Jul 11, 2014

Trang giấy, đấy mới là chiến lũy thật sự của người cầm bút.

Di sản của người kể chuyện 
 
Nguyên Ngọc
 
       Những người gần gũi anh Tô Hoài thường nhận ra trên khuôn mặt hiền lành của anh một nụ cười mỉm, gần như thường trực, hóm hỉnh, nhìn kỹ hơi mệt mỏi và pha chút mỉa mai. Vì sao? Theo tôi, vì anh biết rất nhiều. Nụ cười mỉm của người biết rất nhiều, nụ cười mỉm mỉa mai của người biết quá nhiều. Quá nhiều “sự đời”. Tôi nghĩ rằng Tô Hoài đã tổ chức cuộc đời mình một cách rất có ý thức để có được hiểu biết như vậy. Thời chống chiến tranh phá họai ở miền Bắc, rồi nhiều chục năm sau chiến tranh, Tô Hoài đã xung phong làm tổ trưởng tổ dân phố ở một phường trung tâm Hà Nội. Có lẽ anh là người tổ trưởng tổ dân phố kỳ cựu nhất nước ta. Lặng lẽ, kiên nhẫn, chăm chỉ, trường kỳ. Quả không còn có vị trí nào hay hơn để quan sát cuộc sống thật của xã hội, thấy, nghe, thở, thậm chí sờ mó được hiện thực cụ thể, biết được muôn nổi thế thái nhân tình, thuộc được vô số chân dung con người trong tất cả các kiểu loại khác nhau, nếm trải tận cùng và rất thật cái mà phần lớn những người cầm bút chúng tôi, lãng mạn và trừu tượng, chúng tôi gọi to tát là “không khi thời đại”. Có lần anh làm đến ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; anh đi họp rất đều, chẳng vắng buổi nào, theo tôi đấy cũng là một thứ “tổ dân phố” thú vị nữa của anh. Tô Hoài là một trong  những nhà văn hiện thực lớn nhất, chăm chỉ nhất của văn học Việt Nam, và cực kỳ chuyên nghiệp trong tư cách đó. Nhẹ nhàng, thoạt tưởng tự nhiên như không, kỳ thực anh thiết lập trạm quan sát của mình trong cuộc sống hết sức chặt chẽ, chuẩn xác. Từ cái vọng hải đài độc đáo đó, anh soi một cái nhìn chăm chú suốt gần thể kỷ vào bể lớn của xã hội và cuộc đời.
        Có lần tôi viết về đôi mắt “nheo nheo đến là tọc mạch” của anh khi trong một trang hồi ký anh hóm hỉnh kể một chuyện riêng đã cũ của tôi mà anh cũng có dính dấp đôi chút - trong vụ này anh và tôi có thể là đồng bệnh tương lân! -, anh đọc và cười bảo: “Giỏi đấy!”.  Gần trăm tuổi, đến tận buổi “Chiều chiều” của cuộc đời, anh vẫn còn nguyên cái nhìn tươi rói thuở “Dế mèn phiêu lưu ký”. Đôi mắt Tô Hoài rất lạ: vừa thâm trầm, đến hiền minh, cả mệt mỏi vì từng trải, vừa long lanh tò mò như mắt trẻ con, vừa đạt đến cái bao quát chỉ có được của người đã đủ độ thời gian, đủ độ sống để có thể lùi lại, đứng ra bên ngoài đôi chút đặng nhìn được rộng và xa, vừa vẫn cực kỳ cụ thể, chăm chú, vẫn còn giử được sức ngạc nhiên trước từng chi tiết sống động của cuộc đời. Nguyễn Thành Long, người tự coi là học trò nhỏ của Tô Hoài, thường thích kể mỗi lần ba lô lên vai “đi xuống thực tế” thầy Tô Hoài bao giờ cũng chỉ dặn đi dặn lại mỗi câu: “Long, nhớ nhé, chi tiết! chi tiết! chi tiết! …”. Phương châm quan sát cuộc sống và viết của Tô Hoài: chi tiết là tất cả, không có chi tiết cụ thể, độc đáo, thật sắc, thật riêng biệt, thì không có gì hết! Không có cái thời đại to tát chung chung, thời đại là làm bằng những chi tiết cụ thể, riêng biệt, mỗi lần lại riêng biệt, sống động, ít nhất đối với văn học, với nhà văn là như thế, phải là như thế. Như một nhà văn lớn, Tô Hoài là người yêu say đắm cuộc sống cụ thể. Anh khao khát suốt đời được biết tường tận cuộc sống trong từng chi tiết rất riêng, đến nhỏ nhất của nó. Anh tin rằng tinh chất của cuộc sống nằm sâu ở đó.      
         Và đấy là một người lao động chân chính, có lẽ là một người lao động cần mẩn nhất của nước ta trong suốt gần thế kỷ qua. Bạn bè đều biết câu nói này của anh: “Mình như người thợ mộc, đục đẽo suốt ngày, ngày nào cũng đục đẽo, từ sáng đến tối. Đêm nữa. Ngày nào cũng làm ra đôi thứ đồ gỗ thông thường, khi cái ghế đẩu, khi cái đòn kê, khi cái thước học trò … May ra thỉnh thoảng được một món đồ mỹ nghệ. Và cả đời giỏi lắm trời cho được đôi ba cái có thể gọi là tác phẩm nghệ thuật …”. Tô Hoài là người biết và hiểu tường tận nghề văn, vui và buồn, vinh và nhục của nó. Nên không bao giờ anh to tiếng về cái nghề này. Anh hiểu đây là một nghề thủ công, tỉ mỉ, nhọc nhằn, dù khi đã có những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất thì cơ bản vẫn là một nghề thủ công. Mãi mãi là nghề thủ công. Người viết vừa phải có cái phóng khoáng đôi khi đến bất cần của người đứng trên cao và nhìn xa, vừa phải có cái chăm chú đến tận đáy của sự sống cụ thể. Mà anh cũng xuất thân là thợ thủ công, người hiểu đến cùng các vật liệu, suốt đời mân mê nó trong đôi bàn tay đã bị nó làm cho chai sạn, sứt mẻ, sần sùi. Người biết nghe được tiếng nói của vật liệu trong tay mình. Hiểu được quy luật do nó sản sinh ra. Và nghe được, hiểu được, để làm được cái việc quan trọng  nhất vì nó mà anh đã sinh ra trên đời này: kể chuyện. Nhà văn được sinh ra là để kể chuyện, thế thôi. Bởi con người biết được nhiều chuyện, có được nhiều chuyện kể, càng nhiều thì càng có nhiều khả năng đến với đồng loại hơn. Sẽ vô cùng đáng sợ nếu cuộc sống không có những câu chuyện của người khác mà ta được nghe kể, được trở thành của chinh ta … Anh cũng là người đã đi qua gần hết tất cả các giai đoạn của văn học Việt Nam hiện đại, biết các bước trầm luân trôi nổi của nó, những mạnh yếu của nó, thân phận và số phận của nó. Cho nên anh rất ít to tiếng. Anh chăm chỉ sống, để chăm chỉ kể. Chăm chỉ kể lại, cố gắng trung thực nhất, cho người đời, cho nhân dân của mình, cho thế giới nữa, về cuộc sống này, con người này, đất nước này …
      Vậy đó, Tô Hoài, người kể chuyện Việt Nam hay nhất của thời chúng ta. Câu chuyện Việt Nam. Có người nhận xét, so với một số người cầm bút khác, Tô Hoài ít khi xông pha vào các cuộc đấu tranh xã hội trực tiếp. Vậy mà, nhìn lại kỹ mà xem, con người sống gần như thủ thỉ ấy, thủ thỉ sống và thủ thỉ nói, lại có cái quyết liệt của riêng anh. Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Truyện ba người … dấn thân bằng văn học, theo cách của văn học, bằng cách chỉ có văn học mới làm được, dũng cảm trên chính ngòi bút của mình. Cứ như Tô Hoài muốn nói: trang giấy, đấy mới là chiến lũy thật sự của người cầm bút.
     Hôm nay người kể chuyện hay nhất của thời chúng ta đã ra đi. Cái chết đã chộp được anh. Cách đây mấy năm nó đã vồ hụt anh một lần. Lần ấy có người báo tin Tô Hoài đã hôn mê, tôi vội chạy vào bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Tô Hoài vừa tĩnh, anh nắm chặt tay tôi cười: Thoát rồi, thoát được keo nữa rồi. Mấy hôm nữa về mình sẽ viết, nghĩ xong đâu đó trong đầu rồi, chỉ còn viết ra giấy thôi, truyện ngắn nhé - anh khoe -, đặt cả tên rồi, sẽ có tên là Dế mèn tự cứu, thích không? … Hôm ấy anh vui như một đứa trẻ tinh nghịch khoe rằng mình đã đánh lừa được … thần Chết!...
        Gabriel Garcia Markez, nhà văn Nobel khổng lồ của Colombia, có lần tâm sự rằng ông rất sợ chết. Đúng hơn, ông nhất thiết không muốn chết. Ông có một cuốn hồi ký tên là Sống để kể chuyện. Cả đời ông chỉ làm mỗi việc ấy: kể chuyện. Ông buồn rầu nói: Chết sẽ là câu chuyện duy nhất tôi không còn kể lại được cùng các bạn!
       Lần trước Tô Hoài đã thoát được và đã hóm hỉnh kể lại cho ta vụ Dế Mèn tự cứu. Lần này, vụ này, anh không còn kể được nữa. Tô Hoài ơi, xin anh đừng buồn. Bao nhiêu câu chuyện anh đã chuyên cần, vô cùng hết mình chuyên cần sống, để chuyên cần và tài năng kể lại cho chúng tôi một cách tuyệt diệu, vẫn còn mãi đó, sống động, như một sức mạnh bền bỉ của chúng tôi, trong cuộc xoi đường đi tới gian nan, hiểm trở hôm nay.
     Không ai, không gì giết chết được những câu chuyện đã được kể, bằng cả một đời tâm huyết, và bởi một nhà văn tài năng.
                                                                            
                                                                                               7 – 7 - 2014

0 comments :

Post a Comment