Aug 17, 2015

​Phát ngôn bất hủ của Nguyễn Sinh Hùng....

"Thuế cũng điều tra, chứng khoán cũng điều tra... thì điều tra loạn à”

 

 - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra nhận định này khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự vào sáng 17/8
Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 vừa qua. Về bổ sung một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đa số ý kiến đề nghị bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ đội biên phòng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới; ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi điều tra của Bộ đội biên phòng.
Về mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội biên phòng, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng qua kết quả khảo sát, giám sát cho thấy trong số các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì đa số vụ án được khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra đều do Bộ đội biên phòng tiến hành và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, tội phạm xảy ra ở địa bàn nội địa thì hầu hết đều xảy ra tại khu vực biên giới mà Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho Bộ đội biên phòng; đồng thời cần phải rà soát để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ điều tra của các cơ quan đóng tại địa bàn biên giới quốc gia.
Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên phạm vi điều tra của Bộ đội biên phòng như quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Mở rộng thẩm quyền nên rất cẩn thận vì đây là luật tổ chức cơ quan điều tra. Vì sao có luật này, hình dung điều tra của ngành công an rõ ràng là độc lập. Giao nhiều, đan chéo nhiều sau này rất khó. Điều tra là có quyền độc lập, giám sát là Viện kiểm sát, sau này có Toà án xét xử. Chuỗi này phải độc lập, nhưng bị giám sát. Điều tra phải từ đầu, độc lập và chịu trách nhiệm về kết luận đúng, sai, oan. Chức năng nhiệm vụ phải cho minh bạch.
Nếu giao cho biên phòng thì tán thành. Có đồn ở biên giới xa xôi, nhưng giao cho đơn vị nào, chứ không phải ai cũng có quyền. Nếu Thuế và Chứng khoán cần thì thanh tra cũng cần chứ? Tôi thấy chưa phải cần thiết. Thêm lắm lại có quyền bắt người rồi phức tạp. Thuế cũng điều tra, Chứng khoán cũng điều tra... thì điều tra loạn”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không ủng hộ giao quyền điều tra cho cơ quan Thuế, Chứng khoán. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng ủng hộ giao quyền cho lực lượng Kiểm ngư, vì liên  quan trực tiếp đến bảo vệ chủ quyền.
“Đã giao cho Kiểm ngư thì đừng quá hạn chế, cần giao đúng đặc điểm tình hình hoạt động trên biển. Biển mênh mông mà tìm anh công an gì đó rất khó khăn. Biên phòng và Hải quan có ra khơi giao đến đâu thì tính cho kỹ vì không chuyển họ thành cơ quan điều tra. Các cơ quan phải độc lập, đừng lấn chân nhau”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Tại tòa, bị can, bị cáo có quyền hỏi lại kiểm sát viên
Ủng hộ quan điểm giao quyền của lực lượng Kiểm ngư, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Ngư chính Trung Quốc tăng cường rất lớn, nên nếu không trao cho Kiểm ngư quyền thì rất khó thực thi nhiệm vụ, vì lênh đênh trên biển nhiều ngày mới tiếp cận được đất liền.
Có những ý kiến cho rằng đã có lực lượng Cảnh sát biển, tuy nhiên họ chỉ tập trung vào bảo vệ lãnh thổ trên biển, chống cướp biển, tội phạm. Cản sát biển hoạt động theo vùng, còn Kiểm ngư đóng theo khu vực hành chính, trong khi đó lực lượng Biên phòng thì chỉ hoạt động gần bờ”.
Cho ý kiến vào dự án luật, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, cần phải cân nhắc thận trọng khi giao thẩm quyền điều tra cho Thuế, Chứng khoán, Kiểm ngư.
“Hiện có 4 cơ quan được giao điều tra tiền tố tụng, nếu tính tỷ trọng số vụ việc chưa nhiều. Việc bố trí thêm đầu mối nhằm bổ khuyết và khắc phục hạn chế do điều kiện đặc thù của cơ quan điều tra trinh sát như hải đảo xa xôi để đáp ứng yêu cầu. Nơi đông dân có cơ quan điều tra chuyên trách thì không nên.
Vì vậy, giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan Thuế, Hải quan, Chứng khoán là không phù hợp, trên thực tế nhiều cơ quan trên thực tế còn phức tạp hơn như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, hay Ngân hàng...
Vì vậy, theo tôi nên chăng vấn đề ở đây là phối hợp. Nếu mở rộng thẩm quyền thì vừa chồng chéo chức năng, và không tinh gọn theo quan điểm của Bộ Chính trị”, ông Khánh nêu quan điểm.
Ngọc Quang

0 comments :

Post a Comment