Jan 6, 2015

Cường độ đấu đá đã tới hồi kịch liệt của giai đoạn cáo chung.





Lý Thái Hùng

03:51 - 07/01/2015

Chỉ mới xuất hiện trong 2 tháng 11 và 12 năm 2014, với gần 50 bài viết tiết lộ một số dữ kiện thâm cung bí sử liên quan đến các lãnh đạo chóp bu của CSVN, Blog Chân Dung Quyền Lực đang được dư luận bàn tán xôn xao với dấu hỏi: ai đứng sau trang mạng này và nhằm mục tiêu gì?

Một số người thì cho rằng qua những nội dung loan tải, chứng tỏ là trang mạng này phải do một phe hay một cá nhân nào đó trong cung đình đã tiết lộ những tin tức nhạy cảm để tạo sự rối loạn trong đảng.

Một số người thì phân tích nội dung các dữ kiện loan tải đã đi kết luận rằng phe ông Nguyễn Tấn Dũng đã dựng ra trang mạng này để tấn công các đối thủ.

Một số người trong chế độ thì đổ vấy cho “thế lực thù địch bên ngoài” đã dựng chuyện để tấn công làm mất uy tín lãnh đạo.

Dù ai đứng đàng sau đi chăng nữa, thì việc xuất hiện Blog Chân Dung Quyền Lực đúng vào dịp Hội nghị 10 của Trung ương đảng CSVN (nhóm họp từ 5-12/1/2015 - trễ đến hai tháng so với dự trù), đã cho thấy có một sự chủ mưu rõ ràng.

Mấu chốt của Hội nghị 10 là Trung ương đảng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư hiện nay. Đồng đồng thời Trung ương đảng sẽ đề cử các nhân sự vào thành phần Bộ chính trị, Ban bí thư, Trung ương đảng cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2016-2021) mà CSVN gọi là “xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.”

Cả hai việc làm nói trên đều mới, lần đầu tiên được CSVN áp dụng, và hoàn toàn khác với trước đây khi vấn đề nhân sự trung ương nằm trong tay Tổng bí thư và Bộ chính trị.

Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư lần này sẽ ảnh hưởng rất lớn vào phiếu bầu của Trung ương đảng cho những ai muốn được đề cử vào Bộ chính trị, Ban bí thư cho nhiệm kỳ XII (2016-2021).

Trong danh sách 16 thành viên của Bộ chính trị hiện nay, nếu tính theo tuổi hưu 65 tuổi thì có 9 người sau đây sẽ ra đi: Nguyễn Phú Trọng (1944), Nguyễn Sinh Hùng (1946), Ngô Văn Dụ (1947), Tô Huy Rứa (1947), Trương Tấn Sang (1949), Nguyễn Tấn Dũng (1949), Lê Hồng Anh (1949), Phạm Quang Nghị (1949).

Còn lại 7 người có thể ở lại vì chưa tới tuổi hưu gồm: Nguyễn Xuân Phúc (1954), Nguyễn Thiện Nhân (1953), Tòng Thị Phóng (1954), Nguyễn Thị Kim Ngân (1954), Đinh Thế Huynh (1953), Lê Thanh Hải (1950), Trần Đại Quang (1956).

Từ nhiều tháng qua, người ta hay nói đến cuộc chạy đua chức Tổng Bí Thư giữa ông Phạm Quang Nghị và ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ít ai nói đến ông Nguyễn Xuân Phúc, một nhân vật được coi là sáng giá trong số 7 người còn ở lại trong Bộ chính trị và còn trong lứa tuổi có thể làm “tổng bí thư”.

Phải chăng vì thế mà Nguyễn Xuân Phúc đã bị Blog Chân Dung Quyền Lực tấn công nhiều nhất, liên tục phơi bày những dữ kiện vạch trần nạn tham ô, lợi dụng chức quyền của ông Phúc khi còn làm Bộ trưởng văn phòng Thủ tướng. Thậm chí còn kết án ông Phúc đã mượn tay Bắc Kinh để sát hại Nguyễn Bá Thanh.

Những bài viết và dữ kiện đưa ra của Blog Chân Dung Quyền Lực khó có thể kiểm chứng, nhưng đang làm cho nhiều lãnh đạo CSVN “hốt hoảng” như Lê Hồng Anh, Phùng Quanh Thanh, Trần Đại Quang, Vũ Đức Đan, Nguyễn Sinh Hùng... đòi hỏi phải có biện pháp ngăn chặn và trừng trị thích đáng.

Nhưng lãnh đạo CSVN đã quên một điều là họ không những không còn khả năng bịt miệng truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, mà họ còn đang phải trả cái giá của tệ nạn tham nhũng - từ tiền bạc cho đến quyền lực - do chính họ tạo ra.

Đấu tố, diệt trừ nhau để tranh giành quyền lực là điều đương nhiên trong mọi chế độ độc tài, nhưng khi hiện tượng này không còn có thể che giấu được nữa, mà bùng nổ mạnh mẽ với những lời lẽ cáo buộc nặng nề, những bắt bớ, truất phế, đầu độc, thanh toán nhau ... cho thấy cường độ đấu đá đã tới hồi kịch liệt của giai đoạn cáo chung.

Lý Thái Hùng

0 comments :

Post a Comment