10 sự
kiện nổi bật thế giới năm 2014
Vĩnh Nguyên
Năm 2014 được xem là một năm
đầy phức tạp và biến động chưa từng thấy, với những bất ổn về an ninh, kinh tế,
sự dịch chuyển trong quan hệ của các nước và những tai nạn kinh
hoàng.
1. Cuộc khủng hoảng Ukraina
và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea: Hàng loạt sự kiện liên tiếp như Tổng
thống Victor Yanukovich bị lật đổ, trùm sôcôla Petro Poroshenko được bầu làm
tổng thống mới, hai tỉnh miền đông Donbass và Donetsk quyết định ly khai, giao
tranh giữa quân đội với phe ly khai kéo dài nhiều tháng làm hơn 4.300 người
chết, tỉnh Crimea của Ukraina cũng bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi Ukraina và gia nhập
vào Nga gây những tác động không lường trong quan hệ Nga với Ukraina và phương
Tây. Căng thẳng cực điểm khiến có nhiều lo ngại rằng Chiến tranh Lạnh đang trở
lại.
2. Biển Đông nổi sóng:
Trung Quốc quả quyết, o ép láng giềng hơn nhiều nhằm thực thi các đòi hỏi chủ
quyền trên Biển Đông. Đỉnh điểm là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương
981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xua cả trăm tàu,
kể cả tàu quân sự ra ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Trung
Quốc cũng đẩy mạnh mở rộng các đá ở Hoàng Sa và Trường Sa nhằm xây dựng các căn
cứ quân sự, cơ sở trên biển, khiến không chỉ các láng giềng của TQ, mà cả thế
giới lo ngại.
3. Sự nổi lên của nhóm khủng
bố Nhà nước Hồi giáo (IS): Được cho là một chi nhánh của Al-Qaeda, IS đã
nhanh chóng mở rộng vùng chiếm đóng ở Syria và Iraq, nhưng tàn bạo hơn nhiều với
các vụ bắt cóc, hành quyết con tin hàng loạt. IS cũng là tổ chức khủng bố giàu
nhất nhờ buôn bán dầu mỏ, ma túy. Chiến dịch không kích của Mỹ và phương Tây
nhằm vào IS kéo dài gần 2 tháng qua chưa có kết quả rõ rệt.
4. Dịch Ebola bùng phát ở Tây
Phi với tốc độ lây lan nhanh chưa từng thấy, tới nay đã cướp đi hơn 7.500
mạng sống, làm hơn 20.000 người bị lây nhiễm, trong khi các nỗ lực nghiên cứu
vẫn chưa tìm được vaccine khống chế dịch.
5. Mỹ bình thường hóa quan hệ
với Cuba sau 54 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao và cấm vận kinh tế. Tuyên bố
bình thường hóa hôm 19.12 là sự chấm dứt một cách tiếp cận lỗi thời trong quan
hệ song phương. Mỹ đang xem xét mở đại sứ quán ở Havana, tước bỏ quy chế “quốc
gia bảo trợ khủng bố” Mỹ gán cho Cuba, nới lỏng lệnh cấm đi lại, các hạn chế tài
chính, mở đường cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Cuba.
6. Biểu tình đòi dân chủ ở
Hồng Kông: Cuộc biểu tình của sinh viên chống lại việc Trung Quốc áp đặt chế
độ bầu cử ở Hồng Kông đã bùng nổ thành một phong trào đường phố kéo dài gần 2
tháng, làm tê liệt hoạt động kinh doanh. Lúc cao điểm có hàng chục nghìn sinh
viên xuống đường. Trước việc Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông không nhượng bộ
và đe dọa mạnh tay, các sinh viên biểu tình hòa bình đã rút
lui.
7. Scotland bỏ phiếu nói
“không” với độc lập. Cuộc trưng cầu dân ý tháng 9 đã bác bỏ khả năng
Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Phe ly khai không
giành thắng lợi, song số phiếu khá sát giữa họ (45%), với phe ủng hộ ở lại Liên
hiệp (50%), cho thấy một xu hướng mạnh mẽ của liên minh gắn bó này và khiến Anh
phải trao thêm nhiều quyền cho Scotland.
8. Cuộc chiến chống tham
nhũng của Tập Cận Bình: Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mạnh mẽ của Chủ tịch
Trung Quốc kéo dài từ cách đây 2 năm khi lên cầm quyền, và trong năm qua đã đạt
được những dấu ấn mạnh mẽ, với những “con hổ” lớn như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài
Hậu, cùng rất nhiều “hổ” và “ruồi” khác bị điều tra, xét xử, ngồi tù hoặc bị xử
tử.
Từ Tài Hậu (trái) và Bạc Hy
Lai, hai "con hổ" lớn đã bị cách chức và xét xử vì tham
nhũng.
9. Giá dầu biến động trong
những tháng cuối năm, giảm thấp chưa từng thấy, một phần do các nước đang
nổi lên phát triển chậm lại, các nước sản xuất dầu lửa OPEC không cắt giảm sản
lượng và quan trọng là Mỹ phát hiện ra nguồn dầu khí đá phiến, làm thay đổi
nguồn cung cấp năng lượng và dẫn tới những thay đổi trong địa chính trị thế
giới.
10. Thảm họa hàng không
Malaysia: Hai vụ tai nạn bất ngờ của hãng Malaysia Airlines chỉ cách nhau 3
tháng. Máy bay MH370 với 239 người mất tích bí ẩn ngày 8.3, tới nay vẫn chưa có
câu trả lời. Ngày 17.7, máy bay MH17 với 298 người bị bắn rơi tại vùng chiến sự
Ukraina đã góp phần “đổ dầu vào lửa” trong cuộc khủng hoảng phức tạp ở
đây.
0 comments :
Post a Comment