Sau đây là bức thư cuối cùng của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn gửi Võ Nguyên Giáp. Bức thư do chính Gs Hoàng Xuân Hãn mang tay đến Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Paris, nhờ chuyển. Trên đường về nhà, ông đã trượt chân ngã; Vào nhà thương ít hôm sau thì mất. Là thư riêng nhưng ông gửi gắm nhiều sự quan tâm đến vận nước và quan điểm giữ nước. Xét thấy có nhiều nội dung vẫn còn tính thời sự, nhất là giai đoạn hiện nay, khi Trung Quốc đang gây hấn ở biển Đông, chúng tôi đăng lại toàn văn thư này để bạn đọc tham khảo và qua đó hiểu thêm tâm sự của bậc trí thức chân chính.
PARIS ngày mồng 2 tháng Giêng năm Bính Tý
Thân gửi anh VĂN
Thưa ANH
Đối với ANH đã nhậm trọng-trách trong nước, những kẻ đạt lời đến ANH, ắt dùng những tiếng xưng-hô cực long- trọng. Vậy tôi xin Anh thứ lỗi đã giữ lời xưng kín-đáo thân- mật trong buổi gian-nan để cùng nhau mừng năm mới và chúc Anh vẫn mạnh-khoẻ để trường thọ và chỉ-giáo cho con em. Chúng ta là những kẻ tủi-nhục cho nước khi trẻ, mà may-mắn hơn nhiều bạn, còn sống đến ngày nay, nhận thấy đất nước thống-nhất độc-lập. Nhưng lại sợ rằng lớp trẻ, hiện nay là sinh-lực của nước, sẽ chóng quên tủi nhục xưa và công lao những người như các Anh.
Tôi đã có lúc biện-luận về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại-xâm và sự giải-phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải-phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh. Tự nhiên cả hai mặt phải nhờ gắn-bó giữa mưu-lược lãnh-đạo và kiên-cường nhân-dân. Khi ngoại-xâm thì nhân-dân ai cũng căm-tức và lo-sợ cho tương-lai; còn trong cuộc giải-phóng thì địch đã ở chung với nhân-dân lâu trong nước, rồi có thể dùng quyền-lợi để chia rẽ và giảm tinh-thần nhân-dân. Vì vậy, cái cần-thiết nhất trong cuộc giải-phóng là cái ĐỨC của những người lãnh-đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua-chuộc mình và làm gương cho nhân-dân giữ lòng yêu nước.
Chính ngày nay, đức-tính ấy rất cần đối với những người cầm trọng-trách. Chắc rằng các Anh vân lưu-tâm về điểm ấy. Nhưng nhân-dân chớ quên công-lao những kẻ kia. Điều thứ hai tôi sợ là sự tư-lợi ngày nay làm giảm thế-khí của cán-bộ đối với người ngoài, họ mang tiền vào; có kẻ tưởng người mình vẫn "sợ" họ như xưa, cho nên họ tìm cách lung-lạc. Ví dụ töi được nghe nói rằng có công-ti lớn ngoài đầu-tư đã không muốn, như ta tưởng, phái sang nước ta làm đại-diện, những người gốc Việt mà họ có, vì nhiều duyên-cố, nhất là họ sợ mất "oai" vớ người Việt.
Nước ta nghèo ; mới độc-lập và thống-nhất. Vậy sự bảo-thủ đất-nước rất khó. Nước lại có nhiều dân-tộc thiểu-số, tuy tỉ-lệ nhỏ, nhưng ở những vùng kinh-tế quan trọng ở mé Bắc và và mé Tây, và cả tại trung-châu như Chàm và Khme khrom. Gương ngoại-bang xui-khiến hay giúp-rập không thiếu: Tchechene, Đông-Âu, Tây-Á. Phi-Châu. Tôi nghĩ rằng phải tôn-trọng và ứng-dụng văn-hoá điạ-phương và coi đó là văn-hoá Việt-nam, đồng-hoá chóng về trình-độ kiến-thức và trà-trộn dân-tộc trong lúc tuyển-chọn cán-bộ. Nước Pháp đã giải-quyết được vấn-đề Bretons, Auvergnats, Alsaciens, Basques v.v. mà vấn-đề Irland ở Anh vẫn tồn-tại. Vấn-đề mặt bể và hải-phận thì nan-giải, nhưng phải đựa vào chính-sách ngoại-giao đối với một tối-cuờng-quốc láng-giềng. Nhưng dẫu thế nào thì một tiểu-hạm-đội rất cần, ít ra thì cũng phải giữ an-toàn khu du-lịch vịnh Hạ-long. Đối với Lào thì chớ quên rằng cuối đời Thuộc Pháp, Lào chỉ gồm vùng Nam-Chưởng và Vạn-tượng; sự an-toàn đất Việt về mặt Tây dã nhờ sự ấy. Đối với Khmer thì chắc các Anh đã biết đó là lỗ hở của nước ta đối Tây-Phương. Phải làm sao cho sự tuyên-truyền của họ rằng ta tiếp-tục chiếm lấn họ là mẹo chia rẽ để lấn-áp đất chung.
Về mặt kinh-tế, sự mở cửa cho ngoại-quốc đầu-tư là một sự dĩ-nhiên để dân mình có việc làm, học kĩ-thuật, học quản-lí, kiến-thiết hạ-tầng cơ-sở, nâng dần đời sống, và nhờ đó báo-đáp ít nhiều công-lao lãnh-đạo và nhân-dân. Nhưng các Anh cũng đồng-ý với tôi thà chịu thiệt-thòi chút ít bây giờ, chứ không để nợ lớn lâu dài về sau cho con cháu, đến mức không bao giờ trả hết lãi.
Cuối cùng, tôi muốn nói qua về vấn-đề bom hạt-nhân. Pháp vừa tuyên-bố ngừng thử, Trung-quốc vẫn thí-nghiệm và làm. Nước ta không thể có; nhưng phải nghĩ đến lúc bất ngờ có địch-thủ lấy nó để đe-doạ mình thì làm sao? Đây không phải là một giả-thuyết suông. Trung-quốc hiện nay còn đe-doạ Đài-loan nếu xứ nầy tưởng dựa vào Hoa-kì mà tỏ thái-độ li-khai. Nếu lục-địa lấy bom hạt-nhân ra đe-doạ, Hoa-kì có can-thiệp vào nội-trị nước khác không? Ngoại-giao ta ắt có lúc phải chọn một nước lớn có bom hạt-nhân mà Trung-quốc sợ, để trở-ngại ý-đồ đe-doạ của địch.
Trên đây chỉ là mấy lời tầm-thường tôi xin góp làm vui câu chuyện đầu năm với ANH. Xin Anh đừng cười là những lời vô-trách-nhiệm. Nhân ngày tết, töi xin chúc tết ANH và cả nước; và xin gứi bài khai-bút năm nay để biểu-lộ lòng riêng. Rằng:
Tám chục may rồi sắp chín mươi
Sức chừng thêm đuối tính thêm luời
Sử nhà bạn cũ ôn không thẹn
Vận nước tình sâu mộng sẽ tươi
Văn ngữ thời xưa tìm kiếm gốc
Tinh hoa thuả mới gắng đua người
Tuổi cao nhưng chí còn trai trẻ
Mắt đọc tay biên miệng vẫn cười.
(Trên đây tôi dùng năm vần trong bài " Cảm ơn mừng thọ tám mươi " làm đã 9 năm rồi:)
Tuổi-tác nay đà chẵn tám muơi
Đời ta ngắm lại lắm khóc cười
Thương tâm bốn bận binh đao thảm
Mộng mị nhiều phen hậu vận tươi
Bọt nước hư danh lòng chẳng bợn
Vốn nhà cố giữ chí không luời
Tri âm chẳng lọ so già trẻ
Xin dãi lòng son cảm tạ Người
Kính chúc ANH và gia-quyến trong năm nầy mọi sự may-mắn tốt-lành.
HOÀNG-XUÂN-HãN
0 comments :
Post a Comment