sự hỗn loạn này – thậm chí thúc đẩy nó – vì lợi ích riêng của họ.

hế giới mà chúng ta thấy ngày là sự cạnh tranh đa chiều và dai dẳng và sự suy yếu đồng thời của các mối quan hệ đã được thiết lập, một xu hướng đang lấn dần vào nhiều lĩnh vực và các vấn đề phức tạp khác. Trong một trật tự thế giới sôi động và vô định hình này, chúng ta phải đối phó với các những thách thức của bất đối xứng và đối xứng. Mối quan hệ đang thay đổi giữa các cường quốc trên thế giới đã làm giảm sức mạnh chính trị có sẵn để giải quyết các vấn đề chung như biến đổi khí hậu và y tế trên toàn cầu. Chưa cần phải nói đến các cuộc khủng trật tự lần thứ hai, sự hỗn loại đã trầm trọng thêm.

rong bối cảnh của quá trình toàn cầu đầy tiềm năng (mà thực chất là quá trình đảo ngược hay giã từ toàn cầu hóa), chủ nghĩa dân tộc dâng cao và có sự hoài nghi sâu sắc về chủ nghĩa đa phương, thì các bài học quan trọng nhất từ năm 2014 là chúng ta có được là không thể vẫn cứ thụ động. Thế giới cần sự hợp tác quốc tế nhiều hơn. Các tổ chức liên chính phủ khu vực và toàn cầu sẽ được đưa vào các thử nghiệm lớn hơn; trong khi đó các tổ chức như Diễn đàn kinh tế thế giới phải tiếp tục tạo ra một nơi hội tụ của khu vực tư nhân và khu vực công, xã hội dân sự và giới học thuật để làm cho các nhà các nhà lãnh đạo chính trị hiểu được tầm quan trọng của tư duy hợp tác. Hình thức cạnh tranh địa chính trị hiện nay không cải thiện được tình hình cho các bên tham gia mà còn đe dọa gây tổn hại cho tất cả chúng ta.

5. Sự suy yếu của nền dân chủ đại diện

Kể từ khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng năm 2008, đã có một sự xói mòn niềm tin vào các thể chế và quá trình chính trị. Người dân hiện nay đặt niềm tin vào công ty hơn so với các nhà lãnh đạo của mình mặc dù họ không đặc biệt tin tưởng vào khu vực tư nhân. Điều này được chứng minh với chỉ số tin tưởng Edelman Trust Barometer mới nhất cho thấy sự tin tưởng toàn cầu về  giới kinh doanh chỉ còn đạt 58% trong khi niềm tin dành cho các chính phủ đã xuống mức 44%. Đây cũng là tiếng nói của những người trẻ tuổi trên thế giới.

rong hai năm qua, sự phản đối của dân chúng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Hy Lạp và Tây Ban Nha ở trong tình trạng bất ổn do những hậu quả của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Người dân Ukraine chiếm đóng trung tâm Kiev. Chỉ còn rất ít quốc gia từ Bắc Phi tới Trung Đông chưa bị ảnh hưởng bởi trào lưu Mùa xuân Ả Rập, khi những công dân của thời đại kỹ thuật ngày càng tự tin hơn để huy động khi đối mặt với tình trạng mất dân chủ. Hồng Kông là nơi mới nhất để trải nghiệm các cuộc phản đối trên quy mô lớn. Thật vậy, kết quả khảo sát cho thấy ở Mỹ La-tinh xu hướng này có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Điều này đã được minh chứng ở Brazil, với mùa hè năm 2014, khi người ta chứng kiến những biến động bởi những người biểu tình phản đối sự chênh lệch về thu nhập và chi tiêu công dành cho vòng chung kết bóng đá World Cup và Olympic Games 2016.

Mặc dù các cơ chế được đưa ra cho các hệ thống đã dân chủ hơn trước đây, nhưng vẫn có một sự thiếu liên kết cơ bản giữa công dân thế giới và các quan chức được bầu ra, những người được cho là đại diện của họ. Nhờ internet, công chúng có thể xác định con người với cùng giá trị và sự sợ hãi, trao đổi ý kiến, và xây dựng các mối quan hệ nhanh hơn bao giờ hết. Các chính phủ thì chưa được như vậy vì chúng ta đang dùng những thể chế của thế kỷ 19 với tư duy thế kỷ thứ 20 để cố gắng để giao tiếp với công dân thế kỷ 21. Các chính phủ được bầu lên, giải tán và bầu lại chỉ để theo đuổi những chương trình nghị sự ngắn hạn, trong khi các chu kỳ đổi mới và xây dựng lòng tin với cử tri đòi hỏi đầu tư dài hạn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mọi người thấy rằng hệ thống này như là đã bị đổ vỡ. Cách làm chính trị kiểu cũ chắc chắn sẽ thay đổi, nhưng nền dân chủ đại diện chính nó sẽ không không thay đổi- và cũng không cần phải thay đổi. Với sức mạnh có thể có của thế giới trực tuyến ngày nay, một cấu trúc dân chủ kiểu truyền thông xã hội, nơi mọi ngươi có thể chia sw3 và thảo luận ý kiến của họ ngay lập tức, cũng có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ.

Chính vì thế, nền dân chủ đại diện cần phải tự hiện đại hóa bản thân và có sự tham gia tích cực của công dân trong quá trình đưa ra quyết định. Thay vì tự nhận là người duy nhất giải quyết các vấn đề, các chính phủ cần đặt mình vào vị trí là cơ quan nêu ra những vấn đề mà xã hội phải đối mặt, và sau đó cố gắng tạo ra môi trường thích hợp cho doanh nghiệp tư nhân và giới học viện để tìm ra giải pháp, cung cấp các dữ liệu cần thiết, có chính sách và tài chính để hỗ trợ các bên liên quan. Nếu những đại biểu được bầu lên làm điều này, họ sẽ khôi phục lại niềm tin của công chúng.

Để làm điều đó, các chính phủ phải đối xử với mọi người như là những các thể và giao tiếp với họ thông qua các phương tiện thích hợp nhất. Phương tiện truyền thông xã hội không phải là thuốc chữa bách bệnh cho điều này và, khi được sử dụng bởi các tổ chức truyền thống như nhà nước, thì có xu hướng cho thấy sự không tương xứng giữa những thông điệp được đưa ra và thực tế. Mặc dù vậy, công nghệ có tiềm năng đảm bảo mọi người cảm thấy được thực sự đại diện. Tất cả các loại hình của các quá trình dân chủ có thể được tăng cường nhờ công nghệ: bầu cử trực tuyến, kiến nghị thông qua mạng, và các cuộc khảo sát qua điện thoại thông minh chỉ là ba ví dụ cụ thể.

Trên hết, các nhà lãnh đạo phải sử dụng được công nghệ – và có kiến thức chuyên môn sâu rộng hơn – để thực sự hiểu sự ưu tiên, sự lo ngại và động cơ của người dân, và sau đó truyền đạt một cách rõ ràng các chính sách được coi là sẽ giải quyết những yếu tố này. Khi các chính phủ không còn có vai trò trung tâm của tất cả mọi việc, và mọi người cảm thấy rằng họ đã trở thành những người giải quyết vấn đề, thì mọi thứ sẽ thay đổi. Điều chúng ta đang nhìn thấy không phải là cái chết của nền dân chủ; mà đúng hơn là nền dân chủ đại diện phải thích ứng với thời đại chúng ta.

6. Trình trạng ô nhiễm tăng lên ở các nước đang phát triển

Quá trình công nghiệp của các nước đang phát triển đang tạo ra sự ô nhiễm môi trường. Giải pháp khắc phục đòi hỏi một cuộc cách mạng về công nghệ và trí tuệ; một lộ trình thay thế đảm bảo cho sự thịnh vượng kinh tế trong khi vẫn bảo tồn các nguồn tài nguyên và giới hạn lượng khí thải carbon cần được thực hiện trước khi quá muộn.

Các nước đang phát triển đã học được rất nhiều về các mô hình thương mại, cơ sở hạ tầng và công nghệ từ Châu Âu và Bắc Mỹ. Những mô hình có hiệu quả kinh tế, nhưng lượng khí thải carbon trên thế giới không cho phép chúng ta tiếp tục đi theo con đường này.

Ô nhiễm gia tăng ở các nước đang phát triển được xếp hạng là xu hướng toàn cầu quan trọng nhất thứ sáu trong năm nay – và là xu hướng quan trọng đứng thứ 3 tại châu Á. Theo Viện Tài nguyên Thế giới, Trung Quốc trở thành nước phát thải khí nhà kính lớn nhất từ năm 2005 và vẫn còn ở vị trí này, tiếp theo là Mỹ và Liên minh châu Âu, Brazil và Ấn Độ đứng thứ năm và thứ tám trong số những nước gây ô nhiễm lớn nhất. Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc góp phần gây ra cái chết sớm cho 1,2 triệu người trong năm 2010.

Các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các thảm họa thời tiết có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng về nguồn nước  do sự ấm lên toàn cầu. Ngay cả khi nhiệt độ tăng thêm 2 ° C so với thời kỳ tiền công nghiệp  – mức thấp nhất thế giới sẽ trải qua – cũng sẽ dẫn đến suy sụt giảm từ 4-5% GDP của châu Phi và Nam Á và các nước đang phát triển được dự kiến sẽ gánh chịu 75-80% chi phí tác động.

Chúng ta cần phải tìm cách để phát triển nhưng phải giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này có nghĩa là đầu tư vào những hệ thống sản xuất điện không sử dụng than đá, như năng lượng tái tạo, hạt nhân và khí đốt, và loại bỏ dần hình thức phát điện hiệu suất thấp. Tiến bộ xã hội cần phải được đo bởi một cái gì đó khác hơn so với chỉ số tăng trưởng GDP nhưng không tính đến các điều kiện môi trường hoặc chất lượng của cuộc sống.

Vai trò Trung Quốc sẽ ngày càng quan trọng, nên các nước đang phát triển phải gắn với các mục tiêu đặt ra về năng lượng tái tạo, đảm bảo quản lý tốt những ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và thúc đẩy năng lượng sạch. Là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất, các chính sách của Trung Quốc rất quan trọng trong việc giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu, và cũng có ảnh hưởng lớn đối với các nước đang phát triển khác. Các nước đang phát triển phải làm nhiều việc để làm giảm phát thải khí nhà kính và sẽ chịu những tác động của sự ấm lên toàn cầu, nhưng trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng không thể chỉ của riêng các nước này; Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới ước tính các nước có thu nhập cao phải chịu trách nhiệm cho hai phần ba lượng khí CO2 thải vào khí quyển kể từ năm 1850.

Có hai cách cơ bản mà các nước phát triển cần để giúp cho quá trình này. Đó là cần có nguồn tài trợ cho các nước đang phát triển, cung cấp các phương tiện để hỗ trợ cho sự thay đổi, và hợp tác để phát triển công nghệ các-bon thấp mới. Điều quan trọng là các nước như Trung Quốc phải xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển năng lượng mặt trời, tuabin gió, hạn chế khí carbon và hợp tác quốc tế có thể giúp các nước đang phát triển tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng.

Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng một khi các giải pháp carbon cao đã được thực hiện là, thì rất khó để thay thế. Điều này có nghĩa là các quyết định được thực hiện ngày hôm nay về hệ thống sản xuất điện và thiết kế các thành phố và hệ thống vận tải có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Hiện tại, đang có tiềm năng để có một tác động lớn, nhưng cánh cửa cơ hội sẽ đóng lại rất sớm.

7. Các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều

Các sự kiện thời tiết cực đoan là hậu quả chính của biến đổi khí hậu,và đang trở nên thường xuyên hơn, mạnh mẽ và thất thường. Điều cần thiết không chỉ cứu trợ khi có thảm họa xảy ra, mà là việc thích ứng với những tác động lớn do những hiện tượng này sinh ra, như dịch bệnh, tình trạng bất ổn chính trị và căng thẳng kinh tế. Rõ ràng là việc thích ứng – hoặc lý tưởng hơn là ngăn ngừa các sự kiện thời tiết khắc nghiệt – sẽ dẫn đến một kết quả tốt hơn cho tất cả mọi người.

Gần đây,các sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra ngày càng nhiều, gây ra sự tàn phá rất lớn. Tất cả các châu lục đều bị ảnh hưởng, từ một trong những cơn bão mạnh nhất trên thế giới tấn công Philippines và cơn lốc xoáy trên phạm vi rộng nhất chưa từng thấy ở Mỹ , đến nạn hạn hán khắc nghiệt ở Trung Phi, Brazil, Australia và một loạt các trận lụt lớn ở Pakistan.

Báo cáo về giảm thiểu biến đổi khí hậu của Tiểu ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu năm 2014 cung cấp bằng chứng mới về sự liên quan giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan với biến đổi khí hậu. Hội Khí tượng học Mỹ-the American Society -kết hợp các công trình nghiên cứu từ 92 nhà khoa học để xem xét 16 sự kiện thời tiết lớn nhất từ năm 2013 và  kết luận rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu làm tăng mạnh nguy cơ xảy ra của sóng nhiệt mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta vẫn thất bại để giải quyết vấn đề này. Sự thiếu lãnh đạo vai trò quốc tế chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển của xu hướng này.

Sự trớ trêu và tàn nhẫn của biến đổi khí hậu chính là những tổn thất bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt nhất đều đổ lên vai những người nghèo nhất của xã hội. Họ là những người ít có khả năng để đối phó và cũng không có khả năng mua được bảo hiểm. Hơn 90% số người trả lời Khảo sát về Chương trình nghị sự toàn cầu cho rằng châu Á sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi nói về về sự thay đổi khí hậu, người ta thường ít chú ý đến những ảnh hưởng thực sự của nó mà chỉ chú ý nhiều hơn đến vấn đề phát thải khí, đặc biệt là xung quanh vấn đề sản xuất năng lượng và carbon. Thật không may, điều này có nghĩa là hầu hết các cuộc thảo luận biến đổi khí hậu chỉ thu hẹp thành cuộc cuộc thảo luận về quản lý carbon. Quản lý carbon chắc chắn là những thách thức quan trọng trong việc giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu, nhưng trong một thế giới được xác định bởi tác động khí hậu và sự thích ứng với nói – thì chỉ tập trung vào quản lý carbon là chưa đủ.

Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và đây là cơ hội tuyệt vời cho khu vực tư nhân để tận dụng lợi thế. Vì những thách thức của việc ứng phó cũng là những thách thức của sự phát triển, nên chúng ta cần đặt vấn đề về đầu tư. Hiện nay, thế giới chỉ mới tập trung vào giải quyết thảm họa bằng những việc làm như gây quỹ, trợ cấp cho các nạn nhân và các khu vực bị thiên tai hết từ lần này sang lần khác.

Ngoài ra, cần phải đầu tư vào các chính sách có lợi ngay cả khi không trực tiếp vì biến đổi khí hậu – ví dụ như lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Kế đến là những chính sách ít tốn kém mà có hiệu quả lớn dành cho các hoạt động phòng chống và cảnh báo sớm thiên tai. Cuối cùng là đầu tư cho lợi ích dàn hạn cho các công nghệ bền vững và thích ứng, đầu tư cho năng lượng sạch. Chi phí cho việc khắc phục các thảm họa lớn cũng có thể hạn chế nếu có những chính sách phòng chống và bảo vệ tốt.
Tóm lại, giải pháp là tăng cường khả năng phục hồi trước khi thảm họa xảy ra. Điều đó có nghĩa là đầu tư vào những quá trình mà có ích trong tương lai, thay vì chỉ trong ngắn hạn. Chi phí có thể cao và tốc độ thay đổi có thể chậm, nhưng thành quả dài hạn sẽ rất ấn tượng: cho nền kinh tế quốc dân, cho kinh doanh, và chắc chắn cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, những người sẽ chịu đau khổ và phải trả giá nếu chúng ta không có những biện pháp này.

8. Chủ nghĩa dân tộc gia tăng

hế giới đã chứng kiến cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho vùng Québec của Canada và mới đây là sự kiện tương tự ở Scotland. Với 45% số người bỏ phiếu cho sự độc lập, Scotland sẽ là một quốc gia được tách ra trong thời gian tới.

Giống như trong thời kỳ của Cuộc cách mạng công nghiệp khi đó người dân quay sang chủ nghĩa dân tộc chính trị để bảo vệ và che chở cho các cộng đồng của họ chống lại các mô hình phát triển không đồng đều và thiếu công bằng, hiện nay đang có sự xuất hiện sự trở lại của xu thế này – và vận động xung quanh những tình cảm cũ và bản sắc truyền thống của các cộng đồng; cho dù đó là ở Catalonia hoặc Bỉ hoặc Lombardy, những người li khai đòi bảo vệ chống lại những vấn đề như sự gián đoạn kinh tế, biến động xã hội do toàn cầu hóa, vốn đang đe dọa làm mất đi những giá trị, lối sống và truyền thống đã có từ lâu đời.

Người Scotland, trước đây cũng chính là những người đi đầu trong Kỷ nguyên Khai sáng, hiện đang đấu tranh cho lợi ích của sự chia sẻ và hợp tác, đồng thời họ cũng đã thành biểu tượng trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trong giai đoạn này thách thức này thậm chí còn to lớn hơn trước. Trong thế kỷ vừa qua, sự chia sẻ quyền lợi của họ được thực hiện trong một nhà nước nhiều dân tộc. Ngày nay, Scotland là một phần của thế giới, ở đó việc  tìm nguồn cung ứng hàng hóa toàn cầu đã thay thế nguồn cung ứng quốc gia, và các dòng chảy tài chính và nguồn lực toàn cầu cũng đã thay thế cho nguồn lực quốc gia.

Liệu các nước láng giềng với các nền văn hóa, truyền thống và bản sắc khác nhau, có thể tồn tại không phải chỉ trong một nhà nước đa dân tộc có giới hạn – hoặc ngay cả trong một môi trường toàn cầu mở ? Liệu những người Scotland có thể cho thấy rằng họ không cần phải cắt đứt các mối liên hệ để phát triển mạnh trong thế giới hiện đại, và có thể tìm cách sống chung với nhau thông qua không chỉ sự chia sẻ quyền lợi đối với các dịch vụ và lợi ích  mà còn bằng cách chia sẻ chủ quyền? Đó là điều mà họ phải làm thông qua một Quốc hội Scotland mạnh nằm trong khuôn khổ Vương quốc Anh và châu Âu.

9. Gia tăng sức ép về nước sạch

Do hàng loạt vấn đề như tăng trưởng dân số nhanh, nguồn cung cấp nước bị hạn chế và mức độ nghèo đói cao, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Nigeria là những nước sẽ bị hưởng nặng nề nhất bởi xu hướng này. Căng thẳng về nguồn nước do tài nguyên hạn hẹp là phổ biến ở nhiều quốc gia ở châu Á, trong khi căng thẳng về nguồn nước do tài chính hạn chế sẽ phổ biến ở nhiều nước châu Phi. Theo báo cáo của các chuyên gia khảo sát thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vùng Cận Sahara Châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhất, tiếp theo sau là châu Á.

Mặc dù có nhiều trở ngại phải đối mặt, nhưng không phải là không có chỗ cho sự lạc quan. Nhiều công việc sẽ được thực hiện để tăng hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, vốn chiếm tới hơn 70% lượng nước sử dụng. Nhận thức về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu cũng cũng sẽ tăng lên trong năm tới, và khu vực tư nhân cũng sẽ cùng phối hợp để có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc giúp đỡ các cộng đồng nơi họ hoạt động, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi.

Các cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến HIV / AIDS, sốt rét, bệnh lao và bây giờ là đại dịch Ebola đã thúc tỉnh cộng đồng toàn cầu. Quan niệm sai lầm rằng tất cả mọi người bị ảnh hưởng đều nghèo như nhau và chờ đợi kiểu từ thiện từ trên xuống dưới là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản sự tiếp cận phổ cập đối với nước sạch. Mọi người phải nhanh chóng nhận ra rằng, cuộc khủng hoảng nước sạch đối với 750 triệu người trong chúng ta là một thực tế.

Biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ là một yếu tố lớn trong tương lai, vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bổ nguồn nước. Khi mực nước biển dâng lên ở Bangladesh, xâm nhập mặn sẽ là vấn đề với nhiều người dân sống trong vùng thấp – đặc biệt là khi họ có rất ít khả năng để xử lý nước. Khi căng thẳng về nguồn nước tăng trên toàn thế giới, sẽ có hậu quả chính trị. Các chính phủ phải đóng một vai trò trung tâm. Ở nhiều nước phát triển, nơi ý chí chính trị và nguồn tài chính thường thường thuận lợi hơn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng dài hạn, trong khi ở các nước đang phát triển, không có gì là lại về sự thiếu thốn trong đầu tư cho cơ sở hạ tầng dài hạn và thậm chí người nghèo vẫn thường bị bỏ qua ngay cả khi hệ thống cơ sở hạ tầng này đi qua các khu nhà ổ chuột.

Với tin tưởng rằng truy cập nguồn nước với giá cả phải là một quyền cơ bản của con người, người nghèo cần được hỗ trợ để có thể tiếp cận với các công cụ tài chính thích hợp và khả năng kết nối với cơ sở hạ tầng cấp nước.

10. Tầm quan trọng y tế trong nền kinh tế ngày càng tăng lên

Có một mối tương quan được biết rất rõ là khi nền kinh tế của một quốc gia được cải thiện, thì sức khỏe của người dân được cải thiện. Trong khi đó, tương quan ngược lại cũng đúng -đó là cải thiện sức khỏe của người dân trong nước có thể trực tiếp dẫn đến tăng trưởng kinh tế, bởi vì sẽ có thêm nhiều người người khỏe mạnh tham gia vào lực lượng lao động.

Y tế là một thách thức cho tất cả các quốc gia; trong một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew Research Center, có tới khoảng 85% số người được hỏi tin rằng y tế  là một vấn đề của nước của họ. Hệ thống y tế công cộng có hiệu quả là rất cần thiết trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh và đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Ví dụ như thuốc lá là một trong những tai họa lớn nhất chúng ta phải đối mặt. Khi tiến hành cuộc chiến chống lại các loại bệnh tật như ung thư phổi và bệnh tim mạch, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân; điều đầu tiên là cần các chiến dịch giáo dục và các cơ chế khác nhằm ngăn chặn mọi người hút thuốc lá. Nếu kế hoạch để cải thiện sức khỏe trong một quốc gia chỉ đơn giản là xây dựng một thêm vài bệnh viện thì không giải quyết được vấn đề.

Về dịch Ebola, thế giới cần phải tập trung tất cả các nguồn lực của mình trong để kiểm soát dịch bệnh này, hoặc hàng trăm ngàn người có thể chết.

Nhu cầu cấp thiết để giải quyết Ebola ở Tây Phi là để xác định những cá nhân bị nhiễm bệnh, đưa họ vào các trung tâm điều trị và theo dõi các địa chỉ liên lạc để giữ cho bệnh không lây lan. Điều quan trọng nữa là những người bị chết vì căn bệnh này không được động chạm hoặc rửa ráy bởi những người khác mà không có các trang bị bảo hộ cần thiết do nguy cơ lây nhiễm là rất cao.

Thế giới đang tập trung nguồn lực để tham gia chống lại dịch bệnh Ebola, Viện Y tế Quốc gia ở Mỹ, đang làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược để nhanh chóng đưa ra các loại vắc xin  hứa hẹn vào thử nghiệm lâm sàng, và đẩy nhanh các nỗ lực để thử nghiệm phương pháp điều trị mới. Nhưng tốc độ là rất quan trọng và cần thiết có sự thamg gia của tất cả các bên liên quan.

Đối với các nền kinh tế phát triển, sự già đi của dân số tạo gánh nặng cho mạng lưới y tế. Trong khi đó, ở các quốc gia đang phát triển, thiếu thốn nguồn lực hoặc cơ sở hạ tầng không đầy đủ đang là một thách thức. Tại nhiều nước thu nhập thấp và trung bình, các loại bệnh truyền nhiễm là vấn đề trung tâm. HIV / AIDS, lao và sốt rét gây thiệt hại lớn, cả về người và là suy yếu lực lượng lao động. Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng 50% của sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển được cho là do sức khỏe kém và tuổi thọ thấp. Công dân của một quốc gia càng khỏe mạnh, thì lực lượng lao động càng có hiệu quả hơn; sức khỏe của con cái tốt hơn, tỷ lệ sinh thấp hơn, và do đó có ít người phụ thuộc ít hơn. Tiêm chủng và các chiến lược phòng ngừa các bệnh ở trẻ em cũng rất quan trọng.

Các loại bệnh không lây nhiễm ở các nước đang phát triển đang ngày càng tăng. Đây là những bệnh thường liên quan đến các nước giàu như ung thư, tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim. Tuy vậy, cần phải chú ý hơn đến các bệnh này và sự xuất hiện của chúng ở những nước mà người ta thường nghĩ rằng bệnh nhiễm trùng mới là mối quan tâm chính.

SƠN TRUNG 

tóm lược từ báo cáo Outlook on the Global Agenda 2015 của Diến đàn kinh tế thế giới WEF.