Bước qua lời nguyền
Nguyễn Trương
Khi nhà cầm quyền Trung Quốc chủ động trở lại gây hấn ở vùng biển của Việt Nam tại biển Đông từ tháng 5 năm nay, khắp Việt Nam và khắp những nơi có người Việt Nam sinh sống dường như đã tự nhiên có sự xích lại gần nhau hơn, bất kể những khoảng cách tâm lý xã hội, được hình thành trước đó do lịch sử. Nhà toán học Ngô Bảo Châu trong bài viết “Ôn bài” trên trang cá nhân của mình có nói “Cái mà Trung Quốc muốn chưa chắc đã là dầu hỏa, mà là sự thần phục vô điều kiện của Việt Nam”. Chính sự mong muốn xấc xược, kẻ cả đó của Trung Quốc có lẽ đã khiến tinh thần Việt Nam nổi giận và trở thành chất gắn kết cộng đồng người Việt Nam nhanh hơn. Chắc chắn chưa thể hết, nhưng những hiềm khích, thậm chí được nâng lên như những lời nguyền, có vẻ như đã vỡ dần ra, đã tan dần ra từ các hoạt động mang tính học thuật và tiến bộ xã hội có mục tiêu chung: bảo vệ núi sông bờ cõi Việt Nam, vì lợi ích của dân tộc Việt Nam. Như hai câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất, ở hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: sự thật lịch sử” mới diễn ra tại Đà Nẵng ngày 20.6.2014, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Lưu Anh Rô đã không ngần ngại sử dụng những tài liệu lưu trữ “Mật” và “Tuyệt mật” của chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ năm 1954 đến 1974 để làm bài tham luận mang tính bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Tham luận có tựa đề “Thủ đoạn “ngư phủ - tàu lạ” của Trung Quốc để lấn dần từng bước, rồi thực hiện một cuộc “tiểu chiến tranh” cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”. Trong tham luận này, Thạc sĩ Lưu Anh Rô đã trích dẫn lời Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại tại Hội nghị quốc tế San Francisco có 51 nước tham dự (ngày 7/9/1951), như sau: “Việt Nam rất hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình và cũng vì vậy cần thành thật tranh thủ tất cả mọi cơ hội để dập tắt tất cả những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi (Việt Nam) trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam, theo trích dẫn trong tham luận của Lưu Anh Rô, đã được ghi vào văn kiện của Hội nghị San Francisco (1951) với đa số tán thành và không hề có bất kỳ phản ứng chống đối hay yêu sách của các quốc gia tham dự. Tham luận của Lưu Anh Rô còn trích dẫn thêm nhiều tài liệu lưu trữ “tuyệt mật” của Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có đoạn “Căn cứ theo các không ảnh do Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ chụp ngày 29/7/1960 và sau khi so sánh với nhiều thí liệu không ảnh của ta chụp ngày 5/3/1959, thiểm Bộ được biết Trung cộng đã thiết lập thêm một con đường xe hơi có thể chạy được xuyên từ Tây Nam tới Đông Bắc đảo ( đảo Phú Lâm – nơi Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp vào năm 1956) và đã làm thêm một khu công thự gồm 5 dãy nhà 3 căn”. Nhận ra mưu đồ chiếm đóng lâu dài này của nhà cầm quyền Trung Quốc, tài liệu lưu trữ cho biết, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã không ngừng gia tăng bảo vệ, kiểm soát các đảo và vùng nước phụ cận đồng thời cực lực lên án hành động leo thang của Trung Quốc. Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngày 7/9/1967 đã tái xác định vấn đề đặc quyền lãnh hải của mình trong vùng quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đoạn “Ranh giới của phần thềm lục địa tiếp cận với lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa thuộc pháp quyền và chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ấn định chiếu theo các quy ước và tiêu chuẩn Quốc tế và đã được công bố đầy đủ. Bởi vậy, chính phủ Việt Nam Cộng hòa coi là vô giá trị và vô hiệu lực mọi quyền đặc nhượng, do một quốc gia khác cấp giữ lấn vào phần thềm lục địa của Việt Nam Cộng hòa. Những công ty thụ hưởng quyền đặc nhượng ấy phải gánh chịu mọi trách nhiệm và mọi rủi ro nếu họ muốn tiến hành những công tác tìm kiếm và khai thác khoáng sản trên phần thềm lục địa của Việt Nam Cộng hòa mà không có sự cấp quyền hợp lệ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa”. Tài liệu lưu trữ của Việt Nam Cộng hòa hôm qua đã trở thành một trong những chứng cứ quan trọng để Việt Nam hôm nay sử dụng đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước. Đó là điều rất gần đây thôi nhiều người không thể hoặc chưa thể tin trở thành hiện thực. Thế nhưng đó đã là hiện thực.
Câu chuyện thứ hai, ở Thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2014 đã khởi động một chương trình xã hội tự phát với lời tâm tình của những người khởi xướng, thật nhẹ nhàng, như sau: “ Chắc chắn, ở đâu trên Tổ quốc này cũng còn rất nhiều sự hi sinh cần được nhìn nhận, những số phận cần được sẻ chia. Và Hoàng Sa đã được chọn như một nhịp cầu để nối các nghĩa cử ấy và mong trên nhịp cầu này sẽ bắt đầu những bước đi chung của người Việt muôn phương”. Sự mong muốn và niềm hi vọng của những người đang bắc thêm một nhịp cầu nối các số phận Việt Nam lại với nhau bước đầu đã thành hiện thực. Một phần trong số các tử sĩ, liệt sĩ của các trận chiến ở Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma – Trường Sa năm 1988 đã bắt đầu nhận được sự chăm sóc của cộng đồng người Việt bốn phương gửi về Nhịp cầu Hoàng Sa, tính tới nay số tiền tiếp nhận được tổng cộng là 1.707.965.042 đồng. Không câu hỏi “vì sao” nào gửi kèm theo mỗi sự đóng góp. Không “hòn đá” nào được ném vào chương trình này từ những người tử tế, ở bên này hay bên kia…
Từ những việc làm với mong muốn góp phần nối liền các bến bờ chia cắt ấy, có thể nào không hi vọng rằng mọi lời nguyền, sớm hay muộn, đều có thể bước qua vì chính những điều lớn lao hơn mỗi cá nhân: tình người và tình tự dân tộc./.
Nguyễn Trương.
0 comments :
Post a Comment