Jun 12, 2014

“Hồn ấy còn, là nước còn. Hồn ấy mất, nước mới mất. . .”

“Hồn ấy còn, là nước còn. Hồn ấy mất, nước mới mất…”


 Đào Dục Tú
Hồn ấy còn, là nước còn. Hồn ấy mất, nước mới mất. . .” . Vậy thì làm sao nước Việt có thể mất? Mãi mãi…
Cảm ơn anh Đào Dục Tú đã gửi bài viết này
———
Người Nhật lao động ,người Nhật bình dân sau thời gian làm việc ở Việt Nam đã nêu lên một nhận xét thuộc “dân tộc tính” Việt hiện đại khiến nhiều người cảm thấy đau lòng. Người ta dẫn chứng cụ thể ,sinh động ,người Việt đồng nghiệp có thể vô tình đá đẩy dẫm đạp cái đinh vít “ngoại xịn” trị giá bốn năm chục ngàn đồng , xem mình vô can. Nhưng anh ta vội vã nhặt điếu thuốc hút dở bị rơi xuống đất, hút tiếp, nhả khói mơ màng thích thú.

Cái đinh vít kia không thuộc về anh ta ,còn điếu thuốc hút dở là thuộc về sở hữu của anh ta; dù giá trị điếu thuốc chưa đầy ngàn bạc lẻ. Người Nhật bình thường không “buộc phải dùng”ngôn ngữ ngoại giao; cho rằng người Việt chỉ thấy cái lợi trước mắt dù rất tủn mủn, chỉ quan tâm đến cái gì trước hết thuộc cá nhân riêng tư bé mọn của mình. Với bản tính như thế, người Việt chịu khổ suốt đời ,nhiều đời. Và hiển nhiên suy rộng ra nước Việt khó mà tiến tới văn minh hiện đại ,giầu mạnh phú cường nếu như người Việt còn “tâm lý tiểu nông cá thể cá nhân” như vậy
Tiếp nhận ” thông tin văn hóa” đó trên mạng, người viết liền nhớ ngay đến bài báo đăng trên tờ Nam Phong nhan đề “bàn về cái tinh thần lập quốc” của ông chủ bút Phạm Quỳnh số 194 –tháng 7-1931. Bài báo ra đời sắp tròn 83 năm! Khởi hứng ,khởi sự để ông chủ bút ,học giả Phạm Quỳnh viết bài “thời luận” này xuất xứ từ ý tưởng của nhà văn Pháp Ernest Renan trong một bài được gọi là “đại luận đề”: Thế nào gọi là một nước.
Học giả Phạm Quỳnh suy tưởng ” Cái mối vô hình nó ràng buộc người ta lại, làm thành một cái đoàn thể thiên nhiên mà bền chặt, trăm nghìn vạn mớ người cũng như một người, lâm thời có thể răm rắp đứng lên mà đối với sự ngoại hoạn (hoạn nạn từ ngoài vào). Cái mối vô hình ấy, tức là cái tinh thần lập quốc, tức gọi là quốc hồn. Cái tinh thần ấy phấn chấn thời nước mạnh, cái tinh thần ấy ủy mị thì nước suy. . .Nói tóm lại thời nước là ở trong lòng người, cái nguyên tố lập ra nước là tự trong lòng người, không phải ở đâu xa.

Hễ người ta có cái ý nguyện muốn xum vầy để sinh hoạt cùng nhau, thế là nước thành. Cái ý nguyện ấy càng đằm thắm thiết tha bao nhiêu thời đoàn thể quốc gia càng bền chặt vững vàng bấy nhiêu. Cái ý nguyện ấy đã hững hờ lạt lẽo, thời là đoàn thể quốc gia bắt đầu suy vậy.Vậy thời theo lời ông Renan, nước là một cái hồn ,là cái tinh thần mầu nhiệm. Hồn ấy còn, là nước còn ; hồn ấy mất, nước mới mất. . .”
Gác lại một bên văn phong cổ cách đây 83 năm, gần thế kỷ và một lối tư duy theo phong cách Nho học, người ta vẫn thấy rõ ý tưởng tinh thần dân tộc cố kết muôn người là gốc của nước. Muôn người đồng tâm hiệp lực vì nước thì nước mạnh ,nước còn và ngược lại phân tán, lạt lẽo, rệu rã thì nước nhược ,dân suy.. Mà nước đã nhược dân đã suy thì giang sơn tổ tiên để lại trở thành miếng mồi “tuyệt hảo” cho đủ thứ giặc ngoại xâm dòm ngó rình rập, lăm le nuốt chửng; vận nước dễ bại vong.
Bài báo của học giả Phạm Quỳnh dẫn ra một chuyện thú vị. Cụ viết “Cốt nhất là phải đồng tâm hiệp lực với nhau, cố kết cùng nhau, thời yếu mà cũng trở nên mạnh được, dẫu mỏng như cánh bèo cũng có thể che được mặt nước, chắn được trời xanh. Đời nhà Mạc, tướng Tầu Mao Bá Ôn muốn đem quân sang đánh nước Nam, có ý khinh nước ta, ví như cái bèo trên mặt nước, vịnh bài thơ bèo (dịch ra Việt ngữ) rằng:
“Cái bèo kia mọc theo ruộng nước, nhỏ như cái kim mọc ở chỗ nào cũng không được sâu; cây không có gốc rễ mà không có cán, thế sao có ruột với có cành được; chỉ biết mọc xúm lại một chỗ, rồi tan đi đâu không biết; chỉ biết lúc nổi tên mặt nước, rồi chìm lúc nào không biết; gặp khi chiều trời con gió ác, quét ra hồ bể biết đâu mà tìm”.
Cụ Trạng Giáp Hải họa lại bài thơ ấy (dịch ra Việt ngữ) rằng : ” Bèo kia mọc ken như vẩy gấm, khó luồn được cái kim vào; cành rễ liền nhau mọc rất sâu. Thường cùng với đám mây trắng trên trời mà tranh mặt nước ,không để cho mặt trời chiếu xuống lòng nước được. Sóng đánh nghìn trùng không phá vỡ được; gió thổi muôn lần không đánh chìm được. Nào cá nào rồng ẩn cả trong đám bèo ấy; đến cần câu Lã Vọng cũng không biết đâu mà tìm”.
Kết luận bài báo, học giả Phạm Quỳnh bình luận: “Ấy cái bèo nước Nam ngày xưa hùng như thế, tranh được cả bạch vân, chắn được cả hồng nhật mà dung được bao nhiêu kẻ hào kiệt anh hùng. Có lẽ ngày nay để cho phong trào thế giới quét sạch ra bể hồ hay sao? Nếu không biết cố kết lấy nhau, mọc ken như vẩy gấm, mà nối lá kiền rễ cùng nhau, thì đến thế thật !”
Đặt bối cảnh bài báo vào thời điểm lịch sử vong quốc vào tay thực dân phương Tây, nước Việt còn đắm chìm trong vòng nô lệ; thấy hậu ý của người viết sáng rỡ như ban ngày ,cần gì bình giải thêm nữa! Lớp cầm bút hậu sinh vãn bối chỉ còn biết kính phục tiền nhân. Tám mươi ba năm về trước, ông chủ bút báo Nam Phong đâu chỉ nói với người cùng thời . .
Thiêng quá ,hình như ông còn đang nói với người Việt trong bối cảnh biển Đông dậy sóng! Hãy làm triệu triệu cánh bèo Việt cố kết như cánh bèo nước Nam ngày xưa “hùng như thế” như tiền nhân mãn ý tự hào! Một bài báo cũ về thời gian nhưng hoàn toàn mới về ý nghĩa thời cuộc ! 
————
Ghi chú : Cảm ơn nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã thân tặng tôi cuốn sách mới nhất của ông ” Vẫy tay vào vô tận” ; trong đó có chân dung học thuật Phạm Quỳnh.

0 comments :

Post a Comment