Aug 19, 2015

Người Việt ở Campuchia sống lay lắt giữa Biển Hồ

Người Việt ở Campuchia sống lay lắt giữa Biển Hồ


Người dân sử dụng nước ở Biển Hồ bị ô nhiễm để tắm giặt, ăn uống. Ảnh: LT
Người dân sử dụng nước ở Biển Hồ bị ô nhiễm để tắm giặt, ăn uống. Ảnh: LT

Họ không có giấy tùy thân, không được chăm sóc sức khỏe, hầu hết mù chữ, con trẻ không được đến trường. Nước, chất thải hằng ngày xả thẳng xuống hồ rồi lại sử dụng phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Có lẽ họ là những Việt kiều nghèo khó nhất.
Cuộc sống của hàng nghìn người gốc Việt giữa lòng Biển Hồ (Campuchia) càng khốn khó hơn bởi tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm do khai thác nguồn nước, du lịch quá mức cũng như lệnh cấm đánh bắt cá của chính quyền sở tại.
Khốn khó mưu sinh
Tháng ba. Biển Hồ kiệt nước, đục ngầu. Tàu thuyền chở khách du lịch qua lại nườm nượp, làm dậy lên mùi hăng hắc khó chịu của bùn non và rác thải đang phân hủy bị sóng lớn đánh tấp vào bờ.
Bất chấp ánh nắng như thiêu cháy da thịt, hàng chục đứa trẻ khoảng 9 – 12 tuổi đen nhẻm, rách rưới vẫn lầm lũi mò cua, bắt sò, ốc dọc theo triền sông.
Đứa nào cũng gày gò, mụn ghẻ khắp người, tóc tai khét nắng. Dinh, hướng dẫn viên người Campuchia nói: Tụi nhỏ là con của những gia đình gốc Việt sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên Biển Hồ, không được đi học nên một chữ cắn đôi không biết. Việt kiều ở đâu giàu không biết chứ ở đây, bà con rất nghèo. Thương lắm.
Lặn ngụp suốt hai tiếng đồng hồ, nhiều đứa chỉ mò được mớ ốc nhỏ xíu. Bé Sang (11 tuổi) bảo: “Nước dơ quá, cua ốc ngày càng ít. Hôm nào trúng mánh cũng chỉ được hơn một ký, đem lên bờ bán được 2.000 ria (tiền Campuchia) phụ ba má đong gạo”.
Ánh mắt trong veo của học sinh nghèo được chăm lo, nuôi dậy miễn phí giữa Biển Hồ
Gần đó, ông Long (38 tuổi), bố của Sang đang quăng chài bắt tôm cá. Hằng ngày, ông bơi xuồng hàng chục cây số, tìm những vùng nước nông để chài lưới, kiếm ăn qua ngày. Có lẽ do ngâm nước lâu ngày nên cũng như con trai, khắp người và các ngón tay, ngón chân ông Long đều bị nước ăn, lở loét.Ông Long bảo: Mấy cái mụn ghẻ chỉ làm mình ngứa ngáy chứ không chết được đâu. Nói thiệt, bà con không sợ bệnh tật mà lo chết vì không kiếm được cái ăn hằng ngày. Tôm cá ít, giờ lại thêm cái lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Hồ. Tui phải làm lén lút. Bị cảnh sát bắt thì có bán nhà cũng không đủ tiền nộp phạt.
Ngư dân gốc Việt này kể rằng, trong xóm có gần 40 người bị bắt, đang có nguy cơ bị xử án tù vì không có tiền đóng phạt hoặc tái phạm nhiều lần. Mà không tái phạm không được. Bà con đánh bắt cá mưu sinh bao đời nay, có biết nghề nào khác đâu.
Mấy hôm trước ông và mấy người bạn trong xóm lên bờ đi xin việc, sẵn sàng làm bốc vác hay bất cứ việc gì cũng được, miễn là kiếm tiền chân chính nhưng không có ai dám nhận vì bọn tui không có giấy tờ. Nhiều người không còn đường mưu sinh đành dẹp bỏ tự trọng, chèo kéo, xin tiền các du khách.
Không quốc tịch, thua thiệt đủ kiểu
Xóm của ông Long có gần 500 nóc nhà lụp xụp lợp bằng tôn rách, lá dừa, thuộc địa phận tỉnh Xiêm Riệp, cách bến tàu hơn 30 phút đi ghe máy. Gọi là nhà cho oai, có căn chỉ là chiếc thuyền cũ rách nát neo chơi vơi giữa hồ.
Ngư dân đóng bè neo chặt trên mặt nước rồi dựng chòi thấp lè tè, che chắn tạm bợ đề phòng giông lốc. Nhiều người cho biết có hôm gió lớn, cả nhà phải nhảy xuống nước níu giữ để chiếc bè không bị cuốn trôi.
Không có việc làm, nhiều người sống nhờ lòng hảo tâm của du khách
Theo Hội Việt kiều Campuchia, trên Biển Hồ hiện có trên 1.500 hộ dân gốc Việt đang sinh sống. Hầu hết bà con có nguyên quán thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang… Đời ông, cha theo sông Cửu Long ngược lên Biển Hồ đánh cá mưu sinh rồi sinh con, đẻ cái sống lay lắt đến nay.
Ông Minh năm nay 57 tuổi, quê gốc ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Ông kể rằng ngày xưa, thời Pháp thuộc loạn lạc, ông nội ông đưa cả gia đình sang đây. Ba má ông gặp nhau, kết hôn bên này.
Năm 1964, cả nhà hồi hương nhưng chỉ ở Việt Nam được ba năm thì quay lại Biển Hồ vì chiến tranh, bom đạn ác liệt quá. Di chuyển nhiều nơi, đời thương hồ ngang dọc trên sông nước nên từ đời ba má ông, không ai có giấy tờ tùy thân lận lưng. Muốn lên bờ, đổi nghề cũng không được.
“Người dân ở đây đều là người gốc Việt, có quê cha, đất tổ đàng hoàng nhưng không ai có quốc tịch, kể cả quốc tịch Campuchia nên thua thiệt đủ điều. Trẻ không có giấy khai sinh, muốn lên bờ đi học cũng không được. Người lớn không có giấy tùy thân, làm ăn buôn bán, tìm việc làm khó như bắc thang lên trời” – ông Minh nói.
Bóng tối sụp xuống rất nhanh. Mới hơn 19 giờ mà xóm vạn đò giữa Biển Hồ như đã khuya lắm rồi. Không gian mênh mông chỉ còn sót lại chút ánh sáng hắt ra từ biển hiệu của các nhà hàng nổi xa xa, loang loáng trên mặt hồ. Nhiều nhà đã tắt đèn để tiết kiệm dầu. Không có điện lưới quốc gia, người dân chả mấy ai dám mua máy phát điện để dùng vì giá xăng dầu ở Campuchia đắt đỏ.
Ông Long bảo: Ngủ sớm, không có phương tiện giải trí nên cuộc sống của bà con càng khó khăn, túng thiếu hơn bởi… nhà nào cũng sinh nhiều con. Vợ chồng ông đẻ 5 đứa. Đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa nhỏ mới 18 tháng. Đứa nhỏ nhất còn trong bụng. Đứa con gái lớn đã có người dạm hỏi. Dự kiến năm sau sẽ tổ chức lễ cưới.
Căn nhà của gia đình ông Minh chưa đến 35 mét vuông nhưng là nơi sinh sống của ba gia đình, 16 người nằm xếp như cá mòi. Ăn ngủ, sinh hoạt vợ chồng chật chội, bất tiện nhưng không ở đây thì đi đâu? Đẻ nhiều nhưng trẻ không có trường để học. Cha mù chữ xong lại đến con.
Chất thải của hàng trăm con người hàng ngày xả thẳng xuống Biển Hồ. Bà con sử dụng nguồn nước ấy để ăn uống, sinh hoạt. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao. Hễ có người đau ốm là phải chuyển vào bờ vì nơi này không có trạm y tế. “Đã có người chết trên đường vì không được cấp cứu kịp thời”, ông Minh kể.
Lớp học tình thương
Chiều muộn, cùng với nhiều du khách, chúng tôi ghé vào trường tiểu học Việt Nam giữa Biển Hồ. Thầy hiệu trưởng Trần Văn Tư bệnh nặng, phải về Việt Nam chữa trị. Hơn 30 năm trước, ông Trần Văn Tư (sinh năm 1937, quê Tây Ninh) sáng lập ra lớp học tình thương giữa Biển Hồ.
Ông Tư xin bộ đội Việt Nam một chiếc bè cũ về sửa chữa lại làm lớp học. Giáo viên lúc ấy là hai chị em ruột đang học dở dang đại học và PTTH ở Sài Gòn nghe kẻ xấu xúi giục vượt biên, bị lừa hết tiền, vàng, được ông Tư chuộc ra khi cả hai sắp bị bán vào nhà chứa ở Xiêm Riệp.
Năm 1989, ông Tư cùng hai cô giáo hồi hương sau khi bộ đội tình nguyện Việt Nam làm xong nghĩa vụ quốc tế và rút về nước. Năm 1993, được sự giúp đỡ của sứ quán Việt Nam và các nhà hảo tâm, ông Tư tái lập trường học Việt Nam nuôi dạy miễn phí trẻ em nghèo trên Biển Hồ. Trường được cán bộ chiến sĩ Quân khu 7 tặng hai nhà bè trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Ông Tư ngăn ra thành 5 phòng học. Từ 31 học sinh ban đầu, hiện nay, trường đang nuôi miễn phí 314 cháu, dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5. Một số giáo viên từ Việt Nam tình nguyện sang dạy miễn phí.
Biên Hồ (Tonle Sap) thuộc lãnh thổ Campuchia là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997.
Tonlé Sap (Tiếng Campuchia) có nghĩa là “sông nước ngọt lớn”. Người Việt gọi Tonlé Sap là Biển Hô. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5), hồ khá hẹp và nông, độ sâu chỉ khoảng 1m với diện tích 10.000 km².
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6, thay vì Tonlé Sap rút nước từ hồ ra sông Mekong thì lại chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ khiến mực nước Biển Hồ dâng cao, diện tích hồ tăng lên tới 16.000 km², nhiều nơi sâu đến 9 m. Vùng ngập nươc biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá.
Tonlé Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cho người dân Campuchia. Tonlé Sap giữ vai trò như một hồ điều tiết, hạn chế nạn lũ lụt trên lưu vực sông Mê Kông. Vào mùa khô, khoảng 50% lượng nước sông ở châu thổ sông Cửu Long (Việt Nam) là nhờ hồ Tonlé Sap bù vào.
Huy Thịnh

0 comments :

Post a Comment