Jul 25, 2014

Đi lại "Hành Trình Sang Phía Tự Do"

Hà Giang/Người Việt (tổng hợp)

Hà Nội những ngày cuối năm 1954 im lìm, ảm đạm giữa mùa Ðông lạnh giá.

Hà Nội những ngày ấy đã vắng hẳn một lớp người; thay vào đó là sự xuất hiện của những khuôn mặt lạ - đầu đội nón cối làm bằng nan tre, chân mang dép "Bình Trị Thiên."


Bốn thủy thủ của chiến hạm USS Bayfield cầm biểu ngữ đón chào người dân di cư lên tàu vào Nam tại Hải Phòng, 3 Tháng Chín, 1954. (Hình: US Navy Department)

Không còn những tiếng guốc reo vui, người Hà Nội giờ đây rón rén rỉ tai nhau về những "chính sách" mới được ban hành. "Cán bộ" ngập tràn đường phố, nhìn mọi người với cặp mắt soi mói, dò xét. Chiếc áo dài duyên dáng và khăn san thướt tha của thiếu nữ Hà Nội cùng những khuôn mặt tươi cười đột nhiên biến mất, thay vào đó là một loạt phụ nữ trong đồng phục mới, áo sơ mi, quần đen, và nét mặt đăm chiêu khép kín.

Lịch sử đã sang trang!

"Hành Trình Tới Tự Do"

Chỉ trước đó không lâu, trên một chiến hạm ở đâu đó phía Tây Thái Bình Dương, Ðô Ðốc Lorenzo S. Sabin của Hải Quân Hoa Kỳ nhận một mệnh lệnh bất ngờ: Chỉ huy Lực Lượng Ðặc Nhiệm 90, thi hành "Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do" - Operation Passage to Freedom.


Một thủy thủy đỡ hộ quang gánh cho một người đàn bà di cư đang lên chiến hạm USS Bayfield để được đưa vào Sài Gòn, 3 Tháng Chín, 1954, tại Hải Phòng. (Hình: US Navy Department)

Ðô Ðốc Sabin không có nhiều thời gian chuẩn bị, Hành Trình Tới Tự Do bắt đầu từ ngày 8 Tháng Tám, 1954, với nhiệm vụ: Vận chuyển an toàn nhất, nhanh nhất, và nhiều nhất số người Việt Nam muốn di cư vào miền Nam.

Phản ứng tức thời, Ðô Ðốc Sabin yêu cầu sự hỗ trợ của tình báo Hoa Kỳ (lúc đó chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam) và tình báo Pháp (vốn không còn thiết tha lắm trong việc hỗ trợ người Mỹ) để tìm hiểu tối đa về một đất nước mà trước đó ông không hề dính líu.

Tin tình báo cho biết, dù đã ký Hiệp Ðịnh Geneve, Việt Minh không muốn đồng bào miền Bắc bỏ đi, và sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn cản. Tin tức nói rằng, Việt Minh có thể sẽ đặt mìn ngầm gần các cảng nơi người di cư sẽ được Hoa Kỳ đưa lên tàu chở vào Sài Gòn; quan trọng hơn, quân đội Trung Cộng rất có thể sẽ giúp người cộng sản cản trở đoàn người di cư.

Theo Ronald B. Frankum, tác giả cuốn "Operation Passage to Freedom, The US Navy in Vietnam, 1954-1955," chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, Ðô Ðốc Sabin đã soạn xong chương trình hành động và chỉ thị dài hơn một trăm trang, phân phối ngay cho các đơn vị liên quan để mọi nơi bắt đầu thi hành.

Ở miền Bắc, Hải Phòng được cho là cảng lý tưởng để đón người di cư. Ðơn Vị Kiểm Soát (Control Unit) được lệnh nghiên cứu lòng biển và bãi biển gần nơi Hoa Kỳ sẽ cho neo tàu "há mồm" đón đoàn người di cư. Ở miền Nam, họ được lệnh rà soát và phá mìn gần sông Bạch Ðằng, nơi các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ cập bến, đổ người xuống lòng thành phố Sài Gòn.

Trên khắp Biển Ðông, thuyền trưởng của hơn 110 chiến hạm lớn nhỏ nhận lệnh khẩn cấp: Trong thời gian ngắn nhất, tự lo liệu để điều chỉnh tàu của mình thành tàu chuyên chở, có khả năng vận chuyển và săn sóc sức khỏe cho hàng ngàn người, chuẩn bị cho một nhiệm vụ bí mật mang tên gọi "Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do."

Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do của Hải Quân Hoa Kỳ được hoạch định chu đáo đến nỗi, mỗi một chiếc tàu đến Hải Phòng đều phải có đầy đủ nhân viên y tế, và phải có ít nhất một người nói lưu loát tiếng Việt, thêm một người nói lưu loát tiếng Pháp. Tất cả thủy thủ đoàn được dặn dò kỹ lưỡng, phải đối xử tử tế ân cần với người di cư, để "làm nổi bật lòng nhân đạo của quân đội Hoa Kỳ trước sự tàn ác của cộng sản."

Từ chiến hạm USS Montague đang lênh đênh ở Philippines, một bác sĩ quân y viết trong hồi ký: "Chúng tôi được lệnh phải đến Hải Phòng, Việt Nam, vào ngày 12 Tháng Tám, cắm sào ở đó, chờ nhận chỉ thị về Chiến Dịch Hành Trình Tự Do, và được dặn đây là một công tác mật, không được tiết lộ. Việc giữ bí mật thật ra không khó, vì chẳng một ai biết tí gì về chiến dịch này, càng không biết mình phải đưa ai đi tìm tự do, đi từ đâu, và tại sao."

Hồi ký của Bác Sĩ Tom Dooley, "Deliver Us From Evil" ố "Xin Cứu Chúng Con Khỏi Mọi Sự Dữ" - xuất bản năm 1961, viết rằng, tuy chưa nhận chỉ thị, Thuyền Trưởng William Cox xem ra hiểu rất rõ mình sẽ phải làm gì. Ông ra lệnh cho thủy thủ đoàn, trong vòng vài ngày phải biến USS Montague thành tàu chở người, và phải chứa được 2,000 hành khách, con số được lệnh trên đưa xuống, tính theo sức chứa của tàu.

USS Montague dài 460 feet, có 5 kho chứa hàng lớn, mỗi kho cao 3 tầng. Các kho này dùng để chứa xe vận tải, bình chứa nhiên liệu, và những loại xe khác dùng cho việc đổ bộ, vì thế không có lỗ thông hơi.

Trong vòng một tuần lễ, toàn bộ thủy thủ đoàn bận rộn với tiếng búa, tiếng cưa và tiếng người chỉ huy. Tất cả mọi tài sáng tạo của thủy thủ đoàn được vận dụng vào việc tạo môi trường thoải mái nhất cho "hành khách."


Tuyên Úy Hải Quân Hoa Kỳ, Francis J. Fitzpatrick, giúp phiên dịch cho một phụ nữ di cư trên tàu USS Bayfield, trong cuộc hành trình từ Hải Phòng vào Sài Gòn, Tháng Chín, 1954. (Hình: US Navy Department)


Bác Sĩ Tom Dooley hài hước: "Tác phẩm đặc sắc nhất của Thuyền Trưởng Cox là hệ thống nhà vệ sinh: những thùng chứa dầu được chẻ dọc làm đôi, hai đầu hàn lại với nhau, trên đó là chỗ ngồi bằng gỗ với những lỗ tròn được khoét cho vừa mông người ngồi. Sau khi chỗ ngồi được cắt xong, ông thuyền trưởng đi một vòng kiểm soát, và ra lệnh nhân viên dùng giấy nhám làm cho mịn để người ngồi khỏi bị dằm đâm vào.

Nếu lúc đó ông biết kiểu ngồi xổm khi đi đại tiện của người Á Ðông thì có lẽ đã không nhọc công như thế."

USS Montague đến vịnh Hạ Long vào ngày 14 Tháng Tám, 1954. Vài chiếc tàu khác thả neo cùng ngày. Sáng sớm 15 Tháng Tám, có năm chiến hạm xếp hàng. USS Montague đứng đầu, và USS Menard đứng vị trí thứ 5.

Với bảng hiệu sẵn sàng, chúng tôi hồi hộp chờ đón đoàn người di cư đầu tiên bước chân lên tàu.

Vượt thoát

Trên nguyên tắc, Hiệp Ðịnh Geneve quy định rằng mọi người được tự do chọn thể chế nơi mình sẽ sinh sống, và bất cứ ai muốn di cư vào Nam sẽ được ung dung ra đi cho đến hết đến Tháng Năm, 1955.

Trên thực tế, khắp các nẻo đường, nhất là những thành phố nhỏ, nơi không có sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế, Việt Minh luôn lén lút tìm cách ngăn cản, ruồng bắt người muốn ra đi, khiến họ phải liều chết tìm đường lẩn trốn.

Ðể tránh bị dòm ngó, theo dõi và ngăn cản, rất nhiều gia đình phải chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ mà đi. Chẳng hạn, trong trường hợp mình, nhà văn Mặc Giao kể lại trong bài viết "Cuộc Trốn Chạy của Gia Ðình Tôi:" "Gia đình tôi phải đi Hải Phòng làm hai đợt. Ðợt đầu bố tôi dẫn tôi và hai em trai đi theo. Mẹ tôi, chị họ tôi và hai em nhỏ phải đợi đi đợt sau. Chúng tôi đi xe hàng lên Hà Nội rồi từ đó đi xe hỏa xuống Hải Phòng. Hà Nội đã được Việt Minh tiếp thu từ tháng 10. Muốn đi Hải Phòng phải có giấy phép vì là đi vào vùng địch còn kiểm soát."

Ông kể lại cảnh người di cư bị trấn lột tại ranh giới giữa hai vùng kiểm soát: "Ðịa điểm ranh giới giữa hai vùng kiểm soát là ga Ðỗ Xá thuộc tỉnh Hải Dương trên quốc lộ số 5. Tại ga này, trước khi sang vùng địch kiểm soát, mọi hành khách đều bị lục xét tỉ mỉ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị lột quần áo để khám xem có dấu vàng và tiền Ðông Dương Ngân Hàng trong người hay không. Vàng và tiền Ðông Dương bị tịch thu hết. Nhiều người khi bị lột hết vàng và tiền đã khóc lóc quay về, không dám đi Nam khi chỉ có hai bàn tay trắng."

Cảnh Việt Minh tìm cách ngăn cản người di cư ở các nhà ga cũng được Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức viết lại trong bài "Từ Bắc Kỳ Di Cư tới Tỵ Nạn Chính Trị," phổ biến Tháng Tư, 2004: "Ngày ngồi trên xe lửa từ Hải Dương xuống Hải Phòng tôi mới thực vất vả, và chứng kiến nhiều bi hài kịch. Tàu đậu ở nhiều ga dọc theo đường số 5 để lấy thêm khách, mà hầu hết là xuống Hải Phòng để vào Nam bằng tàu biển há mồm. Cán bộ địa phương được tung ra để gây trở ngại cho người di cư. Thôi thì họ khóc lóc, níu kéo ở lại, ngăn cản người ta lên tầu. Cũng có những người lớn tiếng chửi mắng "đi liếm chân đế quốc, đi làm Việt gian cho giặc Pháp." Rồi lôi kéo đồ đạc đánh đập cho bõ ghét.

Trong “Deliver Us From Evil” tác giả Tom Dooley viết lại lời của một số người di cư từ làng Cửa Lò, Nghệ An, may mắn trốn ra được đến Hải Phòng:
“Trên những con thuyền chỉ chở tối đa là 25 người, đêm nay chúng tôi chất cả hàng trăm người. Thuyền chúng tôi lặng lẽ rời bờ, hướng về phía biển Ðông, im lặng như màn đêm. Chuyến đi kéo dài năm ngày năm đêm. Không thể đốt lửa vì củi quá ướt, chúng tôi bắt buộc phải ăn cơm sống, trà thì bị ngập nước biển không còn uống được nữa. Không ai uống nước trong suốt mấy ngày, nhiều trẻ con và đàn bà chết lả vì đói và vì khát.”
Điều này giải thích trình trạng thảm thương của họ khi đến được nơi đoàn tầu há mồm đang đợi. Bác Sĩ Tom Dooley kể lại trong hồi ký của mình, rằng ông cùng nhiều thủy thủ khác "hết sức sửng sốt khi đón đoàn người di cư đầu tiên." "Một 'tàu đổ bộ xe tăng' của Pháp đang từ từ đến gần. Nhìn vào trong, tôi giật mình hãi hùng: hơn 1,000 người đứng dúm vào nhau trên boong, chồng chất lên nhau như gà vịt trong một cái chuồng chật hẹp. Họ ướt mèm, say sóng và ngất ngư vì nắng. Họ câm nín vì sợ hãi, con nít ngồi chen chúc giữa lòng người lớn."

"Tàu Pháp đến cạnh tàu chúng tôi, một chiếc cầu thang được thả xuống boong. Người ta bảo người di cư bước lên, tôi thấy họ do dự vì sợ hãi. Sau này hỏi ra mới biết là họ đã bị tuyên truyền rằng người Mỹ man rợ và vô nhân đạo, rằng người Mỹ sẽ mang họ ra khơi để xô hết xuống biển."

Bác Sĩ Dooley kể tiếp: "Một cụ già, có lẽ là đoàn trưởng, phản ứng trước. Cụ đứng dậy một cách khó khăn. Cụ đội nón lá và cầm một cái điếu cày. Tay kia, cụ ôm chặt một khung hình đức Mẹ Maria đã sứt mẻ. Hiển nhiên đây là hai thứ rất quý giá, và có lẽ là tài sản duy nhất cụ mang theo. Cụ bước đi vài bước đầu, rất quả quyết, nhưng sau khi nhìn qua khe thang xuống mặt biển, cụ khựng lại, chân như bị đóng băng. Khi ngước lên, nét mặt nhăn nheo của cụ tỏ lộ biết bao nhiêu điều: Ðói lả, sợ hãi trước biển cả mênh mông, và hoảng sợ với tương lai bất định trước mắt. Lưng cụ còng xuống như đã phải chịu đựng một gánh nặng lâu đời, khi cụ lo lắng ngả nón ra, trên đầu cụ có từng đám chốc lở. Xương cụ giơ ra, một hình ảnh thảm hại mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trên đời. Việt Nam là thế này ư?"


Một thủy thủ trên chiến hạm USS Bayfield chia nước uống cho dân di cư trong cuộc hành trình từ Hải Phòng vào Sài Gòn, Tháng Chín, 1954. (Hình: US Navy Department)


Ký giả Gertrude Samuels viết trong phóng sự đặc biệt trên tạp chí National Geographic xuất bản Tháng Sáu, 1955, rằng, "Bệnh sốt rét và tình trạng suy yếu sức khỏe nói chung đã khiến nhiều người thiệt mạng. Tình trạng sức khỏe của nhiều người Việt Nam khi lên đến tàu há mồm của Mỹ được mô tả là thảm hại. Nhiều người đã phải liều mạng vượt những chặng đường dài rất nguy hiểm và gian nan để đến được trung tâm tiếp cư."


Trên tàu há mồm

Với người di cư, lên đến được tàu há mồm là đã vượt được hơn 2/3 chặng đường gian khổ. Với nhiều thủy thủ Hoa Kỳ phục vụ trong những chiếc tàu này, tham gia chiến dịch Passage to Freedom là một "kinh nghiệm nhớ đời."

Thủy thủ Warren Carara, phục vụ trên chiến hạm USS Skagit, kể lại: "Tôi còn nhớ mãi cái nóng kinh khủng, những con người đói lả, mùi hôi nồng nặc của khu nhà vệ sinh, và mỗi chuyến ra Hải Phòng hay vào Sài Gòn là một kinh nghiệm mới tinh khôi. Tôi nhớ đã dẫn mấy em bé trai vào nhà tắm, giúp các em tắm rửa, rồi thưởng cho các kẹo chewing gum sau khi tắm xong. Chưa thấy chewing gum bao giờ, có em nhai cả giấy."

"Nhưng nhớ nhất là khi tôi giúp một bà cụ với đôi quang gánh và hai thúng rất nặng leo lên tàu. Cụ chắc không nặng tới 36 ký, trong khi đó tôi nặng 84 ký và tự hào là mình rất lực sĩ. Nhưng đến lúc tôi cúi xuống tìm cách nâng đôi gánh lên cho cụ và xiểng liểng vì quá nặng thì mới bị... quê mặt. Dĩ nhiên hôm đó tôi bị các bạn cười cho một trận quá xá."

Một người di cư trên USS Skagit năm xưa, ký tên là Henry Ðỗ, viết: "Tôi không thể quên được giây phút đầu tiên bước lên một chiếc tàu Mỹ để vào Nam. Một thủy thủ cho tôi viên kẹo. Lúc ấy, tôi không cám ơn được bằng tiếng Anh. Trời ơi! Sao mà ngon thế. Viên kẹo ngon nhất trần đời. Hai mươi mốt năm sau, giây phút cảm động là khi tôi nhìn thấy lại viên kẹo ấy ở... đất Mỹ. Giờ đây tôi tha hồ ăn kẹo, nhưng tôi không ăn nhiều. Tôi ăn lại viên kẹo ấy chỉ vì muốn nhớ đến người thủy thủ và chiếc tàu đã đưa tôi và gia đình đến vùng đất tự do."

Ký giả Gertrude Samuels kể lại cảnh chiến hạm USS Mountrail đón người ở Hải Phòng: "Gần tàu, những biểu ngữ lớn đón chào đoàn người di cư bằng 3 thứ tiếng: "Good luck on your passage to freedom." Chúc bạn may mắn trên đường tìm tự do. Thiện nguyện viên trao cho mỗi gia đình một gói quà đón mừng, gồm xà phòng, khăn tắm, kem đánh răng và những hộp sữa có dòng chữ 'Món quà từ người dân Hoa Kỳ đến người dân Việt Nam.' Nhưng chẳng ai có vẻ để ý đến biểu ngữ, họ nhận món quà mà không phản ứng gì, như thể những gì xảy ra trong thời gian qua đã làm họ mất hết cảm xúc."

Bác Sĩ Tom Dooley, với ngòi bút tỉ mỉ của người viết nhật ký, ghi lại từng chi tiết hành trình vào Sài Gòn của chiến hạm USS Montague: "Nhiều người trong số họ mang trên vai quang gánh bằng tre với hai chiếc thúng lớn chứa đầy đồ. Toàn bộ tài sản của họ được chứa trong quang gánh ấy. Thường là một ít quần áo, bát ăn cơm, đũa, một vài bức tượng, hay hình ảnh tôn giáo. Nhiều người sợ đến nỗi không giám nhìn thẳng vào mặt chúng tôi. Có người vừa gánh quang gánh vừa cõng con trên lưng, ngay cả trẻ em cũng đứa lớn bồng đứa bé. Trẻ em trông thật hồn nhiên, nhưng cũng thoáng nét sợ hãi."

"Hiểu được hành trình nguy hiểm và khó khăn họ vừa vượt qua, chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy chẳng ai cười. Già trẻ theo nhau leo cầu thang, rồi lọt thỏm vào bụng khổng lồ của chiến hạm với những gánh hành lý tội nghiệp. Khó mà diễn tả được nỗi ấm lòng, khi vài giờ đồng hồ sau, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy được lác đác những nụ cười e thẹn, trước tiên là ở trẻ em, rồi sau đó cả những người lớn tuổi. Dường như hành khách của USS Montague đang bắt đầu bình tâm."

"Chúng tôi báo cho nhà bếp biết họ hân hạnh được nấu cơm cho hơn 2,000 hành khách. Một số thanh niên Việt Nam trông khỏe mạnh và tươm tất được chọn để phụ dọn thức ăn. Chúng tôi dự định chỉ phục vụ ngày hai bữa ăn, nhưng bữa ăn nọ dính vào bữa kia, thành thử hàng người đứng chờ lấy phần ăn dài liên tục suốt ngày."

"Thoạt tiên nhà bếp nấu cơm theo kiểu Mỹ, tức là cơm rời từng hạt, nhưng hơi ngượng khi thấy không người Việt Nam nào thích ăn cơm nấu như vậy. Chúng tôi nhanh chóng mời một hai người Việt vào bếp phụ nấu cơm, và từ những bữa ăn sau đó, họ ăn một cách thích thú, và sau khi no nê, còn nắm thành từng nắm bỏ vào túi xách, để dành."

Cái nóng như thiêu đốt của Việt Nam, cộng thêm số lượng người quá lớn trên tàu, gây nên nhiều cảnh thương tâm trên hành trình đi về phương Nam.


Người di cư lên tàu há mồm tại Hải Phòng để được đưa vào Nam theo chiến dịch 'Passage to Freedom' của Hải Quân Hoa Kỳ năm 1954. (Hình: US Navy Department)


Bác Sĩ Dooley kể: "Cái nóng làm chúng tôi khó thở, và mùi hôi xông lên nồng nặc. Mọi người ói mửa khắp nơi trên tàu. Không ai biết dùng hệ thống nhà vệ sinh mà Thuyền Trưởng Cox đã khổ công sáng chế. Kéo tôi qua một bên, Thuyền Trưởng Cox chỉ vào những nhóm người đang ngồi xổm thay vì đặt mông vào những vòng tròn mà ông đã bắt các thủ thủy cắt đóng, và dùng giấy nhám làm cho nhẵn. Quên mất cấp bậc của mình, tôi bật lên cười ngặt nghẽo. Ðó là thói quen của họ, chúng tôi không thể làm gì được."

"Tôi săn sóc bệnh nhân gần như đằng đẵng suốt ngày. Chẳng bao lâu, tôi tuyển mộ được vài em trẻ tuổi giúp mình, và sau một vài chỉ dẫn đơn giản, các em đã trở thành những phụ tá đắc lực, nhanh nhẹn trong việc phát thuốc, lau vết thương, thậm chí cả bôi thuốc đỏ vào đúng chỗ."

Sự khác biệt văn hóa cũng là một vấn đề của chuyến hải hành. Vẫn theo Bác Sĩ Dooley, "thuyền đi chưa được bao lâu, một binh sĩ hải quân cho tôi biết ở khu thứ 5 (kho chứa thứ 5) có một em bé sắp chết, hình như vì bị dịch tả. Em qua đời trước khi tôi kịp xác định đúng là em bị dịch tả. Ðể giữ an toàn cho mọi người, chúng tôi quyết định cử hành thủy táng ngay lập tức, và quyết định này suýt nữa khiến hành khách trên tàu nổi loạn. Thân nhân của bé thi nhau đòi nhảy xuống biển theo xác con em. Phải mất ba bốn người thủ thủy lực lưỡng mới giữ họ lại được. Tôi nhờ người thuyết phục họ uống trà, và chỉ vài phút sau họ ngủ gục thanh bình trên boong tàu. Tôi đã lén bỏ vào trà của họ một ít thuốc an thần."

"Ðể cuộc hành trình bớt phần tẻ nhạt, chúng tôi tổ chức cuộc thi hoa hậu, rồi thuyền trưởng chọn một bà di cư làm "Hoa Hậu của Hành Trình Tự Do." Hoa hậu được mặc áo choàng trắng lấy từ phòng y tế, đội vương miện do các chàng trai trong toán kỹ thuật sáng chế, ngồi trên ngai vàng do toán thợ mộc đóng, và được nhà bếp tặng thêm một phần trái cây. Tất cả những ưu đãi này làm hoa hậu đẹp lòng, và hoa hậu thưởng chúng tôi bằng nụ cười tươi, khoe hàm răng đen nhánh và đôi môi đỏ rực vì vôi ăn trầu."

"Sau vài ngày thì hầu như các em đều bu lấy các thủ thủy trẻ và nhìn mọi việc làm với những đôi mắt vừa tò mò vừa thích thú và những tràng cười giòn giã. Nếu quên đi hoàn cảnh của các em, chúng tôi ngỡ đã có lúc thoáng thấy hạnh phúc trên những khuôn mặt non trẻ. Tại sao không nhỉ? Cả đời các em chưa bao giờ được những người thủ thủy to lớn mặt đỏ gay vì nắng, ra sức cưng chiều."

"Rồi tự nhiên có một hiện tượng lạ, bánh mì, kẹo, nước ngọt không biết ở đâu xuất hiện. Hóa ra các thủ thủy thi nhau vào nhà kho xin thực phẩm để săn sóc các em của mình. Hình ảnh một người thủ thủy nổi tiếng là nóng tính và cộc cằn đang bồng một đứa bé khoảng bốn năm tuổi, tung em lên không cho em cười ngặt nghẽo, rồi đút một cây kẹo Baby Ruth vào cái miệng đầy răng sún của em, khiến tôi xúc động. Tình người vượt được mọi biên giới."

"Mỗi buổi sáng sớm trong hành trình ba ngày của chúng tôi, một vị linh mục làm lễ, và tự nhiên nhìn cảnh những người tị nạn đáng thương quỳ gối làm dấu, cầu nguyện rồi cất tiếng hát để cám ơn Thiên Chúa của họ, tôi chảy nước mắt. Chúa của họ có lẽ lúc này đang bận rộn ở đâu nên mới để họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn này. Nhưng niềm tin tôn giáo mãnh liệt của họ làm chúng tôi thấy mình nhỏ bé trước thượng đế."


Cập bến tự do

"Gần trưa của ngày thứ ba lênh đênh trên biển, chúng tôi đã đến sông Sài Gòn. Vài giờ sau, USS Montague cập bến."

"Chia tay thủ thủy đoàn đã chinh phục được cảm tình của họ chỉ trong hành trình ba ngày ngắn ngủi, đoàn người tị nạn mệt mỏi nhưng có vẻ tỉnh táo hơn trước đây, líu ríu theo chân nhau xuống thuyền. Chúng tôi lại giúp đưa quang gánh và thúng mủng của họ xuống. Nhiều bà mẹ chuyền con xuống trước. Nhưng đa số các trẻ em ôm chặt lấy người thủ thủy ưa thích của mình đến giây phút cuối cùng. Chúng tôi chờ cho hành khách tị nạn được phái đoàn giúp định cư đến đón rồi mới chuẩn bị quay tàu trở lại hướng Hải Phòng. Hành trình ba ngày vừa đủ thời gian cần thiết để thủy thủ đoàn tổng vệ sinh tàu trước khi đón loạt hành khách thứ hai."


Bác Sĩ Tom Dooley săn sóc các người tị nạn trong một trại tị nạn tại Hải Phòng, 1954. (Hình Người Việt, chụp từ cuốn "Deliver Us From Evil" của Bác Sĩ Tom Dooley)

"Hơn 2,000 hành khách đầu tiên của USS Montague đã đến bờ tự do. Giây phút lịch sử này, của đời họ, và của Việt Nam, chỉ có đám thủ thủy chúng tôi và bờ sông Sài Gòn chứng kiến."

Ngày 13 Tháng Năm, 1955, thành phố Hải Phòng bị Việt Minh tiếp thu. Khi những người lính Pháp cuối cùng rời vịnh Hạ Long ngày 22 Tháng Năm, 1955, Việt Minh hoàn toàn làm chủ miền Bắc.

Ðó cũng là thời điểm chấm dứt thời hạn 300 ngày mà người miền Bắc có thể tự do vào Nam. (H.G.)

0 comments :

Post a Comment