Jun 12, 2014

TỪ ĐẠI CỤC ĐẾN ĐẠI NHỤC








       * Bùi Văn Bồng

                Chưa có một nhiệm kỳ nào, các vị lãnh đạo cao nhất (Tứ trụ) lại sang Tàu thăm và ký nhiều Tuyên bố chung như nhiệm kỳ 11 này. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và ký Tuyên bố chung ngày 15-10-2011. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc và ký Tuyên bố chung Việt-Trung ngày 22-6-2013. Tiếp đến, Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Việt Nam và cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuiyên bố chung ngày 15-19-2013.
Có điều, dư luận cho rằng: TBT Nguyễn Phú Trọng, về mặt đảng, sao lại ký Tuyên bố chung giữa hai nhà nước? Rồi nữa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới ký Tuyên bố chung tháng 6 - 2013, thì chỉ 4 tháng sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ký Tuyên bố chung. Hình như các vị thi nhau ký TBC với TQ, để rồi làm gì, mang lại cái gì?
                 Đặc biệt trong Tuyên bố chung do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 22-6-2013 nêu rõ: “… 4 -  Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ..., kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển.

“Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực.

“Hai bên nhất trí gia tăng mật độ đàm phán của Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt-Trung, trong năm nay thực hiện một đến hai dự án hợp tác trong số ba dự án đã thỏa thuận, bao gồm Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.

“Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.” …

Tuyên bố chung do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Khắc Cường ký, nêu rõ: “Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”,..

 Trong các Tuyên bố chung cũng như các cuộc gặp gỡ “hữu nghị” song phương”, phía Trung Quốc đều nhấn mạnh “tất cả vì Đại Cục”, “vì phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt”, “giữ vững “lòng tin chiến lược”…

Thực chất, “ông anh 20” (16+4) nói những từ rất xa rộng, rất mênh mông, “lòng tin chiến lược” và “ đại cục’ là gì thì khó ai lường, ít ai suy đoán hết nội dung, ý nghĩa. Nhất là lúc nào nhà càm quyền Trung Nam Hải cũng lải nhải nhắc đi nhắc lại hai từ vì “Đại Cục”.

‘Đại cục’, được các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu là vì việc lớn, vì nghĩa lớn, trong quan hệ hai nước: “Việt Nam, người láng giềng “cùng chung ‎ thức hệ xã hội chủ nghĩa“, từng “thắm tình hữu nghị, núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông” vốn “sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”.

             Liên tục và dày đặc Tuyên bố chung, với những lời lẽ, mỹ từ, câu chữ “hay” là thế, “ngon ăn” là thế, nhưng: Tuyên bố nói dzậy, thực tế không  phải dzậy”. Ký vào tuyên bố chung thì cứ ký, nhưng ký xong, phía Trung Quốc phủi tay luôn.

              Chưa nói đến ngay sau Tuyên bố chung, nhà cầm quyền Trung Nam Hải đều có ngay “chứng minh ngược”, Chúng cho tàu đánh cá tràn ngập biển Đông; chặt cột cờ trên tàu đánh cá của ngư dân VN rồi ném cờ đỏ sao vàng xuống biển;  tiếp tục cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam; tập trận ngay khu vực quần đảo Trường Sa, vũng biển chủ quyền của Việt Nam, tiếp tục nâng cấp cái gọi là thành phố Tam Sa, cho tàu cá khiêu khích, cho tàu ngư chính ngăn cản tàu cá Việt Nam ngay trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam…

          Hiện nay, đã hơn 40 ngày, giàn khoan HD 981 lù lù trụ bám trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam với sự tăng cường tới 120 tàu ngư chính, tàu hải giám và cả tàu chiến, cả máy bay rung dọa, yểm trợ.
         Thế nhưng, để tránh xung đột vũ trang, không đễ xảy ra chiến tranh, một trong những biện pháp cần kíp 'đấu tranh hòa bình' là phát đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế thì VN vẫn chưa thấy động thái nỗ lực nào. Theo TS.Trần Đình Bá: " Mọi người rất sốt ruột về vấn đề chủ quyền biển Đông, Việt Nam khẳng định có quyền chủ quyền, quyền tài phán thì Trung Quốc cũng nói như vậy. Cho nên bây giờ nên đưa ra phân xử để bảo vệ chủ quyền của mình bằng biện pháp đấu tranh hòa bình. Tôi cũng như mọi người dân Việt Nam mong muốn là nhân sự kiện này phải kiên quyết đòi bằng được Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Đây là cơ hội đưa ra tòa án quốc tế để đòi lại chủ quyền Hoàng Sa, với nỗi hận 4 thập kỷ qua nhân dân Việt Nam muốn đòi lại vùng đất của cha ông mà bao nhiêu thế hệ đã gìn giữ.”

             Thực tế cho thấy, cả mấy chục lần rồi, Trung Quốc không hề đếm xỉa gì đến cái "cực lực phản đối" qua người phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam. TS. Phạm Chí Dũng cho rằng: “ Đơn giản là ngay từ đầu nhà nước Việt Nam không quyết tâm kiện và họ làm điều đó chẳng qua là vì áp lực dư luận, áp lực của số đông và áp lực của những người trong chính nội bộ của họ mà thôi, nhưng mà họ không quyết tâm kiện. Đó là chưa biết họ có củng cố hồ sơ cho có những cơ sở chắc chắn đủ để kiện Trung Quốc hay không. Nhưng mà tinh thần yếu kém trong việc chuẩn bị hồ sơ và thiếu quyết tâm đã làm giảm sút đáng kể nhiệt huyết của những người đi kiện. Nếu đưa ra tòa án quốc tế thì tôi nghĩ việc này không thể thành công ngay được, thậm chí nhiều khả năng sẽ kéo dài rất lâu. Trong khi đó, chúng ta thấy được sự rạn nứt chia rẽ khá lớn ngay trong nội bộ nhà nước Việt Nam, về các quan điểm khác nhau, đường lối đối ngoại khác nhau. Và trong vụ kiện với Trung Quốc cũng đặc biệt xuất hiện những quan điểm trái chiều, đó là một sự giằng kéo và rất có thể làm cho vụ kiện này sẽ không đi tới được.”

            Mọi nỗ lực đơn phương muốn trực diện trao đổi giữa lãnh đạo hai nước đều bị TQ từ chối thăng thừng. Phía nhà cầm quyền Trung Nam Hải mặc kệ, phớt lờ, bất cần, lại cố tình ‘dựng hiện trường giả’ đổ vấy cho phía Việt Nam “gây sự”, đâm tàu Trung Quốc…

            Trong khi đó, TBT Nguyễn Phú Trọng đề nghị gặp Tập Cận Bình ít nhất hai lần, nhưng đều bị từ chối. Trung Quốc còn cắt ‘đường dây nóng’ như thỏa thuận giữa nhà cầm quyền hai nước, nhưng phía Trung Quốc lại cắt kết nối, gây khó dễ. Đặc biệt, dù cho đại tường Phùng Quang Thanh “dịu nhẹ”, coi sự xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc như “chuyện trong nhà”,  “anh em va chạm”; và rằng “quan hệ hữu nghị 2 nước vẫn tốt đẹp”…, rồi “chỉ đàm phán song phương”, nhưng nay nhà cầm quyền Trung Nam Hải thẳng thừng, trịch thượng, khinh suất nói rằng không chấp nhận đàm phán..

             Xưa nay, các nhà lãnh đạo nước ta vì sự cả tin, chủ quan, tầm nhìn hẹp, ít suy lý và...vì gì nữa mà bị Trung Quốc "cho ăn béo ngậy" những quả lừa đắng và đau không kêu được. Thế nên, các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam mới “sáng mắt ra”, vì quá tin vào “lòng tin chiến lược”, tin vào các ‘Tuyên bố chung’, nhất là tin vào cái gọi là vì “Đại Cục”, nay rước về nỗi đau tâm khảm: Đại Nhục, không những nhục cho các vị mà cái lớn hơn là nhục quốc thể!

BVB

0 comments :

Post a Comment