Từ Minh Phụng đến Bầu Kiên
Dân Choa
Vụ án xử Nguyễn Đức Kiên ( Bầu Kiên) và cộng sự đã khép lại sau nhiều phiên tranh tụng sôi động. Bầu Kiên bị khép vào 4 tội và lĩnh án 30 năm từ giam. Các cộng sự cũng bị xử tương đối nặng. Một nhân vật dính dáng đến vụ án này là ông Trần Xuân Giá hãy còn tạm thời vắng trong vụ án vì lý do tuổi già và bệnh tật.
Tuy không có mặt tại tòa, nhưng chắc chắn thông tin về các phiên tòa có lẽ ông nắm được đầy đủ. Như vậy ý chí của ông muốn chứng minh rằng „ông được làm mọi điều mà pháp luật không cấm“ sẽ lung lay. Nếu ông kiên định như Bầu Kiên thì sẽ bị trả giá như thế nào.
Vụ án đã xem như kết thúc, nhưng thực sự thì còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, nhiều vấn đề mới được đặt ra, nhất là về mặt pháp lý trong lĩnh vực quản lý tài chính.
Hơn 10 năm trước đây có một vụ án kinh tế lớn. Đó là vụ án Minh Phụng ( Tăng Minh Phụng) và EPCO. Minh Phụng vốn là một con người làm kinh tế tư nhân xuất sắc. Từ hai bàn tay trắng, đi làm thuê nhưng Minh Phụng đã nhanh chóng nhận ra cơ hội làm kinh tế trong thời kỳ đất nước mở cửa. Ông làm hàng dệt may. Trong một thời gian ngắn Minh Phụng đã trở thành một đại gia kinh tế lớn với gần 10 ngàn công nhân, chủ sở hữu nhiều nhà máy, công xưởng và hàng chục triệu m2 đất đai. Ông cũng nhận ra rằng muốn phát triển thêm nữa cần có ngân hàng chống lưng, phải có nguồn vốn tài chính thêm từ trong nước và nước ngoài. Vì thế ông đã tìm cách lách luật, mở thêm nhiều công ty nhỏ để vay vốn và liên kết đón dòng tiền đầu tư từ bên ngoài.
Ông cũng là người nhận ra rằng, lĩnh vực bất động sản là một lĩnh vực tiềm năng hơn tất cả sản xuất, vì thế ông mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Thế nhưng vì ông thực hiện quá sớm, bất động sản chưa có thể bùng nổ ngay và ông bị lãi suất ngân hàng đánh quỵ. Các trò liên kết với ngân hàng được quy kết là bất hợp pháp. Ông bị truy tố trước pháp luật và nhanh chóng lĩnh án tử hình.
Mặc dù ông không còn ở trên đời, nhưng hệ lụy từ Minh Phụng vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay.
Ngay sau khi tử hình Minh Phụng, dư luận vẫn cho rằng ông bị xử quá khắt khe. Vụ án ( do phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban chỉ đạo) có quyết tâm xử án theo ý chí chính trị. Nhà nước vẫn đóng kín, không khuyến khích tư nhân làm kinh tế và sợ hãi thành phần kinh tế tư nhân sẽ chi phối thành phần kinh tế quốc doanh. Mọi liên kết kinh tế với yếu tố nước ngoài bị ngăn chặn. Có nghĩa là kinh tế quốc doanh vẫn phải được duy trì ở mức độ cao nhất, không có cạnh tranh.
Thời đó, Minh Phụng tuy là một đại gia kinh tế mạnh nhưng ông chỉ là một người làm kinh tế thuần túy, không có giao lưu với bạn bè trong giới chính trị, không có một ai trong giới chính trị lên tiếng bảo vệ ông. Giới luật sư hoạt động chưa mạnh mẽ như bây giờ vì thế số lên tiếng để thảo luận về án của Minh Phụng không nhiều. Ngay tòa án phát quyết cũng về giá trị tài sản của ông cũng rất vô lý, gây bất lợi cho Minh Phụng.
Trong vòng 10 năm qua thì chính lĩnh vực bất động sản, như Minh Phụng đã dự đoán, đã đưa nhiều người Việt thành danh. Bất động sản ở Việt Nam thành một thị trường sôi động nhất và hầu hết ngân hàng đều nhảy vào tham gia lĩnh vực này và chính hiện nay bất động sản đang sống chủ yếu bằng nguồn tài chính từ ngân hàng.
Bầu Kiên tuy cũng làm ăn phát đạt từ dệt may như Minh Phụng. Nhưng ông Kiên có điều kiện học hành hơn, tiếp cận với cái mới, dùng tài chính để làm công cụ điều khiển nhiều lĩnh vực vĩ mô. Vì thế ông Kiên đã sớm chuyển đổi chiến lược đầu tư. Đây là một lĩnh vực mới, mới đối với cả một cơ chế nhà nước theo đường lối CNXH. Vì thế trong lĩnh vực tài chính thiếu các tài chế để kiểm tra, kiểm soát. Ông Kiên biết điều này và ông đã lách luật, tìm cách xây dựng cho mình cả một đế chế tài chính hùng mạnh.
Ông Kiên có tầm ảnh hưởng lớn trong giới tài chính Việt Nam, nhiều quyết định của ông đã làm rung chuyển cả hệ thống ngân hàng. Phía nhà nước lúng túng trước những bước đi của ông Kiên và cũng nhận thấy đó là một đối thủ nặng ký trong số gọi là „ lợi ích nhóm“, có thể thách thức quyền lợi của nhà nước.
Ông Kiên bị bắt và khởi tố cùng các cộng sự khác. Trước tòa ông Kiên đã cố gắng chứng minh cho mình không phạm tội và vạch ra nhiều thiếu soát của phát lý quản lý tài chính. Thế nhưng ông Kiên vẫn bị xử nặng, thậm chí vì do thái độ của ông trước tòa nên còn bị nặng hơn.
Vụ án tuy đã kết thúc nhưng nhiều vấn đề tranh tụng trước tòa còn bị bỏ ngỏ vì mảng quản lý hệ thống tài chính thiếu tài chế bảo vệ và xét xử.
Minh Phụng cũng như Bầu Kiên họ là những doanh nhân thành công của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Mỗi người một lối sống khác nhau, cách làm kinh tế khác nhau. Cả hai đều muốn làm giàu. Nhưng họ vừa là anh hùng và cũng là nạn nhân của thể chế phát triển kinh tế của xã hội. Vì họ sống và kinh doanh trong một môi trường đầy mâu thuẫn.
Đất nước phát triển kinh tế theo lối kinh tế thị trường, có nghĩa là lối làm ăn theo chủ nghĩa tư bản, thế nhưng quản lý xã hội lại bằng pháp luật của chủ nghĩa xã hội.
Không riêng chỉ Minh Phụng , Bầu Kiên hay một tư nhân nào đó có tên tuổi mà ngay các vị giám đốc, tổng giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể xảy ra tương tự. Hôm nay họ có thể là được tung hô như người anh hùng, nhưng ngày mai họ có thể bị truy tố trước tòa về tội vi phạm pháp luật về kinh tế.
0 comments :
Post a Comment