LGT: Ông Trần Lê Quang, tốt nghiệp trường Cầu Đường (École des Ponts et Chaussées, Paris) của Pháp. Trở về nước, ông đã làm Tổng Giám Đốc Công Quản Hỏa Xa trong 5 năm (1951-1956), làm Bộ trưởng Bộ Công Chánh trong 4 năm, từ cuối năm 1956 đến cuối năm 1961, rồi làm Bộ trưởng Bộ Cải-Cách Điền-Điạ trong 3 năm, cho tới đầu năm 1964.
Trong khi tại chức Bộ-Trưởng Công-Chánh, ông đã khởi xướng nhiều dự án quan trọng tại miền Nam Việt-Nam, như Thủy-Điện Danhim, Xa-lộ Saigon-Biênhoà, Dự-Án đem nước sạch từ Sông Đồng-Nai, Biên-Hoà cung-cấp cho Thủ-Đô Saigon/Chợ-Lớn, Nhà máy Xi Măng Hà-Tiên, Đường bay dài 3,000 m. bằng béton tại Phi-Trường Tân-Sơn-Nhứt/Saigon với đặc-tính kỹ-thuật thích-nghi cho máy bay phản-lực hạng nặng, ngày nay còn đang sử-dụng nguyên-trạng không thay đỗi, ngoại trừ Ga Hàng-Không đã được canh-tân, v.v…
Ngày 2 tháng 10 năm 1960, Ông được Tổng Thống Ngô Đình Diệm giao trọng-trách Bộ Đặc-Trách Cải-Tiến Nông-Thôn. Bộ này bao gồm trách-nhiệm của Phủ Tổng-Uỷ Dinh-Điền trước-kia thuộc Phủ Tổng-Thống, hai bộ cũ, là Bộ Canh-Nông, Bộ Cải-cách Điền-Địa, và Ngân-Hàng Nông-Nghiệp.
Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại hồi cuối năm 1963, Ông thôi việc Chính-Phủ.
Sang đến năm 1964, ông được ra nước ngoài và làm việc với Liên Hiệp Quốc, cơ quan UNDP (United Nations Development Program), vào giữa năm 1965 với tư cách chuyên-viên. Địa bàn hoạt động của ông bắt đầu tại nước Phi-Châu Congo-Kinshasa, sau đó và phần lớn tại vùng Trung-Đông (Middle East) với các quốc gia Ả Rập tại điạ-phưong, như Lebanon, Syria, Jordanie, v.v. Ngoài ra ông cũng đã làm việc trong 3 năm với cơ quan Phát-Triển Kỹ-Nghệ của Liên-Hiệp-Quốc, UNIDO (United Nations Industrial Development Organization) tại Vienne, Áo-Quốc.
Hiện nay ông Trần Lê Quang và gia đình sinh sống tại Mountain View, California.
Ông Trần Lê Quang với tư cách là Bộ Trưởng của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước kia, hẳn phải rất quen thuộc với Dinh Độc Lập, là nơi làm việc và cư ngụ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong bài viết, tác giả đã nêu lên vài khía cạnh rất độc đáo, rất ít người biết về sự tích Dinh Độc Lập.
Đào Viên
Dinh Độc Lập Saigon và thuyết Phong Thủy
***
Dinh Độc-Lập, thời Pháp-thuộc gọi là Palais Norodom, là tư-dinh của Quan Thống-Đốc (Gouverneur) của Thuộc-Địa Pháp tại phần Nam của nước Việt-Nam, mà Pháp-thuộc gọi là Cochinchine
Palais Norodom được bắt đầu xây-dựng năm 1868 do Thống-Đốc Pháp Lagrandière, với sự thiết-kế của Kiến-Trúc-Sư Pháp Hermite, để thay-thế một Dinh củ bằng gổ đã có từ trước. Vật-liệu xây-cất, phần lớn nghe đâu nhập-cảng từ nước Pháp, ngoại trừ một miếng đá xanh lớn, đem tới từ Biên hoà, trong đó KTS Hermite có cho chôn cất để làm kỷ-niệm, vài đồng-tiền vàng của Pháp, thời Napoléon.
Tên « Palais Norodom », có lẽ là vì Dinh nằm tại đầu một Đại-Lộ mà Pháp-thuộc gọi là Boulevard Norodom. Ngoài ra, Dinh không có liên-hệ nào với Vua Norodom của nước láng giềng Kampuchéa.
Sau thời Pháp-thuộc, tức là sau trận-chiến Điện-Biên-Phủ ngày 05 tháng 7 năm 1954, Hiệp-Định Genève phân chia lãnh-thổ Việt-Nam làm đôi. Chánh-Phủ Việt-Nam Cộng-Hoà tiếp-thu phần Việt-Nam phía Nam Vĩ-Tuyến số 17. Palais Norodom được Chính-Phủ VN tiếp-thu và đổi tên lại là Dinh Độc-Lập, làm nơi tư-dinh, trước-tiên cho Thủ-Tướng, rồi sau đó cho Tổng-Thống Việt-Nam Cộng-Hòa.
Ngô-Đình-Diệm là Tổng-Thống đầu-tiên của Việt-Nam Cộng-Hoà, cư-ngụ tại Dinh Độc-Lập.
Tôi được biết lần đầu tiên, thuyết Phong-Thủy liên-quan tới Dinh Độc-Lập trong trường-họp sau đây:
Năm 1957, nhân-danh Bộ-Trưởng Công-Chánh của Chính-Phủ Việt-Nam Cộng-Hòa, tôi phụ-trách quản-lý chung với Viện-Trợ Mỹ, Dự-Án thiết-kế và xây-cất Xa-Lộ Saigon/Biên-Hòa.
Chuyên-viên Mỹ phụ-trách thiết-lập sơ-đồ của Xa-Lộ đề-nghị vị-trí cho đầu Xa-Lộ tại Saigon, là tại đầu Đại-Lộ Thông-Nhất (trước đó là Đại-Lộ Norodom, sau năm 1975 đặt tên lại là Đại-Lộ Lê-Duẩn), gần Vườn Thú/Bách-Thảo Saigon.
Vi-trí đó có thể kết-nối dễ-dàng, xuyên qua Vườn Thú, với cầu Sông Saigon, cách đó không xa. Hơn nửa, vi-trí đầu đường Norodom/Thống-Nhứt khá rộng-rãi, có thể giúp trang-bị một đầu Xa-Lộ với 4 lằn xe phân-đôi và các đường xe ra-vào cần-thiết, rất huy-hoàng và thuận-lợi.
Khi tôi đem trình cho T.T. Diệm ý-kiến về vị-trí đầu Xa-Lộ như nói trên, Ông phản-kháng ngay, cho rằng nếu như vậy Xa-Lộ sẽ đâm thẳng vào Dinh Độc-Lập, tại đầu kia của Đại-Lộ Thống-Nhứt. Đó là một sự-kiện tối-kỵ theo thuyết Phong-Thủy cho một Dinh của Tổng-Thống.
Tưởng cũng nên nhắc lại là Palais Norodom đã có từ hồi thời Pháp-thuộc, và Đại-Lộ Norodom từ lâu đã đâm thẳng ngay vào mặt tiền của Dinh. Nhưng Pháp-thuộc lẽ cố-nhiên không bị chi-phối bởi thuyết Phong-Thủy, nên tình-thế Dinh bị một Đại-Lộ đâm ngay vào giữa Dinh, không thành vấn-đề đối với Pháp-Thuộc.
Đối với Việt-Nam và thuyết Phong-Thủy, tuy trở-ngại nói trên đã có từ lâu, nhưng chưa bao-giờ được Chính-Phủ Việt Nam hay T.T. Diệm nêu ra, hoặc tìm cách giải-quyết, trước khi hôm có vấn-đề Xa-Lộ Saigon-Biên/Hoà như nói trên.
Tôi phải trở lại thu-xếp với các chuyên-viên Viện-trợ Mỹ, tìm một vị-trí khác cho đầu Xa-Lộ. Rốt cuộc, chúng tôi phải chọn đầu Đường Phan-Thanh-Giản tại Dakao (nay là Đường Điện-Biên-Phủ).
Rất tiếc, đường Phan-Thanh-Giản là một đường rất chật hẹp (ngày nay đường Điện-Biên-Phủ là đường một chiều), không thế nào mở rộng thêm ra mặt đường phía Saigon, để thích-nghi trang-bị cho một đầu Xa-Lộ, với các tiện-nghi ra vào cần-thiết.
Hơn nữa đoạn Xa-Lộ kế-tiếp, phía bên Gia-Định/Bà-Chiểu, từ Kinh Thị-Nghè cho tới cầu Sông Saigon, phải đi theo một vòng khá dài, xuyên qua một khu dân-cư lúc bấy giờ rất đông-đúc. Sự-kiện đó thế nào cũng sẽ gây nhiều trở-ngại cho tốc-độ tương-đối cao, của các xe luu-chuyển trên một Xa-Lộ.
Sau năm 1975, khu dân-cư đông-đúc phía Gia-Đình/Bà-chiểu nói trên được giải-toả và mở rộng ra, trang-bị cho một đầu Xa-lộ khác, Xa-Lộ Sô-Viết/Nghệ-Tỉnh, đi từ một đường khác, Nguyễn-Thị Minh-Khai, từ Saigon hướng về Thủ-Dầu-Một, để dùng chung với Xa-Lộ hướng về Biên-Hoà. Nhờ đó, sự lưu-thông ngày nay trên Xa-lộ Saigon/Biênhoà, tại khu Gia-Định/Bà-Chiểu, cũng may được cải-thiện một phần nào.
Nhưng phía Saigon, đầu đường Điện-Biên-Phủ vẫn còn chật-hẹp như củ. Sự trở-ngại đó khiến cho ngày nay, các xe đi từ Saigon, muốn vào đầu Xa-lộ tại Cầu Sông Saigon, thay vì theo đầu đường Điện-Biên-Phủ, thường đi vòng quanh trên đường Tôn-Đức-Thắng cạnh Sông Saigon, qua sau Sở Ba-Son, rồi theo đường Nguyễn-Hữu-Cảnh, một đường chật-hẹp, xây cất rất thô-sơ khi xưa, triền-miên bị sụp lở, trước khi tới được Cầu Sông Saigon và đầu Xa-Lộ.
Tuy-nhiên, sự phản-kháng nói trên của TT. Diệm, thật-sự chỉ là một trở-ngại đầu tiên mà thôi, do thuyết Phong-Thủy gây ra cho Dinh Độc-Lập. Dinh Độc-Lập còn phải trải qua nhiều giai-đoạn gian-truân khác nữa, trong thời-gian kế-tiếp cho tới ngày nay.
Ngày 27-02-1962, Dinh Độc-Lập phải đương-đầu với một vụ ám-sát hụt:
Hai Sĩ-quan Không-Quân Việt-Nam, Phạm-Phú-Quốc và Nguyễn-Văn-Cử, bay trên 2 máy bay Skyraider đầy bon đạn, thay vì đi dội bom trên các chiến-khu Việt-Cộng tại phía Bắc Saigon, lại quay máy bay trở lại trên không phận Thủ-Đô. Hai đương-sự dội bom phá sập lầu phía tay trái của Dinh Độc-Lập, nơi tư-dinh của Ông Cố-Vấn Ngô-Đình-Nhu. Ông Ngô-Đình-Nhu và gia-đình may ra thoát nạn, chỉ bị trầy-trụa sơ-sài. Vụ ám sát hụt đó nhắm vào Ông Cố-Vấn Ngô-Đình-Nhu, vì Tổng-Thống Diệm cư-ngu và làm việc bên lầu phiá tay mặt, rõ ràng không phải mục-tiêu của cuộc dội bom.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ
Dinh Độc-Lập phải phá-hủy toàn-vẹn, để xây-cất mới trở lại. Sự việc thiết-kế và công-trình xây-cất Dinh Độc-Lập mới, trao cho Kiến-Trúc-Sư Ngô-Viết-Thụ. Nhưng công cuộc xây-cất Dinh mới cũng phải mất cả hai năm, năm 1964 mới xong. Trong khi chờ đợi, tư-dinh của Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm phải tạm-thời di-dời qua Dinh Gia-Long.
Một tâm-sự của KTS Ngô-Viết-Thu, nay đã qua đời, được một ông bạn ghi-nhớ và thuật lại như sau:
Ngô-Viết-Thụ cho biết, khi Ông sáng-tạo sơ-đồ của Dinh Độc-Lập mới, đương-sự có ý-định thiết-kế Dinh với nhiều tầng lầu ngang, dài, giống nhau, như hình Hán-Tự chữ “Vương”. Theo ý-nghĩa của Ngô-Viết-Thụ, “Vương” là “Vua”.
Nhưng KTS Thụ cũng cho biết rằng Ông cố-ý cho thêm ngay ở giữa tầng cuối, một tầng-thượng nhỏ, như một nét phẩy trên đầu chữ Hán-Tự “Vương”, để chữ Hán-tự đó trở thành một Hán-Tự khác, là chữ “Chủ”, không còn có nghĩa là “Vua” nữa. Xem 2 chữ Hán-Tự “ “Vương” và “Chủ” dưới đây.
Ý-kiến của Ngô-Viết-Thụ là các nhân-vật chính-trị Việt-Nam, nếu có cơ-may cư-ngụ tại Dinh Độc-Lập mới, thì chỉ là những người “Chủ-Nhà” tạm-thời mà thôi. Các đương-sự phải hành-xử thế nào với dân-gian và thời-cuộc tại Việt-Nam, mới mong về sau được trở thành « như một nhà Vua ».
Tôi tò-mò tra-cứu lời tiên-đoán theo thuyết Phong-Thủy nói trên của KTS Ngô-Viết-Thụ, để hiểu thêm ý-đồ của đương-sự. Sau đây, xin trình kết-quả sơ-lược để các bạn được biết cho vui.
Chữ Hán-Tự ”VƯƠNG” có hình 3 hàng gạch ngang, bằng nhau và một cột gạch đứng ở giữa. “Vương” có nghĩa là « Vua ». Nhưng nếu thêm vào phía trên một nét phẩy, thì chữ “VƯƠNG” trở thành chữ Hán-tự “CHỦ”:
Tin-tưởng của Ngô-Viết-Thụ rõ-ràng bị ảnh-hưởng bởi thuyết Phong-Thủy. Tại Trung-Quốc, cũng như tại Việt-Nam hồi xưa, dư-luận thường cho rằng ân-huệ được làm Vua, là một ân-huệ “Trời cho”, có thể truyền lại trong trật-tự cho con cháu kế-vị của nhà Vua, hay cho người thừa-kế được lựa chọn.
Nhưng nếu thêm trên đầu Chữ Hán-Tự “VƯƠNG” một nét phẩy, thì chữ đó trở-thành Chữ Hán-Tự “CHỦ”, như Chủ-Nhà, Chủ-Tịch, Chủ-Sự, Dân-Chủ, v.v. Các chức-vụ “CHỦ” thông-thường không phải là “Trời cho”, mà là “Người cho”. Các đương-sự thụ-hưởng chức-vụ “Người cho” đó, phải hành-xử thế nào với thành-viên của cộng-đồng liên-hệ, mới được hưởng chức-vụ “CHỦ”, mà cộng-đồng đó giao cho, thông-thường trong một thời-gian có hạn mà thôi.
Đó chẳng qua là yếu-tố căn-bản của một chế-độ “Dân-Chủ”. Ý-nghĩ của Ngô-Viết-Thụ có lẽ bị ảnh-hưởng phần-nào do thuyết Phong-Thủy của Trung-Quốc thời xưa, hợp lại với nguyên-tắc Dân-chủ hiện-đại.
Luôn-tiện khi nói tới Dinh Độc-Lập và thuyết Phong-Thủy, tôi cũng nhớ lại T.T. Diệm cũng là người tin-tưởng khá nghiêm-túc thuyết Phong-Thủy. Tôi có cơ-hội chứng-kiến trước đó, một câu chuyện khác nửa.
Khi đi kinh-lý với Ông tại vùng Dĩ-An, phía Bắc Thủ-Đức, cạnh nghĩa-trang của gia-đình Hui-Bổn-Hỏa. T.T. Diệm yêu-cầu tôi tìm cách chuyển-hướng một con suối nhỏ chạy dài theo nghĩa-trang nói trên, với mục-tiêu theo tin-tưởng Phong-Thủy của T.T. Diệm, là để phá-tan tài-sản của Hui-Bổn-Hỏa, một Hoa-Kiều mà T.T. Diệm đa-nghi là đã làm giàu tại Việt-Nam, nhờ những sự thông-đồng tiêu-cực với thực-dân Pháp. Đó là một trường-hợp cục-bộ, độc-đáo của T.T. Diệm, áp-dụng thuyết Phong-Thủy trong hoạt-động chính-trị!
Trở lại sự-tích Dinh Độc-Lập, trên thực-tế không có nhân-vật chính-trị nào tại Việt-Nam đã cư-ngụ tại Dinh Độc-Lập, mới hay cũ, được lâu dài và an-toàn:
1/- T.T. Diệm, tuy đã cư-ngụ tại Dinh củ gần 8 năm, nhưng không có cơ-hội sử-dụng Dinh Độc-lập mới, vì Dinh chưa xây-cất xong sau khi Dinh củ bị bom phá sập năm 1962. T.T. Diệm đã phải tạm-thời di-dời tới Dinh Gia-Long. Rồi năm 1963, Ông bị đảo-chánh và bị ám-sát.
2/- Trong khoảng thời-gian ngắn, chỉ 3 tháng sau khi T.T. Ngô-Đình-Diệm bị đảo-chánh, chủ-mưu cuộc đảo-chánh, Đại-Tướng Dương-Văn-Minh tự phong cho mình chức-vụ Tông-Thống VN. Nhưng lúc bấy giờ Dinh Độc-Lập mới còn đang xây-cất, chưa xong.
3/- Đại-Tướng Nguyễn-Khánh “Đảo-chánh Chĩnh-lý” Đại-Tướng Dương-Văn-Minh hồi đầu năm 1964. Lúc bấy giờ Dinh Độc-Lập vẫn còn đang xây-cất. Do đó, Đại-Tướng Nguyễn-Khánh cũng chưa chiếm-ngự được Dinh Độc-Lập mới.
4/- Tổng-Thống Nguyễn-Văn-Thiệu có lẽ là người cư-ngụ tại Dinh Độc-Lập mới được lâu-dài hơn ai hết, tôi không nhớ bao nhiêu năm. Nhưng rốt-cuộc, Ông cũng phải từ-chức, rồi hối-hả rời khỏi Dinh Độc-Lập, xuất-dương ra nước ngoài khi Quân-Đội Bắc-Việt tràn-ngập xâm-chiếm miền Nam Việt-Nam, hồi cuối tháng 4, năm 1975.
5/- Đại-tướng Dương-Văn-Minh, lúc bấy giờ được hối-hả bổ-nhiệm trở lại cương-vị Tổng-Thống, vào những ngày sôi-động cuối-cùng, cuối tháng 4 năm 1975. Nhưng Đại-Tướng DV Minh chỉ chính-thức sử-dụng Dinh Độc-Lập trong một hai ngày mà thôi, trước khi Quân-đội Bắc-Việt phá-tung của sắt trước Dinh Độc-Lập ngày 30-04-1975, truất-phế T.T. Dương-Văn-Minh ngay tại Dinh Độc-Lập.
6/- Rồi từ đó về sau, Bắc-Việt cải-trang Dinh Độc-Lập thành một nơi hoàn-toàn vô-dụng, chỉ để tiếp du-khách trò chơi mà thôi, cho tới ngày nay.
Không lạ gì một Kiến-Trúc-Sư như Ngô-Viết-Thụ, thường suy-luận và bị ám-ảnh bởi thuyết Phong-Thủy trong sự-nghiệp thiết-kế và xây-cất nhà-cửa và dinh-thự. Những mơ-ước dân-chủ của Ngô-Viết-Thụ là tất-nhiên và đáng khen.
Rất-tiếc, Ngô-Viết-Thụ là một nhân-tài kiến-trúc, có nhiều khả-năng chuyên-nghiệp, thường suy-luận và có ý-nghĩ độc-đáo. Nhưng đương-sự không may, không có điều-kiện thuận-lợi để đóng-góp xây-cất nhiều công-trình hữu-ích cho Việt-Nam, vì chiến-tranh triền-miên và ác-liệt tại nước nhà.
Có phải chăng, đó là một hậu-quả của sự tiên-đoán Phong-Thủy của KTS Ngô-Viết-Thụ đã hình-thành: Rốt-cuộc không có nhân-vật nào cư-ngụ tại Dinh Độc-Lập đã hành-xử thích-nghi với cư-dân và thời-cuộc tại Việt-Nam, để trở-thành “một nhà Vua” và truyền ngôi trong trật-tự cho con cháu, hay người thừa-kế hợp-pháp.
Tiếc cho công-trình xây cất Dinh Độc-Lập của Ngô-Viết-Thụ, một Dinh-thự khá ngoạn-mục tại Việt-Nam, nay trở-thành một công-trình hoàn-toàn vô dụng.
Ngô-Viết-Thụ là một KTS có tài, một trong số rất hiếm các KTS được đào-tạo tại Trường Kiến-Trúc danh tiếng Paris, và được đặc-biệt tưởng-thưởng “Khôi-Nguyên Roma”. Những KTS Pháp được tưởng-thưởng “Khôi-Nguyên Roma” như Ngô-Viết-Thụ, đều được gởi đi tu-nghiệp trong nhiều năm tại thủ-đô Roma, Ý-Đại-Lợi, để hấp-thụ ý-thức và truyền-thống của các công-trình kiến-trúc huy-hoàng của Văn-Minh La-Tinh khi xưa. Rồi sau đó, các đương-sự thường được bổ-nhiệm vào nhiều trọng-trách trong chính-phủ Pháp, hay thành-công vẻ-vang trong sự-nghiệp kiến-trúc dân-sự, xây-cất nhiều dinh-thự ngoạn-mục tại nước Pháp, hay trên thế-giới !
Dinh Độc Lập hiện nay
Không may cho Ngô-Viết-Thụ, Ông phải hành-nghề tại Việt-Nam trong một môi-trường chiến-tranh triền-miên và ác-liệt, làm cho tài-năng kiến-trúc của Ngô-Viết-Thụ chỉ vỏn-vẹn tồn-tại trên đất Việt, là Dinh Độc-Lập/Saigon, mà ngày nay đang trở-thành một công-trình hoàn-toàn vô-dụng, chỉ để cho du-khách ngoại-quốc thăm-viếng trò chơi mà thôi, một cách thiếu nghiêm-túc cho một công-trình, mà trước đó là Dinh của một Tổng-Thống Việt-Nam.
KS. Trần Lê Quang
0 comments :
Post a Comment