Jun 10, 2014

Quốc gia mất nội lực

Quốc gia mất nội lực


June 2, 2014 at 7:59am


Một quốc gia có hai thứ nội lực chính: tinh thần và vật chất.



Riêng với đất nước Việt Nam,



1) Tinh thần:

Ngay khi một đảng cầm quyền liên tục tuyên bố "toàn dân đoàn kết đứng dưới cờ đảng" thì chế độ ấy đã bắt đầu mất nội lực bởi lẽ nếu đó là sự tự nguyện và là sự thật thì không cần phải làm điều ấy. Những tuyên bố ấy chỉ là những liều thuốc tê nhằm trấn an đám đông và chính họ.



Đến khi đảng cầm quyền liên tục kêu gọi "nhân dân hãy đoàn kết đứng chung quanh đảng và nhà nước" thì chế độ ấy đã cạn kiệt nội lực, bởi lẽ, một chế độ khoẻ mạnh thì không cần phải kêu gọi điều ấy. Những kêu gọi ấy chỉ là những cố gắng níu kéo quyền lực chớ chẳng phải để bảo vệ và xây dựng tổ quốc.


Khi một đất nước nguy biến, nội lực thật sự trở nên rõ ràng. Biểu hiện của nội lực ấy đi từ thái độ của người dân và phản ứng của chính quyền. Ở Việt Nam, thái độ của người dân bị bóp nghẹt và phản ứng của chính quyền mập mờ tạo thành một khối nội lực yếu ớt, thụ động và hoang mang. Một đất nước có quá ít người dám lên tiếng, có quá nhiều người sợ hãi hoặc mặc kệ thì nội lực quốc gia ấy hầu như không còn nữa.

2) Vật chất:
Từ 1975 đến 2010, nước Việt Nam nhận một số tiền viện trợ nhân đạo, tiền vay không hoàn trả và kiều hối lên đến gần 188 tỉ đô la [1]. Song song vào đó, Việt Nam cũng nhận một khoản tiền đầu tư ưu đãi và cho vay với lãi suất nhẹ lên đến gần 200 tỉ đô la [2]. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam đang nằm ở chỗ suy sụp trầm trọng. Nợ công chồng chất, thị trường địa ốc đóng băng, thị trường tài chính không ổn định, hàng trăm ngàn doanh nghiệp giải thể, nông dân được mùa nhưng không bán được nông sản và dẫn đến vỡ nợ, ngư dân thì đánh bắt trong sợ hãi, rừng cây, tài nguyên thì khai thác gần như cạn kiệt.

Việt Nam đã bỏ lỡ hoặc thậm chí phá hoại những cơ hội vàng để phát triển và vững mạnh. Kinh tế thị trường không mở cửa cho sự phát triển mà chỉ mở cửa cho những cá nhân và những nhóm lợi ích rút rỉa và tham nhũng, dẫn đến sự hư hoại không những kinh tế mà cả đạo đức xã hội. Đối với các nguồn đầu tư, Việt Nam là một thị trường nhân công rẻ mạt và nằm ở vị thế này, Việt Nam chưa bao giờ là đối tác kinh tế đáng để những quốc gia đầu tư giàu có phải nể trọng. Ở vị trí như thế, quốc gia nào muốn đứng ra để bảo vệ quyền lợi của mình ở Việt Nam nếu Việt Nam có biến động? Ngay cả vật chất để tự trang bị cho mình sức mạnh quân sự cũng không có thì nội lực thế nào quá rõ.


Từ chỗ nội lực tinh thần và nội lực vật chất yếu ớt và thụ động dẫn đến thói vọng ngoại và rồi đeo cứng vào những giải pháp hoà hoãn, nhân nhượng, dần dà trở nên nhu nhược và hèn kém được che đậy bằng những mỹ từ như "hoà bình", "ổn định" và "phát triển" khi chẳng có nguồn ngoại lực nào trong tầm tay.

Nước Việt Nam cần nuôi dưỡng và vực dậy nội lực của mình bằng cách dẹp bỏ những rào cản, những thứ đã và đang bóp nghẹt và giết chết nội lực. Tất nhiên, việc này chỉ xảy ra khi phần lớn những con người Việt Nam thật sự muốn như vậy.


Chú thích:

[1] Đọc thêm: https://www.facebook.com/notes/ho%C3%A0ng-ng%E1%BB%8Dc-di%C3%AAu/vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-v%C3%A0-ki%E1%BB%81u-h%E1%BB%91i-1975-2010/565228240166154

[2] Đọc thêm: https://www.facebook.com/notes/ho%C3%A0ng-ng%E1%BB%8Dc-di%C3%AAu/v%E1%BB%91n-%C4%91%E1%BA%A7u-t%C6%B0-tr%E1%BB%B1c-ti%E1%BA%BFp-v%C3%A0-oda-1975-2010/565228523499459

0 comments :

Post a Comment