Feb 3, 2016

Chính sách kinh tế qua nghị quyết đại hội XII

Chính sách kinh tế qua nghị quyết đại hội XII
Tôn Thất Thông
Cộng Hoà Liên Bang Đức
 
Đại hội lần thứ XII đảng CSVN vừa chấm dứt không lâu. Trước đó người ta chờ đợi một biến chuyển nào đấy dù lớn hay nhỏ về mặt chính sách, nhất là chính sách kinh tế. Đọc kỹ nghị quyết thì chúng ta thấy trong văn kiện cực kỳ quan trọng này, nhiều câu chữ được lập lại nhiều lần suốt nhiều đại hội trong quá khứ. Người đọc không có cảm giác hân hoan chờ đón một thời kỳ mới với những chính sách cụ thể, và nhất là qua câu chữ chúng ta không tìm thấy một nội dung cụ thể khả dĩ giúp cho cán bộ các cấp định hướng công việc của họ.
Về mặt kinh tế, nghị quyết ghi: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ)[1]. Như vậy là đường lối cơ bản về kinh tế vẫn không có gì thay đổi. Ở đây chúng ta chưa bàn đến tính chất hài hòa hay mâu thuẩn đối chọi giữa hai vế của cụm từ ở trên: một bên là kinh tế thị trường và bên kia là định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều dễ thấy là, cốt lõi của các hoạt động kinh tế do nghị quyết đưa ra vẫn không thay đổi: tiến đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, dù rằng mọi người, kể cả những vị lãnh đạo cao nhất đều nhận thức được tính ưu việt của nền kinh tế thị trường. Có người trong giới lãnh đạo còn gọi “kinh tế thị trường là tinh hoa của kiến thức nhân loại”. Vậy chúng ta thử bàn thêm về hai vế của cụm từ ở trên, may ra tìm được một hướng đi nào có ích chăng?
 
Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN)
“Cụm từ hai vế” ấy xuất hiện lần đầu năm 2001 trong đại hội IX đảng CSVN, tức là cách đây 15 năm. Đấy là vấn đề ngôn từ, nhưng nếu xét về nội dung chính sách thì nó có nguyên ủy sâu xa hơn:  đi từ chính sách ghi trong nghị quyết khóa VI năm 1986 “Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”, trở thành “Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN” ở khóa VII[2].
Như vậy là đã 30 năm. Và sau 30 năm, nhiều nhược điểm của chính sách nói trên đã bộc lộ, nền kinh tế quốc dân thay vì được vươn lên cho kịp các nước bạn trong khu vực, thì khoảng cách giữa họ và Việt Nam ngày càng lớn. Trong buổi họp tổng kết thành quả 30 năm đổi mới ngày 19.11.2015 tại Hà Nội, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu: “Người Việt Nam chúng ta thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai ba chục năm nay. Ví dụ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cãi nhau 30 năm chưa kết thúc; rồi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo cũng cãi nhau 30 năm rồi không kết thúc. Những chuyện này còn tranh luận dài dài, không biết đến bao giờ kết thúc được[3]”. Và còn nhiều phê phán tương tự của những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam như ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “những khái niệm như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo,… như ‘vòng kim cô’ ghì chặt sự phát triển của đất nước[4]”.
Kinh tế Việt Nam vẫn trì trệ, rõ ràng vì không ai xác định được một nội dung cụ thể cho chính sách chủ đạo cho nên mỗi cán bộ hiểu mỗi cách khác nhau, lúc đưa ra quyết định thực hiện lại càng khác nhau xa. Có phải không ai gán được nội dung cụ thể vì nhận thức kém, hay thực chất không thể gán được nội dung vì tự bản chất chính sách đã mang sẵn mầm mống mâu thuẫn? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy trở lại lý thuyết gốc của hai hệ thống: kinh tế thị trường và kinh tế XHCN. Mỗi hệ thống có những tính chất nền tảng khác nhau và có những công cụ quản lý khác nhau. Kinh tế thị trường lấy tư hữu tư liệu sản xuất làm nền tảng, trong lúc CNXH xem công hữu tư liệu sản xuất là mục đích hàng đầu cần đạt tới. Kinh tế thị trường dùng chế độ cạnh tranh làm công cụ phát triển, trong lúc CNXH xem kế hoạch trung ương là công cụ chủ đạo. Nói cho cùng thì thì công cụ quản lý là hệ quả tất yếu khi đứng trên những tính chất nền tảng khác nhau. Vậy chúng ta chỉ cần bàn đến những tính chất nền tảng, và có lẽ cũng chỉ cần bàn đến tính chất quan trọng nhất của nền kinh tế để tìm một nội dung đích thực cho “cụm từ hai vế” ở trên: Tính chất đó là “sở hữu tư liệu sản xuất”.
 
Vai trò của sở hữu tư liệu sản xuất
Câu hỏi về sở hữu tư liệu sản xuất (TLSX) là câu hỏi có ý nghĩa trung tâm về mọi chính sách kinh tế. TLSX ở đây cần hiểu một cách toàn diện. Nó không chỉ giới hạn trong máy móc phục vụ sản xuất mà còn bao gồm những phương tiện khác liên quan đến sản xuất, thí dụ đất đai để làm kho bãi, nhà cửa để làm văn phòng hoặc cho thuê mướn, cả trí tuệ cũng được xem là phương tiện sản xuất. Nói cách khác, khái niệm TLSX bao gồm tất cả các loại phương tiện để phục vụ cho hoạt động kinh tế, những hoạt động sinh ra lợi nhuận.
Ở đây chúng ta phân biệt giữa sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể và sở hữu nhà nước.    
Sở hữu tập thể TLSX và sở hữu nhà nước là công cụ sắc bén của một guồng máy sản xuất nhất định, có khả năng tạo ra phương tiện cực kỳ hiệu quả để thành phần lãnh đạo kinh tế có thể kiểm soát toàn bộ guồng máy sản xuất và từ đó chế ngự cả những thành viên trong guồng máy đó, mở rộng quyền lực chính trị lên mọi thành phần khác trong xã hội. Điều đáng chú ý hơn nữa của hai hình thái sở hữu này là, để guồng máy có thể hoạt động hữu hiệu, nó đòi hỏi một sự điều khiển từ trung ương lên quá trình hoạt động kinh tế cũng như lên kế hoạch sản xuất của từng đơn vị riêng lẻ, dù ở đó sự điều khiển có thể xuất hiện ở một mức độ thấp hơn[5].
Ngược lại, trong chế độ tư hữu TLSX, người sở hữu chỉ có thể chế ngự đơn vị hoạt động của mình, chứ không thể tác động lên kế hoạch sản xuất các đơn vị khác, và càng không thể điều khiển quá trình hoạt động kinh tế của toàn bộ guồng máy sản xuất trong xã hội. Anh ta chỉ là một thành viên bình đẳng như mọi thành viên khác, và nhờ thế tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường được bảo đảm, không ai chèn ép được ai.
Như vậy, để kiến tạo một trật tự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, việc thừa nhận tư hữu TLSX là điều bắt buộc, và trong toàn bộ nền kinh tế, khi tỉ lệ tư hữu TLSX càng cao thì khả năng tạo dựng trật tự cạnh tranh lành mạnh càng lớn. Nói cách khác, tư hữu TLSX là một trong những điều kiện tiên quyết của trật tự cạnh tranh trên thị trường[6] hay nói một cách chính xác hơn thì nó là một thuộc tính không thể thiếu được của kinh tế thị trường, lại là một thuộc tính cực kỳ quan trọng.
Tất nhiên là nhà nước cũng có quyền làm chủ một số đơn vị kinh tế thậm chí một số ngành như một tư nhân nào khác, thí dụ hệ thống cung cấp điện nước, giao thông vận tải, ngân hàng v.v… Điều này sẽ không làm rối loạn trật tự thị trường, nếu những đơn vị kinh tế đó cũng ép mình vào trật tự cạnh tranh chung. Khi các đơn vị kinh tế thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng chế độ trợ cấp hoặc những ưu đãi khác để nâng cao thế cạnh tranh nhất là trong việc định giá để cạnh tranh trên thị trường, thì việc tồn tại các đơn vị kinh tế nhà nước là điều chấp nhận được[7] và thị trường cũng không vì thế mà bị rối loạn. Tuy nhiên cần lưu ý là, khi tỉ lệ công hữu trong nền kinh tế càng cao, thì hiệu quả sự điều tiết tính cạnh tranh thị trường càng giảm. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những bất hợp lý về giá cả, tình trạng độc quyền sẽ xuất hiện, và nếu kéo dài quá lâu thì đấy là mầm mống của trì trệ kinh tế.
Để làm rõ tác động của tư hữu TLSX lên cơ chế tự điều tiết của thị trường, chúng ta hãy lấy thí dụ về một xí nghiệp sản xuất thực phẩm. Nếu xí nghiệp này thuộc tư nhân thì người chủ hãng – thường là giám đốc – phải xem xét hàng ngày mức tiêu thụ món hàng mình sản xuất trên thị trường toàn ngành. Nếu mức tiêu thụ giảm sút, anh ta phải nhanh chóng tinh giảm số lượng sản xuất, nếu không thì sản phẩm sẽ tồn kho lâu, thực phẩm ung thối, xí nghiệp thua lỗ và trong nhiều trường hợp sẽ còn ảnh hưởng làm sụt giá thị trường, vòng xoáy rối loạn bắt đầu chuyển động và có thể dẫn đến phá sản cho hãng nào không kịp thời thay đổi. Đặc biệt trong những ngành sản xuất tương tự, sự tinh tế về mức tiêu thụ hàng ngày trên thị trường kết hợp với sự nhạy bén về quyết định kịp thời trong sản xuất là yếu tố cực kỳ quan trọng để xí nghiệp hoạt động thành công.
Cũng trong thí dụ ở trên, chuyện gì xảy ra khi xí nghiệp thuộc công hữu và giám đốc là công nhân viên nhà nước? Cho dù phát hiện mức tiêu thụ giảm, người giám đốc cũng không có quyết định nào khác hơn là tiếp tục sản xuất theo kế hoạch và chỉ tiêu đã được cấp trên giao xuống. Hàng làm ra có bán được hay không anh ta không quan tâm vì đấy là nhiệm vụ của xí nghiệp khác phụ trách việc phân phối. Hoặc cho dù người giám đốc có muốn tinh giảm sản xuất để cứu vãn thị trường, đề nghị của anh ta phải thuyết phục được cấp trên từ ban, đến ngành, đến bộ v.v… và nhận quyết định ngược lại từ trên xuống dưới. Con đường hành chánh rườm rà và tốn thì giờ này sẽ mất tính thời gian để kịp thời cứu vãn được điều gì. Như thế, với chế độ công hữu TLSX, thị trường chỉ có thể ổn định khi mọi dự đoán cung cầu rất chính xác và kế hoạch cấp trên từ trung ương đưa ra thật hoàn hảo. Nói một cách khác, chúng ta chỉ mong có được “một nhà độc tài cực kỳ sáng suốt” không bao giờ sai lầm. Trong trường hợp có sự cố bất thường[8] thì công hữu TLSX là yếu tố kìm hãm sự điều tiết giữa cung và cầu, thúc đẩy rối loạn thị trường, làm kinh tế đình trệ.
Cũng cần nói thêm rằng, biến động giá cả thị trường là những tín hiệu an-ten khẩn cấp để những ai quan tâm kịp thời phản ứng. Tín hiệu này tất nhiên sẽ được những người đi tiếp thị phát hiện trước hết. Quan tâm hàng đầu của một xí nghiệp tư nhân là tiếp thị bán hàng. Sản xuất chỉ là phương tiện để phục vụ nhu cầu đó, cho nên sản xuất luôn luôn được tối ưu hóa theo nhu cầu thị trường. Đấy là cơ chế tự điều chỉnh giữa sản xuất và phân phối bán hàng. Chế độ công hữu TLSX thì khác. Xí nghiệp phân phối không có nghiệm vụ báo cáo tình trạng thị trường cho xí nghiệp sản xuất, và ngược lại xí nghiệp sản xuất cũng không được phép thay đổi kế hoạch nếu không có lệnh từ cấp trên. Đường phản hồi từ thị trường về nơi sản xuất không tồn tại thì cơ chế tự điều chỉnh cũng không hoạt động được, hoặc nó cũng có thể được vận hành nhưng với một độ trì hoãn nhất định.  
Thí dụ trên cắt nghĩa được tại sao các nước hoặc các ngành có tỉ lệ công hữu TLSX cao không phát triển nhanh bằng các nước hoặc các ngành có cùng điều kiện, nếu nơi đó chế độ tư hữu TLSX chiếm đa số. Nếu chúng ta quan sát vài ngành trong đó có nhiều loại sở hữu khác nhau, chúng ta đều thấy là tỉ lệ lợi nhuận các xí nghiệp tư nhân thường cao hơn so với các xí nghiệp quốc doanh có cùng điều kiện kinh doanh. Chúng ta hãy quan sát thêm các tập đoàn quốc doanh đang làm ăn thua lỗ. Khi nhà nước quyết định cổ phần hóa cho tư nhân thì tập đoàn đó thường vươn dậy trở lại sau một thời gian ngắn. Điều này chúng ta thấy rõ trong những ngành quen thuộc như ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất xe hơi v.v… ở khắp nơi trên thế giới.
Nói tóm lại, khi chấp nhận hoạt động trong nền kinh tế thị trường, tư hữu TLSX là nhân tố quan trọng hàng đầu để cơ chế hoạt động hữu hiệu.
Thừa nhận tư hữu TLSX ở mức độ lớn và rải đều cho nhiều người không những mang lại lợi ích cho những tư nhân đó, mà còn có lợi cho toàn xã hội và bảo đảm cơ chế cạnh tranh thị trường hoạt đông hữu hiệu. Nó bảo đảm rằng, đứng trước một nhu cầu tiêu thụ trong thị trường, tất yếu sẽ có nhiều xí nghiệp khác nhau độc lập quyết định sản xuất và nếu cần họ sẽ đầu tư thêm tư bản và cơ sở vật chất để tìm cách cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mà xã hội đang cần với mức giá hợp lý[9]. Khi có nhiều xí nghiệp khác nhau hoạt động độc lập trong đó mọi thành viên đều bình đẳng như nhau và tôn trọng luật chơi đã thỏa thuận, thế quân bình về quyền lực kinh tế sẽ dễ dàng được xác lập, thị trường mở dần dần thành hình và nền kinh tế có xu hướng ổn định lâu dài.
Sự ích lợi cho toàn xã hội không chỉ hạn chế trong lượng hàng phong phú và giá cả tối ưu. Bản thân sự kiện có nhiều xí nghiệp cùng quyết định song song nhưng độc lập với nhau đã là một yếu tố kích thích sáng tạo và tiến bộ. Người chủ xí nghiệp thường trực đặt cho mình nhiệm vụ là phải luôn luôn quyết định đúng, chọn qui trình sản xuất phù hợp, giảm phế phẩm, khuyến khích công nhân, tổ chức sản xuất tối ưu hợp lý v.v… để cung cấp sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và giá cả phù hợp với chờ đợi của giới tiêu thụ. Mỗi lần làm một quyết định sai lầm là họ phải trả giá bằng tài sản của chính mình. Không ngừng tiến bộ để tồn tại, đấy là tâm niệm của mọi người chủ xí nghiệp tư nhân. Những tính chất ấy chúng ta khó tìm thấy trong những xí nghiệp quốc doanh, nơi mà người giám đốc chỉ là công nhân viên nhà nước.
Thừa nhận quyền tư hữu TLSX còn có tác dụng thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, tức là một dạng làm giàu cho xã hội. Thật khó hình dung một tập đoàn nào đó có thể bỏ ra hàng tỉ đô la để xây dựng cơ sở sản xuất trên một vùng đất mà họ không chắc rằng các TLSX đó sẽ vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của họ. Nếu quyền này được thừa nhận bởi luật pháp, quyết định của họ sẽ dễ dàng hơn. Ở mức độ đầu tư thấp hơn như máy móc hoặc các phương tiện bình thường khác, hiệu ứng cũng tương tự như thế.
Ở các nước phát triển quyền tư hữu TLSX được thừa nhận không hạn chế, thường được ghi trong hiến pháp và được qui định cụ thể trong các đạo luật kinh tế. Người sở hữu có quyền sử dụng, thay đổi, cho thuê bán hoặc thậm chí phá hủy TLSX của mình, miễn sao những hoạt động đó không vi phạm qui định của luật pháp. Quyền sở hữu không hạn chế TLSX sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tự ý quyết định và lập kế hoạch kinh doanh. Nếu quyền này bị một hạn chế nào đó, một số người sẽ ngần ngại và không sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong quá trình hoạt động kinh tế của họ, từ đó các đầu tư quan trọng sẽ bị đẩy lùi về sau. Mọi hoạt động đều có tính chất ngắn hạn, ăn xổi ở thì.
Bây giờ chúng ta thử đặt câu hỏi: Liệu quyền tư hữu TLSX là một nhân tố luôn luôn bảo đảm cho trật tự cạnh tranh lành mạnh hay không? Rõ ràng là không luôn luôn. Hãy lấy một thí dụ: Khi một xí nghiệp tư nhân to lớn được xây dựng trong một thành phố nơi đó toàn bộ lao động không đủ để cung ứng cho nhu cầu nhân sự, xí nghiệp này sẽ trở thành kẻ độc quyền tiêu thụ trong thị trường lao động. Chúng ta khó mà tin cậy vào lòng tốt của những người đang nắm quyền lực kinh tế ghê gớm đó. Thế cạnh tranh lành mạnh sẽ mất, đi kèm với những hệ lụy xã hội tất yếu của nó mà kẻ gánh chịu là người lao động. Một thí dụ thứ hai: Tập đoàn xe buýt A với một đội xe vĩ đại được phép hoạt động trong tỉnh B, nơi các xí nghiệp xe buýt nhỏ chỉ chiếm một phần không đáng kể so với A. Tập đoàn này sẽ nhanh chóng làm cho các xí nghiệp nhỏ phá sản và trở thành độc quyền cung cấp dịch vụ xe buýt. Chế độ cạnh tranh thị trường không còn, giá cả có thể tăng vọt, giờ giấc tùy tiện v.v… và kẻ hứng chịu mọi hệ lụy chính là người dân trong tỉnh B đang cần sử dụng dịch vụ này.
Cả hai hình thức độc quyền ở trên - độc quyền cung cấp và độc quyền tiêu thụ - đều dẫn đến quyền lực kinh tế vào trong tay một thiểu số rất nhỏ có khả năng thao túng thị trường mà kẻ thiệt thòi là đại đa số người lao động yếu thế.
Các nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng, tư hữu TLSX trong thế độc quyền trên thị trường sẽ sinh ra những thiệt hại trầm trọng cho xã hội. Các tập đoàn tư nhân sẽ sử dụng quyền lực kinh tế của mình để triệt hạ xí nghiệp cạnh tranh, áp đặt giá cả lên giới tiêu thụ và thẳng tay bóc lột nhân viên của họ. Khi quyền lực kinh tế này trở thành áp đảo thì nhà nước cũng bó tay khi tìm cách hạn chế thiệt hại[10]. Đấy là tình trạng các nước công nghiệp trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi mà nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sơ khai còn trong giai đoạn được thả lỏng (laissez-faire). Đời sống công nhân rất cùng cực, mất nhân phẩm và nếu chủ nghĩa tư bản cứ kéo dài như thế thì nó không xứng đáng được tồn tại và quyền tư hữu TLSX không đáng được bảo vệ.
Cuộc thay đổi bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 và được tiến hành triệt để trễ nhất là sau cuộc đại khủng hoảng 1930. Kể từ đây các nước phát triển, từ những nước cực lớn như Mỹ đến các nước tí hon như Luxemburg, đều nhận thức được rằng đã đến lúc chủ nghĩa tư bản mà họ theo đuổi hàng nhiều thế kỷ cần phải được thay đổi sâu sắc. Họ đã nhận thức được chỗ yếu của chính sách thả lỏng laissez-faire, đã thấm thía đâu là nguy cơ của quyền lực kinh tế. Chỉ vài thập niên sau, nước nào cũng có những cải tổ cơ cấu kinh tế mà quan trọng nhất là cải tổ hệ thống luật pháp để ngăn chận liên minh độc quyền trong hoạt động kinh tế cũng như nhiều đạo luật khác để xác lập cơ chế cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Một số nước khác thì đi xa hơn trong những chính sách xã hội có khả năng tạo dựng cho mỗi người một cuộc sống phồn vinh và bình đẳng như mọi người khác. Những cải cách các nước Bắc Âu rất đáng để tham khảo.
Vì vậy khi bàn về tư hữu TLSX để rút ra kết luận hòng đưa ra chính sách kinh tế phù hợp thì chúng ta phải bàn về quyền tư hữu trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 20, khi mà trật tự thị trường đã thay đổi sâu sắc, chế độ cạnh tranh và mức độ liên minh độc quyền được giám sát một cách chặt chẽ bởi luật pháp và những cơ quan trung lập. Bàn tay quyền lực của nhà nước đã bị giới hạn, cũng như bàn tay thô bạo của những tư nhân trong lợi thế độc quyền không còn sức mạnh tuyệt đối. Trong bối cảnh đó, quyền tư hữu TLSX vừa là thuộc tính của kinh tế thị trường, vừa là công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường đạt ổn định một cách bền vững. Và cũng chỉ trong bối cảnh đó chúng ta mới có thể quả quyết rằng, quyền tư hữu TLSX sẽ là động cơ thúc đẩy sáng tạo, tiến bộ, nâng cao đầu tư dài hạn, mang lại lợi ích cho xã hội mà kẻ hưởng lợi là thành phần lao động đông đảo. 
 
Làm gì với chính sách mới?
Như vậy dưới góc nhìn của quyền sở hữu TLSX, kinh tế thị trường và định hướng XHCN là hai chính sách đối lập nhau như nước và lửa, dựa vào những nguyên lý khác nhau như ngày và đêm. Thúc đẩy nền kinh tế thị trường một cách thành công là tự nó sẽ thủ tiêu kinh tế XHCN, và ngược lại, tiến đến thành công nền kinh tế XHCN thì kinh tế thị trường sẽ không còn hoạt động được. Giữa hai vế của cụm từ nói trên khó có một sự hài hòa khả dĩ được đứng chung với nhau. Thế mà cụm từ này vẫn tồn tại 30 năm trên đất nước Việt Nam. Tại sao?
Chúng ta có thể đặt ra hai giả thuyết: thứ nhất, vì một mối u hoài với giấc mơ XHCN mà các nhà làm chính sách gán thêm vế định hướng XHCN vào chính sách kinh tế thị trường, nhưng thâm tâm họ cũng không mấy tin. Hoặc thú hai, kinh tế thị trường chỉ là chiến thuật trước mắt để nâng cao đời sống và khi tình hình cho phép thì nhà nước sẽ triệt hạ nó và tiến thẳng lên CNXH (có triệt hạ được hay không lại là chuyện khác).
Có lẽ giả thuyết thứ nhất có cơ sở hơn. Vậy để làm cho dân giàu nước mạnh, chuyên viên kinh tế các cấp cứ tạm thời quên cái vế “định hướng XHCN” khi đưa ra các chính sách trong mọi ngành hoạt động, tại mỗi địa phương, trong mọi thời kỳ. Cũng không phải chỉ có lĩnh vực kinh tế, mà cả trong nhiều lĩnh vực khác, mà quan trọng nhất là luật pháp cũng cần quên cái “định hướng” ấy. Chỉ như thế, Việt Nam mới hy vọng vươn ra khỏi bế tắc triền miên hiện nay để hòa đồng vào cộng đồng kinh tế thế giới.
Tôn Thất Thông
Cuối tháng giêng 2016
 

Tài liệu tham khảo

1.     Eucken, Walter  XE „Eucken, Walter"
Những luận đề cơ bản về chính sách kinh tế
Grundsätze der Wirtschaftspolitik
ISBN 31-6345-548-4
 
Ghi chú
[1] Xem tài liệu [ REF _Ref442005430 \r \h 4] trang 6, Nghị quyết đại hội
[2] Xem tài liệu [ REF _Ref442006954 \r \h 3] trang 4, Huỳnh Thế Du
[3] Xem tài liệu [ REF _Ref442007784 \r \h 6], Tư Giang
[4] Xem tài liệu [ REF _Ref442007784 \r \h 6], Tư Giang
[5] Xem tài liệu [1] trang 270, W. Eucken
[6] Xem tài liệu [1] trang 271, W. Eucken
[7] Xem tài liệu [5] trang 199, H-R Peters
[8] Có thị trường nào mà không có sự cố bất thường? Lý thuyết kinh tế chỉ cho chúng ta rằng, cung và cầu luôn luôn thay đổi theo thời gian, cho nên việc điều tiết sản xuất (cung cấp) để đạt một quan hệ tối ưu với thị trường (tiêu thụ) là yếu tố then chốt của thành công.
[9] Xem tài liệu [2] H. Höfer
[10] Xem tài liệu [1] trang 272-273, W. Eucken
 




0 comments :

Post a Comment