WESTMINSTER, Calif (VN) - Thoạt nhìn, bìa cuốn "Lửa Cháy Trong Mưa," với khuôn mặt một phụ nữ tóc ướt đẫm dưới làn mưa, giọt lệ trên má, và những ngọn lửa cháy phần phật chung quanh, khiến người ta tưởng nhầm đây là một "tiểu thuyết lá cải," nhưng khi lật thử vài trang, sẽ ngạc nhiên thấy cuốn sách hoàn toàn liên quan đến lịch sử Việt Nam từ thời bà Trưng, bà Triệu đến hiện đại, và cả một nước Việt tự do dân chủ trong tương lai.
Lửa Cháy Trong Mưa được tác giả, ông Cao Đắc Tuấn gọi là một "tiểu thuyết lịch sử," và cho biết để hoàn thành nó, ông đã phải bỏ nhiều thời gian tìm tòi nghiên cứu, để viết sao cho thật "chính xác" lịch sử Việt Nam, qua nhiều nguồn tài liệu như sách, các bài báo, tạp chí, và nhiều công trình học thuật khác.
Đặc biệt, Lửa Cháy Trong Mưa được viết trước bằng tiếng Anh với tựa đề: "Fire in the Rain" rồi sau đó mới được (chính tác giả) dịch ra - viết lại - bằng tiếng Việt.
Tác giả Cao Đắc Tuấn giải thích với nhật báo Người Việt rằng ông viết bằng tiếng Anh vì "một phần muốn nhắm vào những độc giả trẻ, không rành tiếng Việt, phần khác vì viết tiếng Anh có phần ... dễ hơn cho tôi, vả lại cũng muốn giới thiệu lịch sử việt Nam cho thế giới biết."
Cả hai phiên bản Anh (khoảng 450 trang) và Việt (khoảng 500 trang) đều do Hell Gate Press xuất bản.
Bày tỏ niềm vui cuối cùng sách được Hell Gate Press nhận xuất bản sau khi bị bao nhiêu nơi khác khước từ, ông nói:
"May quá tôi tìm được một nhà xuất bản chuyên về những tác phẩm quân sự nên sách mới được in."
Thật ra việc sách được in, không phải là sự may mắn của tác giả, mà của biết bao người trẻ gốc Việt sống ở Hoa Kỳ không đọc được tiếng Việt, và của các bậc cha mẹ muốn con mình hiểu hơn về lịch sử nước nhà.
Bằng lối xây dựng những nhân vật hư cấu và tiểu thuyết hóa những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, bằng lối viết đơn giản và sống động, tác giả đưa người đọc làm một cuộc hành trình thú vị theo dòng lịch sử Việt Nam, bằng cách khéo léo chuyển các sự kiện có thật của đất nước thành một thiên anh hùng ca và sống động như một cuốn phim hấp dẫn, đầy "action" mà cũng đầy tình cảm.
Lửa Cháy Trong Mưa hay "Fire in the Rain" là tuyển tập 11 truyện ngắn nói về những mốc quan trọng trong lịch sử của Việt Nam, bao gồm một khoảng thời gian hơn 2,000 năm. Này là chuyện ngắn về cuộc nổi dậy dành độc lập của Hai Bà Trưng, chuyện về trận Bạch Đằng Giang với Ngô Quyền, chuyện bà Bùi Thị Xuân bị xử trảm do chính con voi mình thường cưỡi ra trận giết chết, cuộc thảm sát Mậu Thân với những kẻ nằm vùng đưa bộ đội vào thành phố Huế giết hại dân, chuyện các vị tướng Việt Nam tuẫn tiết sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, và cảm động nhất là buổi gặp gỡ tình cờ giữa một cựu sĩ quan quân lực VNCH và một người lính Mỹ trước kia từng tham dự trận đánh với ông ở Huế.Tác giả Cao Đắc Tuấn miêu tả nhân vật của mình với con mắt sắc sảo, đôi khi lột tả tâm lý nhân vật hay nói lên toàn cảnh chỉ bằng một câu văn ngắn gọn, hay một đoạn đối thoại.
Hình bìa cuốn tiểu thuyết lịch sử "Lửa Cháy Trong Mưa" của tác giả Cao Đắc Tuấn. (Hình: Người Việt)
|
Hãy đọc thử vài câu trong chuyện ngắn thứ nhất, trong đó hai cựu quân nhân Việt và Mỹ, sau khi tình cờ gặp lại nhau ở quận Cam đã trở thành thân thiết. Thấy bạn ở trong một tâm lý bế tắc, một mặt thì luôn hướng lòng về quê hương, mặt khác hết sức chán nản về tình hình ở Việt Nam, và thề không bao giờ trở lại quê nhà, người bạn Mỹ khuyên:
“Nếu anh thực sự quan tâm đến hàng triệu trẻ em ở Việt Nam và thế hệ tiếp theo, anh không thể chỉ nói mà thôi. Khi tôi nói chiến tranh chưa kết thúc, tôi có ý nói là chiến tranh ý thức hệ. Những người cộng sản chiến thắng quân sự, nhưng họ không nhất thiết thắng được trái tim của dân. Anh vẫn có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam nếu anh thực sự muốn đạt được chiến thắng.”
Và:
“Tiếng nói của các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam giống như những đốm lửa. Khi một đốm bị dập tắt, một đốm khác sẽ bốc lên. Chẳng bao lâu, những đốm lửa đó sẽ kết hợp lại thành những ngọn lửa. Cuối cùng, những ngọn lửa sẽ hợp nhất thành một cơn lửa đốt cháy với một cường độ mà không gì có thể dập tắt được.”
Và một đoạn trong chuyện kể lại Hội Nghị Diên Hồng vào mùa Thu năm 1284:
"Đánh! Đánh! Đánh!
Âm thanh vang dội trên Thăng Long thành, lan tràn qua các đường phố trên nội thành và ra cả đến ngoại thành, nơi thường dân sống. Mọi người dừng hoạt động và nhìn về phía cung điện với vẻ mặt hoảng kinh. Họ biết về Hội Nghị Diên Hồng và sắc lệnh của Thái Thượng Hoàng. Nhưng họ không ngờ nghe tiếng các bô lão trong cơn bùng nổ kỳ diệu như vậy.
Đánh! Đánh! Đánh!
Tiếng hét rung chuyển bầu không khí với một nhịp điệu rõ ràng, như thúc dục lòng người..."
Và một đoạn trong chuyện Tiếng Khóc Vùi Chôn, về cuộc thảm sát Mậu Thân:
“Tên VC trong bộ bà ba đen giơ súng và bắn một phát độc nhất vào mặt người đàn ông đang đứng ở đầu chuỗi người. Ông ta ngã xuống rãnh, không một tiếng kêu, kéo những người khác theo với ông. Một người ngã, người kế tiếp ngã theo, và mọi người còn lại rớt xuống rãnh. Họ gào lên nhưng tiếng la hét của họ bị bóp nghẹn bởi giẻ nhét trong miệng thành những tiếng ú ớ.
“Lấp hố mau! Tên VC áo trắng quát với đám trẻ.
Phú cứng người. Nó không cử động được. Mấy đứa kia đứng chết sững.
Mấy tên VC chọc AK-47 vào đám trẻ. Tên VC áo trắng quất lưng Phú với báng súng. “Làm đi, nếu không tao bắn!”
“Không,” Phú la lên.
Tên VC áo trắng giơ cây AK-47 lên và nhắm vào đầu Phú. “Tao làm thiệt đó, lấp hố!”
Phú nuốt ực. Nó đẩy cái xẻng vào đống đất mới đào, cầm cán trong một tay và lau mắt bằng tay kia, ấn cạnh xẻng với bàn chân, kéo nó ra với nắm đất, và hất vào rãnh. Mắt nó mờ đi, tai nó ù lên. Nhưng nó cứ xúc mạnh và hất.
Một nơi nào đó ở xa xa, một tiếng nổ vang lên trong màn đêm yên tĩnh.”
Và còn nhiều đoạn nữa đáng được trích dẫn...
Nói tóm lại, nếu đo lường sự hữu hiệu của sách trong việc muốn thế hệ trẻ gốc Việt hiểu lịch sử Việt Nam thì có lẽ tác giả Cao Đắc Tuấn đã thành công, vì mới chỉ đọc qua vài chuyện, ý nghĩ đầu tiên của người giới thiệu sách là "phải bảo con trai minh nó đọc."
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
0 comments :
Post a Comment