Apr 6, 2015

70 NĂM QUA – NHÌN LẠI HAI ĐOẠN ĐƯỜNG

70 NĂM QUA – NHÌN LẠI HAI ĐOẠN ĐƯỜNG

6 April 2015 
Ất Dậu 2015 là năm thứ hai Nguyễn Tấn Dũng tại vị ở chức thủ tướng với nhiệm vụ củng cố một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong một chế độ chuyên chính vô sản trong một thời đại toàn cầu hội nhập theo hướng dân chủ hóa. Ất Dậu 1945 là năm chết đói của dân. Ất Dậu 2015 là năm đói khát, bần cùng, phá sản trong tư tưởng, trí tuệ lãnh đạo.
Hoàng Ngọc Nguyên
Theo tập quán, vào những dịp năm hết Tết đến, người ta thường nhìn lại những chuyện xảy ra 10, 20, 30, 40… năm trước để lần dấu vết quá khứ của mình. Hiểu biết những mốc dấu lịch sử là một cách truy tầm nhân dạng, nguốn gốc, đúng là môt điều cần thiết đối với người Việt chúng ta trong cộng đồng tha hương, mất nước này. Những thế hệ lớn tuổi có thể còn biết mình là ai, nhưng chẳng phải ai cũng được như thế. Căn bệnh mất tâm linh (mà Giáo hoàng Francis gọi là “spiritual Alzheimer”), tức quên lửng đi mình là ai và phải cư xử “đạo lý” như thế nào cho phù hợp với nhân dạng của mình, đang xâm nhập nhiều người. Ở những thế hệ trẻ hơn, cuộc sống vật chất nơi “đất khách quê người” này làm cho không ít người ngày càng hời hợt với những kiến thức cần thiết nhưng ngoài tầm nhận thức của họ về lịch sử, văn hóa. Bởi vậy, họa may chỉ có những dịp thế này, năm hết Tết đến, phiếm đàm chuyện xưa để cho họa chăng có ai đọc mà thốt lên “Hóa ra là thế” và nhận ra khoảng trống linh hồn trong tâm khảm của mình.
Đặc biệt trong năm nay, chúng ta nhìn lại nhưng thập niên trước, nếu suy nghĩ thêm một tí, có nhiều điều có ý nghĩa có thể kết lại thành một bài học lich sử thời cận đại và hiện đại của Việt Nam. Năm đang được nói đến nhiều nhất dĩ nhiên là 1975, cách đây 40 năm, khi chế độ Miền Nam sụp đổ, Cộng Sản Miền Bắc chiếm trọn miền nam, và chúng ta trở thành những người mất quê hương. Lẽ dĩ nhiên, Hà Nội sẽ kỷ niệm rầm rộ 40 năm “thống nhất đất nước”. Và cộng đồng người Việt tha hương ở Paris, Orange County, San Jose, Houston, Phoenix… cũng phải tưởng niệm bốn thập niên quốc hận. Năm 1975 đó đuơng nhiên phải là một năm chúng ta phải nhớ đến. Nhưng nhớ cách nào đây. Bắt đầu nhớ lại như thế nào?
Ất Mão – Câu chuyện sụp đổ của chế độ Miền Nam thường được xem là bắt đầu bằng cuộc tấn công của Việt Cộng vào quận lỵ Phước Bình của tỉnh Phước Long vào đầu tháng giêng năm 1975 để thử phàn ứng của Mỹ và thăm dò phương lược của Miền Nam. Mỹ bất động. Saigon bất định. Việt Cộng manh động và quyết định thời cơ tới sớm hơn họ tưởng. Sau khi lãnh đạo Saigon để mất Phước Bình dễ dàng (ngày 6-1) và không có ý định tái chiếm để thử xem Mỹ có động lòng hay chăng, thảm họa bắt đầu, tới dồn dập như nước lũ, và thực ra khi Saigon mất Ban Mê Thuột vào ngày 10-3, sau đó là cuộc tháo chạy tán loạn cả quân và dân (được mô tả hoa mỹ là “di tản chiến thuật”) từ nơi này đến nơi khác, thì ngày tận thế như đã được báo trước. Một tháng sau khi mất Ban Mê Thuột, cả vùng 1 và vùng 2 đều thất thủ, tức từ Quảng Trị chạy dài tới Phan Rang – đúng hơn là bị bỏ rơi. Ngày 21-4, trận địa Xuân Lộc chấm dứt, sư đoàn 18 rút lui, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến ngày đó mới chịu từ chức để dễ trốn đi, thì tấn bi kịch kể như hạ màn để mở ra màn mới không kém bi kịch sau ngày 30-4 cho toàn dân Miền Nam. Trước ngày 30-4: đất nước tan hoang. Sau ngày 30-4: con người tan hoang, xã hội tan nát. Người dân bắt đầu thấm thía cảnh “nước mất nhà tan”. Người người bị lùa vào những trại tập trung. Người người tìm con đường thoát ra biển. Người người ở lại lạc phách lạc hồn. So thời nay với thời xưa đất nước bị tàu đô hộ, thời nào đau thương hơn?
Thế nhưng với những tác giả muốn viết câu chuyện “Tháng Tư Đen” của chiến tranh Việt Nam, như George Veith, tác giả Black April (xuất bản năm 2012) chẳng hạn, ngưòi ta muốn bắt đầu ít nhất phải là từ đầu năm 1973, khi Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh và Tái lập Hòa bình được ký kết giữa bốn bên ngày 27-1 tại Paris, nếu không tìm hiểu thêm những gì đã diễn ra trước đó dẫn đến thỏa thuận gian trá này. Vào lúc đó, Miền Nam vẫn đứng vững trước những thách đố đặt ra do Mỹ rút quân (mà từ đầu năm 1969 Tổng thống Nixon gọi là “Việt Nam hóa chiến tranh” – Vietnamization of the war) và Cộng Sàn dấy lên “Mùa hè đỏ lửa” chỉ để ăn trận mưa bom 12 ngày đêm của Nixon vào dịp Giáng Sinh năm 1972. Hiệp định đó không cần thiết nhưng Mỹ cần hiệp định này để Nixon giữ lời hứa khi tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa và Mỹ có thể “giải kết”. Cho dù thâm tâm chẳng bao giờ tin có chuyện “hòa hợp hòa giải” với Cộng Sản, Nguyễn Văn Thiệu mất ăn mất ngủ với lời đe dọa ngấm ngầm của Nixon cho nên vẫn phải ký vào hiệp định, sau đó đứng ngồi không yên vì không biết có tin được lời hứa của Nixon hay không – nhất là sau chuyến đi Camp David vào tháng năm năm 1973 mà Nixon miễn cưỡng tiếp. Còn Hà Nội thì đương nhiên ký cả hai tay, không phải vì giải Nobel hòa bình mà ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger chia nhau ( khốn nạn thay, chẳng có ai ở Saigon được một phần của giải thưởng này), mà vì nội dung hiệp định này hoàn toàn là do họ vẽ ra cả, bao gồm hai điểm quan trọng nhất: Mỹ giải kết (quân Mỹ rút và sẽ không trở lại và không tăng quân viện cho Miền Nam), Hà Nội y kết (lính Miền Bắc đã xâm nhập vào miền nam chẳng phải rút về “nguyên quán”, Hà Nội tha hồ nhận viện trợ quân sự từ Liên Xô và Trung Cộng, và đường mòn Hồ Chí Minh vẫn còn mở cho “Trường Sơn Đông nối Trường Sơn Tây”).
Trong hai năm đó 1973 và 1974, chúng ta hiểu gì? Tổng thống Nixon đã kẹt cứng trong vụ Watergate, chỉ chờ ngày bị phế truất, không còn lòng dạ nào mà nghĩ tới lời từng hứa cho xong chuyện. Quốc Hội Mỹ thì đúng là phủi tay, nhất là vướng bận vì cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ tư (Yom Kippur War tháng 10 năm 1973). Miền nam mất viện trợ quân sự và kinh tế, mất tinh thần, trong năm 1974 cứ sống trong giấc mơ dầu khí. Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự bất lực của lãnh đạo trong việc nhận thức được nguy cơ và tìm phương kế thoát khỏi số phận. Thay vì tìm cách tăng cường sự đoàn kết và ý chí quốc gia, ông Thiệu đầu năm 1974 tìm cách được ứng cử thêm một nhiệm kỳ. Hàng ngũ riêng của ông tan tác (Nguyễn Văn Ngân, Hoàng Đức Nhã). Phía Phật giáo thì khoanh tay chờ thời, trong khi bên Thiên Chúa giáo rúng động và tuyệt vọng. Có hai điều ta phải tự trách: thứ nhất, đến nước đó mà vẫn cứ để cho một mình ông Thiệu độc diễn trong lãnh đạo đất nước, đi đến những quyết định của ông về giàn binh bố trận của người có vấn đề tâm thần; thứ hai, chúng ta hiểu biết người Mỹ quá ít nhưng lại không thấy sự thiếu sót nay là trầm trọng, chết người. Hầu như ta có thể tin rằng vào thời đó, trong cả hơn 15 năm, chúng ta chẳng có cơ quan, định chế, học viện nào làm công tác nghiên cứu nước Mỹ, lịch sử Mỹ, chính trị Mỹ, chính quyền Mỹ, dân chủ Mỹ cả.
Ất Dậu – Lịch sử là một dòng chảy liên tục, như một chuyện dài nhiều tập – một phim bộ. Nếu phải ngắt ra chỉ để tập trung vào một biến cố, chúng ta cũng phải lần bước trở lại ít nhất là đến năm Ất Dậu để hiểu rõ hơn chuyện Ất Mão, vì Ất Mão là chuyện giữa người Việt quốc gia và người Việt cộng sản, mà năm Ất Dậu là năm người Việt cộng sản một cách bán chính thức lộ dạng trên sân khấu quyền lực. Ất Dậu, 1945, là năm Đệ nhị Thế chiến châm dứt, Nhật Bản bại trận tại Thái Bình Dương với hai quả bom nguyên tử nổ ở Hirshima và Nagasaki vào ngày 9-8, Nhật rút tức thì khỏi Việt Nam, để một khoảng trống chính trị cho “Cách mạng tháng tám” của Việt Minh nổi lên, lợi dụng cướp chính quyền dẫn tới sự kiện ngày 2-9, Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính từ sự kiện chính trị này mà đảng Cộng sản Việt Nam có “chính nghĩa” (legitimacy) dấy lên cuộc kháng chiến chống Pháp với danh nghĩa bảo vệ độc lập quốc gia (cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất chín năm) và sau đó cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai để thống nhất đất nước, và cho đến nay vẫn nghĩ họ có chính nghĩa trong duy trì “chuyên chính vô sản” ở Việt Nam. Có Ất Dậu mới có Ất Mùi, mười năm sau đó, và cách đây 60 năm!
Ất Mùi. Năm 1955 Ất Mùi cũng là năm đầy ắp trong tâm trí chúng ta những ký ức lịch sử vui buồn lẫn lộn. Đó là một năm sau khi Pháp thất thủ ở mặt trận Điện Biên Phủ ở Lai Châu, một tỉnh vùng núi giáp biên giới Lào (7-5-1954), phải ký Hiệp định Genève (20-7-1954) chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17 với hạn định tổng tuyển cử vào năm 1956, dẫn đến lần đầu tiên có một phong trào di cư ồ ạt cả triệu người từ bắc vào nam (lần thứ hai 20 năm sau đó!), trong khi đó Bảo Đại chọn ông Ngô Đình Diệm đang lưu vong ở Mỹ trở về Saigon (7-7-1954) làm thủ tướng. Mỹ bắt đầu viện trợ chính thức, trực tiếp cho chế độ Miền Nam. Ngày 10-5-1955, Miền Nam chính thức yêu cầu Mỹ gởi cố vấn quân sự cho Việt Nam. Ngày 20-7, chính quyền Miền Nam từ chối tổ chức tổng tuyển cử với lý do bầu cử sẽ không có tự do ở miền bắc. Nhưng biến cố lịch sử vĩ đại nhất trong năm này là cuộc trưng cầu dân ý do Thủ tướng Ngô Đình Diệm tồ chức để truất phế Bảo Đại và đưa ông Diệm lên làm quốc trưởng. Ngày 26-10, ông Diệm tuyên cáo thành lập nước Việt Nam Cộng hòa và trở thành tổng thống đầu tiên. Đúng là một trang sử mới đã được mở. Chế độ quân chủ của nhà Nguyễn đã vĩnh viễn khép lại. Việt Nam lần đầu tiên biết được độc lập, dân chủ. Năm 1955 trôi qua như một giấc mơ với bao biến chuyển chính trị, và thực sự cũng là bắt đầu giấc mơ cho đất nước, cho dân tộc – không chỉ riêng cho người di cư đang dũng cảm dấn thân vào một cuộc đổi đời.
Ất Tỵ. Năm Ất Tỵ 1965 có ý nghĩa ở chỗ cho chúng ta thấy những mong đợi từ Ất Mùi có nguy cơ hoàn toàn sụp đổ, và cảnh báo chúng ta thảm họa có thể tới bất cứ lúc nào trong tương lai. Đúng là 10 năm sau đó! Năm 1965 cho thấy tình hình nổi dậy của Cộng quân đã nguy ngập đến mức Tổng thống Johnson đã phải làm chuyện mà ông Kennedy tiền nhiệm tránh không làm: đưa bộ binh chiến đấu đến Miền Nam (10-3). Thế nhưng những ông tướng trong Hội đồng Quân lực cứ để mặc, cho rằng người Mỹ không dám bỏ Miền Nam, cho nên một mặt họ cố để cho chế độ dân sự hư hỏng, mặt khác, họ thanh toán lẫn nhau, thu vén và chia chác quyền lực, dẫn đến sự hình thành “nội các chiến tranh” với Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia mà người đứng đầu là Nguyễn Văn Thiệu và Ủy ban Hành pháp Trung ương mà chủ tịch là Nguyễn Cao Kỳ. Hai ông này khả năng, tư cách như thế nào – chúng ta đều đã biết. Sau đó hai ông ép nhau và đứng chung trong liên danh ra tranh cử vào năm 1967, để rồi tan rã, anh đi đường anh tôi đường tôi vào năm 1971. Nhưng phân tích sâu xa hơn, nghiêm khắc hơn, đó chính là sự thất bại của một nền dân chủ vừa non nớt vừa già cỗi, một nền chính trị tiêu cực chỉ chạy theo quyền lực nhưng quá mù quáng trước vận nước, của một chính quyền không đủ căn bản quần chúng… Trách nhiệm không chỉ ở những ông tướng sổng chuồng, những đảng phái chính trị cơ hội, mà còn ở bao nhiêu thành phần khác trong xã hoi: lãnh đạo tôn giáo, trí thức (sĩ phu), báo chí, thanh niên, sinh viên, học sinh. May mà Việt Cộng để lỡ thời cơ năm đó – như Nguyễn Hữu Thọ chủ tịch của Mặt trận Giải phóng sau này thú nhận! Nhưng guồng máy và con người trong những năm sau đó chẳng có mấy sửa sai. Cho nên mới có năm Ất Mão!
Sau năm 1975, chúng ta còn có những năm Ất Sửu 1985, Ất Hợi 1995 và Ất Dậu 2005. 30 năm đầu trong 70 năm qua vẫn còn là một quá khứ đau nhức nhưng đã qua, và 40 năm qua vẫn là một lịch sử dang dở còn đó. Năm Ất Sửu 1985, 10 năm sau khi cả hai miền bắc và nam bị tơi tả, tan tác vì tử lộ kinh tế xã hội chủ nghĩa, hy vọng đã loé lên khi người ta bắt đầu công khai bàn bạc chuyện đổi mới kinh tế. Những thử nghiệm ở miền nam, tập trung ở Saigon, như ngoại thương, tín dụng, sản xuất “ngoài kế hoạch”, nội thương cởi mở hơn… đã làm cho người ta bắt đầu “tấm tắc” về sức sống của kinh tế miền nam và cái hay của kinh tế thị trường dạy cho con người biết làm ăn. Nhưng khi nhìn lại một năm cách đây 30 năm, ngươi ta không khỏi nhớ biện pháp “Giá Lương Tiền” của nhà thơ Tố Hữu. Biện pháp điên rồ này đã làm Tố ông mất cơ hội thay ông Lê Duẩn ở ghế tổng bí thư ( Lê Duẩn chết tháng sáu năm 1986, Trường chinh lên thay tạm mấy tháng). Nhưng nó còn nói lên nhiều điều khác về lãnh đạo ở Bắc Bộ Phủ, không chỉ là cái đầu và hệ thống làm quyết định, mà còn ưu thế chính trị áp đảo của cánh bảo thủ và lạc hậu miền bắc thân Bắc Kinh đối với áp lực đổi mới từ miền nam. Đúng là năm sau 1986 có Đại hội Đảng lần thứ 6, tổng bí thư mới là ông Nguyễn Văn Linh người Hưng Yên. Võ Văn Kiệt người nam? Còn lâu! Một điều quan trọng hơn nữa mà lẽ ra người ta nên thấy trong năm 1985: có thể có đổi mới kinh tế, nhưng còn lâu mới đổi mới chính trị.
Ất Hợi. Năm này thực tình chẳng có gì đáng nói, ngoài chuyện nó có thể giúp ta đánh giá thực sự đổi mới kinh tế là gì, đổi mới kinh tế có mở đường cho đổi mới chính trị chăng. Chính năm này, bao nhiêu mơ tưởng sẽ có đổi mới chính trị ăn nhịp với đổi moi kinh tế trở thành hoang tưởng. Năm 1995, Mỹ thiết lập bang giao với Việt Nam. Clinton nói giống như Đỗ Mười: Để quá khứ lại đàng sau. Cũng trong năm 1995, Việt Nam gia nhập tổ chức ASEAN. Nhưng về mặt nội bộ, những khuynh hướng chính trị cấp tiến đều bị loại trừ, giới bảo thủ ở Hà Nội siết lại hàng ngũ. Hai năm sau đó, 1997, tướng Lê Khả Phiêu lên làm tổng bí thư, mặt mũi còn tệ hơn Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh.
Ất Dậu 2015 là năm thứ hai Nguyễn Tấn Dũng tại vị ở chức thủ tướng với nhiệm vụ củng cố một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong một chế độ chuyên chính vô sản trong một thời đại toàn cầu hội nhập theo hướng dân chủ hóa. Ất Dậu 1945 là năm chết đói của dân. Ất Dậu 2015 là năm đói khát, bần cùng, phá sản trong tư tưởng, trí tuệ lãnh đạo. Việt Nam trở thành một trường hợp điển cứu (case tudy) về căn bệnh tâm thần lãnh đạo, sự đối đối kháng giữa kinh tế và chính trị sẽ dẫn đến một đất nước như thế nào, xã hội như thế nào, văn hóa như thế nào, con người như thế nào (nửa người nửa ngợm nửa đười ươi).
Khi nhìn dòng đời xuôi chảy như thế, phải chăng chúng ta nghĩ mình có thể mong đợi vào năm 2015 này một trang mới mở ra có hậu cho câu chuyện 40 năm qua? Hay lai phải khắc khoải chờ thêm một thập niên nữa, năm Ất Tỵ 2025, mới có cuộc đổi đời mà trong chúng ta chắc nhiều ngưòi sẽ không có dịp thấy để nở nụ cười mãn nguyện lúc cuối đời?
Hoàng Ngọc Nguyên

0 comments :

Post a Comment